Đàm phán giữa nhóm P5+1 với Iran xung quanh chương trình hạt nhân Iran:

Cuộc chạy đua nước rút

Thứ Bảy, 28/03/2015, 10:32
Hôm 26/3 (tức 4 ngày trước khi đến hạn chót 31/3), Mỹ và Iran đang cố gắng đi đến một thống nhất chung để tiến tới một thỏa thuận khung giữa nhóm P5+1 với Iran xung quanh vấn đề hạt nhân ở quốc gia này. Hiện cả hai đều bày tỏ thiện chí giải quyết các vấn đề tồn tại và xóa bớt những bất đồng.

Vòng đàm phán hạt nhân mới được cho là mang tính quyết định đối với thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 với Iran về chương trình hạt nhân của Iran đã được tiếp nối vào ngày 26/3 tại thị trấn nghỉ dưỡng Lausanne của Thụy Sĩ. Bầu không khí mát mẻ ở khu vực này dường như không thể át nổi sức nóng trong các cuộc tranh luận giữa hai phái đoàn Mỹ và Iran do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif đứng đầu. Dẫu vậy, theo ghi nhận của phóng viên hãng Reuters, cả hai bên đã nỗ lực hết mình để giải quyết các vấn đề tồn tại.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif rời khách sạn Lausanne sau cuộc đàm phán với người đồng cấp Mỹ John Kerry hôm 26/3. Ảnh: AP.

Bản thân Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khi trả lời báo giới cũng thừa nhận: “Chúng tôi đã cố gắng nhưng vẫn có sự khác biệt. Chúng tôi đang làm việc để thu hẹp sự khác biệt đó”. Về phía Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry nhận định, thời hạn chót 31/3 có thể đạt được nhưng vấn đề là hai bên sẽ đạt được thống nhất đến mức độ nào mà thôi.

Ông John Kerry cũng khẳng định quyết tâm của Mỹ là phải cho thế giới thấy một lộ trình hướng tới thỏa thuận được hình thành và đang tiến bước chứ không phải các ngõ cụt, không lối thoát. Hơn nữa, việc đi đến thỏa thuận chung còn là cách duy nhất để Tổng thống Mỹ Barack Obama thuyết phục Quốc hội không gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran vì chương trình hạt nhân của nước này.

Trong khi đó, giới chức ngoại giao Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga vẫn hy vọng sẽ nối lại cuộc đàm phán giữa nhóm P5+1 với Iran nếu Washington và Tehran đạt được một thỏa thuận khung đúng thời hạn chót. Còn nếu đạt được trước ngày 31/3, đây sẽ là một dấu mốc lịch sử trong quan hệ Washington-Tehran sau hơn 3 thập kỷ đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao.

Các nguồn tin gần gũi với tiến trình đàm phán cho biết ngoài các nhượng bộ lớn trên đây, Iran và nhóm P5+1 cũng đã sơ bộ nhất trí về việc cho phép Iran giữ lại 6.000 trong hơn 10.000 thanh nhiên liệu hạt nhân hiện có, thay vì 6.500 như dự định trước đây, sau khi đã được tinh chế lại để giảm bớt hàm lượng uranium tới mức không thể chế tạo được bom hạt nhân.

Trước đây, Mỹ nhất quyết yêu cầu Iran chỉ được giữ lại 500 đến 1.500 hoặc tối đa là 4.000 thanh nhiên liệu hạt nhân. Số thanh nhiên liệu còn lại sẽ được chuyển ra nước ngoài. Giới chức Mỹ cho rằng nếu đồng ý với các điều kiện này, Iran sẽ phải mất ít nhất một năm mới có thể chế tạo được bom hạt nhân. Về thời gian Iran phải tạm ngừng toàn bộ các hoạt động hạt nhân, các quan chức Mỹ cho biết, tối thiểu là 10 năm, nhưng có thể kéo dài 15, thậm chí 20 năm.

Theo nhận định của các chuyên gia, nếu đạt được thỏa thuận, chỉ trong ít năm nữa, Iran sẽ trở thành một cường quốc cả về kinh tế lẫn chính trị trong khu vực quan trọng này. Vì thế, hôm 25/3, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã gửi thư và điện đàm tới lãnh đạo các cường quốc trong nhóm P5+1 để thúc đẩy cuộc đàm phán. Còn nhà lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói quyết định trong mọi vấn đề của Iran, đã khẳng định Tehran sẽ không để bị ép phải đáp ứng mọi yêu cầu của phương Tây nhưng cũng không mong muốn có đổ vỡ trong đàm phán.

Hiện Mỹ cũng đang ráo riết đẩy nhanh các cuộc đàm phán với hy vọng ký được một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran trước ngày 31/3 để ba tháng còn lại sẽ đi vào thảo luận các điều khoản chi tiết của hiệp định cuối cùng. Với sự phản đối mạnh mẽ từ Quốc hội thì áp lực về kết quả cuộc đàm phán càng trở nên nặng nề hơn đối với Ngoại trưởng John Kerry và Tổng thống Barack Obama. Trong trường hợp mọi việc thuận lợi, đây sẽ là một dấu ấn quan trọng nhất về đối ngoại trong 2 năm cầm quyền còn lại của Tổng thống Barack Obama và nó cũng là một “chiến thắng” đối với nhà ngoại giao John Kerry.

Sông Thương
.
.
.