Đàm phán vấn đề hạt nhân ở Iran:

Cùng nhượng bộ để tiến tới thỏa thuận chung

Chủ Nhật, 22/03/2015, 08:16
Để hoàn thành mục tiêu tiến tới thỏa thuận chung vào ngày 31/3, nhóm P5+1 và Iran đã quyết định nối lại đàm phán bị tạm ngưng hôm 20/3 vào ngày 25/3. Theo các nhà phân tích, sau 6 ngày đêm đàm phán ráo riết, dường như cả Mỹ và Iran đều đã có những nhượng bộ lớn.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf, để chuẩn bị cho vòng đàm phán tiếp theo vào ngày 25/3 tại Geneva (Thụy Sĩ), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có cuộc gặp với những người đồng cấp Anh, Pháp và Đức trước khi rời châu Âu về Washington hội ý với các quan chức cấp cao khác trong chính phủ. Ông John Kerry cho biết, cuộc đàm phán hạt nhân với Iran đang đối mặt với “những vấn đề gai góc” nhưng “có tiến triển tốt”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đánh giá, cuộc đàm phán hạt nhân với Iran trong 6 ngày đêm vừa qua đã đối mặt với “những vấn đề gai góc” nhưng “có tiến triển tốt”. Ảnh: Reuters.

Tuy vậy, điều mà Ngoại trưởng Mỹ cũng như Tổng thống Mỹ lo ngại nhất vẫn là việc hai bên không kịp đạt được thỏa thuận khung vào ngày 31/3. Vì vậy, bên cạnh việc nỗ lực đàm phán, hãng AP cho biết, chính quyền Washington cũng đã tính đến việc gia tăng biện pháp trừng phạt Iran nếu không đạt được thỏa thuận.

Trong một thông điệp bằng hình ảnh được gửi đi hôm 20/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã kêu gọi giới chức lãnh đạo và người dân Iran nắm bắt “cơ hội lịch sử” để có thể theo đuổi một tương lai khác giữa hai nước. Được biết, hiện ông Barack Obama đã thuyết phục được Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker và nghị sĩ đảng Dân chủ của ủy ban này là Robert Menendez lùi thời gian bỏ phiếu về dự luật lưỡng đảng yêu cầu Tổng thống phải trình bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào của quốc tế với Iran cho Quốc hội xem xét đến 14/4.

Sau thời điểm đó, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu. Giới quan sát thì nhận định, trở ngại lớn nhất giữa các bên hiện nay vẫn là về tiến độ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Iran. Vì vậy, các bên đều cần thời gian để tham vấn. Cụ thể, Tehran muốn nhanh chóng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, còn Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lại muốn làm dần dần với quan điểm rằng để có thể “nắm đằng chuôi”, buộc Iran đáp ứng các nghĩa vụ mới theo thỏa thuận.

Trong khi đó, trước khi trở về nước tham dự lễ tang mẹ của Tổng thống Hassan Rowhani, người đứng đầu tổ chức năng lượng hạt nhân Iran Ali Akbar Salehi cũng đánh giá cao tiến trình đàm phán góp phần mang đến nhận thức chung giữa các bên.

Ông Ali Akbar Salehi nói: “Các vấn đề kỹ thuật trong việc giải quyết chương trình hạt nhân đều diễn ra tích cực trong một số lĩnh vực, góp phần tăng cường nhận thức chung giữa các bên”. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi thì cho biết, thời gian tạm ngừng này sẽ giúp các bên tiến hành hợp tác và tham vấn thêm.

Cũng theo ông Abbas Araghchi thì cuộc đàm phán ngày 25/3 sẽ là vòng đàm phán mang tính quyết định bởi trước khi tạm ngừng đàm phán, hai bên đã cùng dự thảo các điều khoản của một thỏa thuận khung. Theo đó, Iran đồng ý cắt giảm 40% các thiết bị có thể sử dụng để chế tạo bom hạt nhân tại các lò phản ứng hạt nhân.

Đổi lại, Mỹ và các nước đồng minh sẽ nhanh chóng dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt kinh tế, đồng thời bãi bỏ một phần lệnh của Liên Hợp Quốc về cấm vận vũ khí thông thường đối với Iran. Trong quyền hạn của mình, thậm chí Tổng thống Mỹ Barack Obama không cần phải thông qua Quốc hội, có thể tự quyết định nới lỏng một số biện pháp trừng phạt kinh tế.

Một số nguồn tin khác thì cho hay, có hai nhượng bộ lớn của nhóm P5+1 đối với Iran trong lần đàm phán này là cho phép Tehran giữ lại 6.000 trong 10.200 thanh nhiên liệu hạt nhân hiện có. Các thanh nhiên liệu này sẽ được tinh chế lại để giảm bớt hàm lượng uranium tới mức không thể chế tạo được bom hạt nhân.

Đây được xem là sự đột phá trong tiến trình đàm phán vì trước đây, Mỹ nhất quyết yêu cầu Iran chỉ được giữ lại 500-1.500 hoặc tối đa là 4.000 thanh nhiên liệu hạt nhân; số thanh nhiên liệu còn lại sẽ được chuyển ra nước ngoài.

Nhượng bộ lớn thứ 2 là việc Iran sẽ ngừng các hoạt động hạt nhân trong 10 năm thay vì vĩnh viễn hoặc 20 năm như Mỹ trước đây từng yêu cầu.

Sông Thương
.
.
.