Crimea chính thức gia nhập Liên bang Nga

Thứ Tư, 19/03/2014, 09:13
15h (giờ Moskva) ngày 18/3, tại điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu trước các đại biểu Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang của Quốc hội Nga về đề nghị của Crimea và Sevastopol xin sáp nhập vào Liên bang Nga. Và bắt đầu từ ngày 18/3, đồng rúp của Nga cũng trở thành đơn vị tiền tệ chính thức thứ hai ở Crimea và sẽ được lưu hành song song với đồng hryvnia trước khi đồng tiền này bị thu hồi vào năm 2016.
>> Phản ứng tam giác Mỹ - EU - Nga sau khi Crimea xin gia nhập vào Nga?

“Nước cờ” của Nga

Theo tin từ hãng AFP, tối 17/3, sau khi chính thức ký sắc lệnh công nhận Crimea là một quốc gia độc lập và có chủ quyền, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức thông báo với Quốc hội nước này về yêu cầu xin sáp nhập Liên bang Nga của Crimea và thành phố Sevastopol. Đây là bước đi pháp lý đầu tiên cần có cho việc sáp nhập trên thực tế của Crimea và Sevastopol.

Ngay sau đó, cơ quan báo chí của Phủ Tổng thống Nga cũng ra thông báo cho biết, vào lúc 15h (giờ Moskva, tức 18h giờ Việt Nam) ngày 18/3, tại điện Kremlin, Tổng thống Vladimir Putin phát biểu trước các đại biểu Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang của Quốc hội Nga về đề nghị của Crimea và Sevastopol sáp nhập vào Liên bang Nga.

Trước đó, ông Putin cũng đã nhanh chóng thông qua dự thảo thỏa thuận sáp nhập Crimea và Sevastopol, đồng thời chỉ thị cho các cơ quan quyền lực ở Nga phê chuẩn việc Crimea trở thành một phần của nước Nga và nói rằng việc "ký thỏa thuận này ở cấp độ cao hơn là điều thích hợp".

Điều này cũng có nghĩa là đích thân Tổng thống Nga và Chủ tịch Quốc hội Crimea Vladimir Konstantinov có thể sẽ ký Thỏa thuận sáp nhập Crimea vào Nga. Còn đối với thành phố Sevastopol, hôm 17/3, hội đồng thành phố đã đổi tên thành Hội đồng lập pháp Sevastopol và biểu quyết tán thành để nhà lãnh đạo Aleksandr Chalyi ký thỏa thuận liên quốc gia về sáp nhập vào Nga như một chủ thể riêng biệt.Một mặt nhanh chóng hoàn thành các thủ tục cần thiết để gia nhập Liên bang Nga, mặt khác, chính quyền Crimea cũng đang thúc giục, kêu gọi Liên hợp quốc và các nước trên thế giới công nhận Crimea là một quốc gia độc lập.

Rồi trong khi Mỹ và các nước phương Tây tìm mọi cách để ngăn cản việc sáp nhập thì Crimea đã đi một bước khá mạnh bạo khi trong phiên họp bất thường trong buổi sáng 17/3, Quốc hội nước này đã công bố quyết định, đồng rúp của Nga sẽ trở thành đơn vị tiền tệ chính thức thứ hai ở Crimea và sẽ được lưu hành song song với đồng hryvnia trước khi đồng tiền này được thu hồi vào năm 2016. Ngân hàng trung ương Crimea sẽ độc quyền việc phát hành tiền tệ, chịu trách nhiệm thu hồi đồng hryvnia đang lưu hành trên lãnh thổ nước Cộng hòa Crimea và sau này hoạt động với chức năng như một chi nhánh khu vực của Ngân hàng trung ương Nga.

Niềm vui của người dân Crimea sau khi kết quả thăm dò dư luận được công bố và Nga chính thức đón Crimea “trở về đất mẹ”.

“Thế trận” của Mỹ - EU

Trước sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về kinh tế, chính trị, văn hóa của Crimea và thành phố Sevastopol cho việc sáp nhập vào Liên bang Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) bên cạnh việc dùng chiến thuật đe dọa còn sử dụng nhiều biện pháp khác hòng ngăn chặn nhưng không thành công. Trong ngày 18/3, tức chỉ 24 tiếng đồng hồ sau khi 96,77% người dân Crimea đồng ý gia nhập Liên bang Nga, Mỹ - EU đã sớm ra nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

EU áp đặt lệnh cấm thị thực và phong tỏa tài sản của 13 quan chức Nga và 8 quan chức Crimea gồm các thành viên của Thượng viện Nga như Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc phòng Viktor Ozerov, Phó Chủ tịch thứ 1 Ủy ban Đối ngoại Vladimir Dzhabarov, Chủ tịch Ủy ban Hiến pháp và Pháp luật Andrey Klishas, Chủ tịch Đảng Nước Nga Công bằng Sergey Mironov, Phó Chủ tịch Hạ viện Sergey Zheleznyak và Chủ tịch Ủy ban Cộng đồng các Quốc gia Độc lập Leonid Slutsky cùng nhiều Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên các Ủy ban khác… và Thủ tướng Crimea Sergey Aksyonov, Chủ tịch Quốc hội kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Rustam Temirgaliev, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Crimean Denis Berezovsky, Thị trưởng Sevastopol Aleksey Chaluy và một số quan chức khác.

Lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực trong vòng 6 tháng và không ảnh hưởng đến các quan chức, phóng viên và nhân viên của các tổ chức không trực thuộc Chính phủ Nga và Crimea. Mỹ cũng đưa ra danh sách 11 quan chức Nga và Ukraine bị phong tỏa tài sản và cấm nhập ảnh vào Mỹ gồm Tổng thống Ukraine bị phế truất Viktor Yanukovych, một Phó Thủ tướng Nga và một số cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin.

Sắc lệnh cũng cấm công dân Mỹ quan hệ kinh doanh với những nhân vật này. Canada đã trở thành quốc gia tiếp theo có lệnh trừng phạt nhằm vào Nga trong đó các nhân vật mà nước này nhằm tới là 7 người thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Olegovich Rogozin cùng 3 quan chức Crimea. Theo tin từ hãng AFP, một số quốc gia khác như Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ xem xét lời kêu gọi của Mỹ, EU về một lệnh trừng phạt đối với Nga

Phan Hiển
.
.
.