Cộng hòa Burundi: Chặn đứng âm mưu đảo chính quân sự

Thứ Sáu, 15/05/2015, 09:21
Lợi dụng lúc Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza tới Tanzania để tham dự cuộc đàm phán với lãnh đạo 5 nước thuộc Cộng đồng châu Phi (EAC) nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Phi này, ngày 13/5, Thiếu tướng Godefroid Niyombare - người bị cách chức Giám đốc cơ quan tình báo Burundi hồi tháng 2 vừa qua - đã tuyên bố lật đổ ông Nkurunziza.

Tuy nhiên, chỉ sau đó vài giờ, từ Tanzania, Tổng thống Nkurunziza khẳng định âm mưu đảo chính trên đã bị thất bại và những kẻ thực hiện âm mưu này sẽ bị đưa ra trước pháp luật.

Phát biểu tại một doanh trại quân đội trước báo giới, Tướng Niyombare cho rằng Tổng thống Nkurunziza đã vi phạm Hiến pháp khi tìm cách ra tranh cử nhiệm kỳ 3. Ngoài ra, Tướng Niyombare cũng cho biết, ông đang làm việc với các nhóm xã hội dân sự, lãnh đạo tôn giáo và chính trị gia để thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Tướng Niyombare tuyên bố đã giành được sự ủng hộ của “nhiều” tướng lĩnh quân đội và cảnh sát cấp cao trong cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Nkurunziza.

Tướng Niyombare cũng đã ra lệnh đóng cửa sân bay Bujumbura và biên giới trên bộ: “Tôi ra lệnh đóng cửa sân bay và biên giới, đồng thời yêu cầu mọi công dân và nhân viên thực thi pháp luật tới sân bay để bảo vệ nó”. Về phần mình, thông qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống Nkurunziza khẳng định “thật đáng tiếc khi một nhóm lực lượng vũ trang đã đảo chính”, đồng thời tuyên bố đây là “một cuộc đảo chính không tưởng”.

Ông Nkurunziza cũng nêu rõ: “Âm mưu đảo chính này đã bị chặn đứng và những người đã đọc tuyên bố đảo chính trên đài phát thanh đang bị lực lượng an ninh và quân đội truy lùng để pháp luật trừng trị”. Trong khi đó, một sĩ quan cấp cao của Burundi cho biết hai phe phái quân đội nước này đang tiến hành đàm phán nhằm tìm ra một giải pháp bảo vệ các lợi ích quốc gia, đồng thời khẳng định 2 bên đã “nhất trí không gây đổ máu cho người dân Burundi”.

Trước những diễn biến trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke cùng ngày cho hay bộ này đang theo dõi tình trạng bạo lực gần đây tại Burundi với sự “quan ngại sâu sắc”. Tuy nhiên, quan chức này cho biết hiện vẫn chưa thể xác định liệu có phải đã xảy ra một cuộc đảo chính quân sự tại quốc gia Đông Phi này hay không.

Người biểu tình ở Burundi. Ảnh: Reuters.

Được biết, đụng độ bùng phát tại nhiều khu vực ở thủ đô Bujumbura của Burundi một ngày (27/4) sau khi đảng Hội đồng quốc gia bảo vệ nền dân chủ - các lực lượng bảo vệ nền dân chủ (CNDD-FDD) cầm quyền nhất trí bầu ông Nkurunziza ra tranh cử tại cuộc bầu cử tổng thống dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/6 tới. Phe đối lập và các nhóm nhân quyền phản đối kịch liệt và cho rằng, động thái này vi phạm Hiến pháp Burundi cũng như Thỏa thuận hòa bình và hòa giải Arusha, theo đó quy định Tổng thống Burundi không được giữ ghế quá hai nhiệm kỳ.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power nhấn mạnh Washington coi các nỗ lực của ông Nkurunziza nhằm tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba là bất hợp pháp, đồng thời cảnh báo Mỹ sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân lên kế hoạch hoặc tham gia các hoạt động bạo lực tại Burundi. Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp Burundi khẳng định ông Nkurunziza không vi hiến vì nhiệm kỳ đầu của ông do Quốc hội bầu, không phải do dân trực tiếp bầu.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc (LHQ), ít nhất 19 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các cuộc biểu tình bạo lực và đụng độ; hơn 70.000 người phải sang lánh nạn tại các nước láng giềng như CHDC Congo, Tanzania và Rwanda. Tình hình này làm dấy lên quan ngại bạo lực sẽ trở lại quốc gia vốn đang trong quá trình phục hồi kể từ khi cuộc nội chiến kéo dài 13 năm kết thúc vào năm 2006, vốn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 300.000 người.

Trong diễn biến mới nhất ngày 14/5, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã tổ chức buổi họp khẩn để bàn về tình hình Burundi. Litva, quốc gia đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của HĐBA, cho biết Pháp đã kêu gọi họp khẩn ngay sau cuộc thảo luận về Iraq.

Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã ra tuyên bố kêu gọi các bên tại Burundi kiềm chế và “nhấn mạnh sự cần thiết phải tổ chức một tiến trình bầu cử đáng tin cậy, minh bạch, toàn diện và hòa bình”. Tuy nhiên, cơ quan quyền lực này không nhắc tới quyết định tái tranh cử của Tổng thống Nkurunziza nhằm tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba. Cùng với LHQ, Liên minh châu Âu và Mỹ cũng đã kêu gọi Chính phủ Burundi áp dụng các biện pháp để làm dịu tình hình và hoãn tổ chức bầu cử.

Nhưng, trong một tuyên bố ngày 11/5, ông Nkurunziza đã bác bỏ lời kêu gọi hoãn bầu cử, khẳng định việc trì hoãn bầu cử sẽ làm tình hình tồi tệ hơn. Tổng thống Burundi bày tỏ lạc quan rằng, các cuộc bầu cử sẽ diễn ra hoà bình, minh bạch và công bằng, đồng thời nêu rõ sẽ chấp thuận kết quả bỏ phiếu.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.