Hậu tổng tuyển cử ở Hy Lạp:

Con đường phía trước không trải hoa hồng

Thứ Ba, 22/09/2015, 10:13
Việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn tại Hy Lạp hôm 20/9 đã gần như giúp cựu Thủ tướng Alexis Tsipas trở lại nắm quyền sau hơn một tháng từ bỏ. Kết quả này là minh chứng cho thấy người dân “Xứ sở thần thoại” vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào đảng cánh tả Syriza và ông Tsipras. Tuy nhiên, con đường phía trước của ông Tsipras và chính phủ mới của ông được dự đoán là rất gian nan, với ngổn ngang những thách thức to lớn.

Do không đạt đủ số ghế quá bán ở Quốc hội (145/300 ghế) nên thách thức đầu tiên đặt ra với nhà lãnh đạo đảng Syriza là thành lập một chính phủ liên minh để lãnh đạo đất nước. Phát biểu trước người ủng hộ tại Athens sau khi kết quả chính thức được công bố, ông Tsipras xác nhận thông tin sẽ một lần nữa liên minh với người bạn cũ, đảng Người Hy Lạp độc lập (ANEL) theo chủ nghĩa dân tộc và lãnh đạo ANEL Panos Kammenos đã chấp nhận việc này. 

Theo đó, liên minh Syriza – ANEL sẽ chiếm tổng cộng 155 ghế trong Quốc hội, một con số tuy mong manh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ trước mắt, nhưng vừa đủ để ông Tsipras thực hiện các kế hoạch cải cách của mình. 

Trong khi đó, việc đảng “Bình minh mới” có xu hướng phát xít mới và bài ngoại trở thành đảng lớn thứ 3 với 7% số phiếu là một kết quả đáng lo ngại, một mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của xã hội và chính trị Hy Lạp. 

Nhiệm vụ của ông Tsipras ngay sau khi thành lập chính phủ liên minh là thuyết phục được các chủ nợ quốc tế không chỉ là cho vay trong hiện tại, mà còn cả việc thanh toán trong tương lai. Nếu chính phủ mới không nhanh chóng làm việc, Hy Lạp có thể phải đối mặt với nguy cơ không thể nhận thêm tiền hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU). Điều này có thể khiến Athens không trả được khoản nợ 3,2 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào năm sau. 

Ông Alexis Tsipras hồi sinh từ “tro tàn”.

Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem bày tỏ mong đợi Chính phủ Hy Lạp mới sẽ được thành lập một cách nhanh chóng và thực hiện đầy đủ các cam kết để nhận được gói cứu trợ. Trong khi đó, IMF khẳng định, Hy Lạp chắc chắn cần một gói cứu trợ, nếu không có nó, đất nước này có thể một lần nữa mất khả năng thanh toán các hóa đơn trong dài hạn. Châu Âu dường như không sẵn sàng thảo luận đến vấn đề này và cho rằng cần phải xem xét các cải cách kinh tế của Athens trước tiên. 

Gabriel Sterne, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu toàn cầu, thuộc Viện Kinh tế Oxford, phân tích: “Hy Lạp không có khả năng chống đỡ trước những sóng to gió lớn và vấn đề là các khó khăn này rồi sẽ đi xa đến đâu và có bao nhiêu thành viên EU sẽ đồng ý với Đức trong vấn đề không tiếp tục đầu tư cho Hy Lạp nếu nó không đáng”.

Bên cạnh đó, tâm tư không muốn tiếp tục các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” quá hà khắc của cử tri Hy Lạp cũng được phản ánh rõ trong cuộc bầu cử vừa qua, khi tỉ lệ người đi bầu chỉ ở mức 55%, thấp kỷ lục trong 70 năm qua, phản ánh đúng tâm tư của các cử tri Hy Lạp là không muốn tiếp tục các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” quá hà khắc. Tuy nhiên, họ không còn cách nào khác là vẫn phải đi theo chính sách của ông Tsipras, chấp nhận những thỏa thuận bất lợi với các chủ nợ để có thể được vay nợ. 

Thách thức đặt ra cho ông Tsipras là vừa phải tiến hành cải cách cấp thiết vừa để cứu nguy nền kinh tế đang sa lầy, vừa tìm cách trả nợ cho các chủ nợ, nhưng cũng phải xoa dịu dư luận trong hoàn cảnh các biện pháp hà khắc có thể khiến dân chúng thêm phẫn uất, dẫn đến nguy cơ bất ổn ngày càng cao của nền chính trị nước này. 

Ngoài ra, ông Tsipras cũng phải vật lộn với vai trò của Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra ở châu Âu, khi hàng chục ngàn người đang thông qua cửa ngõ phía Đông của EU để tràn vào “lục địa già”. Khủng hoảng kinh tế và gánh nặng của dòng người di đổ vào nước này chắc chắn sẽ gây ra những sức ép rất lớn đối với ông Tsipas.

Sau cuộc bầu cử ngày 20/9, người dân Hy Lạp dường như đã kiệt sức bởi đây là cuộc bầu cử thứ ba chỉ trong vòng một năm qua và là cuộc bầu cử thứ 5 kể từ năm 2010 khi “căn bệnh” nợ công bắt đầu phát tác. Ông Tsipras từng nhấn mạnh, cuộc bầu cử lần này là cơ hội để truyền tải một “thông điệp quan trọng” đến châu Âu rằng người dân Hy Lạp phản đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” và chống lại sự thao túng của những nước giàu có. Vị lãnh đạo đảng Syriza ca ngợi đây là một “chiến thắng của người dân”, và Syriza đã được giao “một nhiệm vụ rõ ràng” trong cuộc bỏ phiếu. 

“Kết quả này không thuộc về Syriza. Kết quả này thuộc về những người lao động của đất nước này, những người đã chiến đấu cho một ngày mai tương sáng hơn, nhưng người từng mơ về một ngày mai tốt đẹp hơn”, ông Tsipras nhấn mạnh, “và chiến thắng này là điều mà chúng ta đạt được sau rất nhiều nỗ lực”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.