Phiên tranh tụng đầu tiên trong vụ kiện về Biển Đông: Cơ sở lập luận là UNCLOS

Thứ Tư, 08/07/2015, 08:09
Ngày 7/7, phiên tranh tụng đầu tiên về vụ kiện của Philippines nhằm vào tuyên bố “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông chính thức bắt đầu. 5 thẩm phán của tòa án trọng tài sẽ xác định xem liệu đơn kiện của Manila có giá trị pháp lý hay không và liệu tòa án có thẩm quyền xử vụ việc này hay không. Philippines hiện rất kỳ vọng vào việc tòa án sẽ ra phán quyết ủng hộ nước này trong khi Trung Quốc thì nhắc lại tuyên bố không tham gia vụ kiện.
Theo tin từ hãng BBC, phiên tranh tụng tại tòa án trọng tài ở The Hague (Hà Lan) sẽ kéo dài trong 7 ngày, từ 7 đến 13/7. Tham gia điều trần là một loạt quan chức cấp cao từ cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp Philippines trong đó có Chủ tịch Thượng viện Philippines Franklin Drilon, người phát ngôn Hạ viện Feliciano Belmonte Jr., Ngoại trưởng Albert del Rosario, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin và Bộ trưởng Tư pháp Leila De Lima… và một nhóm luật sư quốc tế (đứng đầu là luật sư nổi tiếng người Mỹ Paul Reichler) mà chính quyền Manila thuê để trợ giúp vụ kiện.

Luật sư Paul Reichler tiết lộ, nội dung chính của cuộc điều trần lần này chủ yếu tập trung vào vấn đề thẩm quyền và khả năng chấp nhận vấn đề sơ bộ. Các luật sư cũng sẽ đưa ra những luận điểm, trong đó có việc Trung Quốc đã ký kết tham gia các hệ thống luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) nhưng lại chưa thực hiện đầy đủ và đúng. 5 thẩm phán của tòa án trọng tài sẽ xác định xem liệu đơn kiện của Manila có giá trị pháp lý hay không và liệu tòa án có thẩm quyền xử vụ việc này hay không.

Nếu Philippines không thể thuyết phục tòa án về luận điểm của mình, vụ kiện sẽ kết thúc. Trong trường hợp ngược lại, ngay cả khi Bắc Kinh phủ nhận thẩm quyền của tòa trọng tài trong vụ kiện thì phán quyết ủng hộ Philippines của tòa án cũng sẽ tạo ra áp lực quốc tế rất lớn với Trung Quốc trong việc buộc Bắc Kinh phải tuân thủ các quy định quốc tế.

Trụ sở tòa án trọng tài tại The Hague (Hà Lan).

Philippines hiện rất kỳ vọng vào việc tòa án sẽ ra phán quyết ủng hộ nước này trong vụ kiện “đường chín đoạn” trên Biển Đông của Trung Quốc. Phát biểu trước báo giới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết, nước này đã chuẩn bị kỹ càng và đầy đủ cho phiên điều trần đầu tiên này và tin rằng tòa án trọng tài sẽ khẳng định rõ lập trường của Philippines.

Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Abigail Valte thì nhấn mạnh: “Chúng tôi tin là chúng tôi có cơ sở để kiện và tòa án sẽ ủng hộ. Chúng tôi tự tin về quan điểm của Philippines đối với vấn đề này”. Một thành viên trong phái đoàn Philippines sang The Hague tên là Francis Jardeleza cũng bày tỏ tin tưởng họ sẽ có thể thuyết phục tòa án trọng tài rằng, vụ kiện này không phải phân định về chủ quyền mà chỉ mong muốn dựa trên cơ sở UNCLOS để bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” vô lý của Trung Quốc.

Thẩm phán Antonio T. Carpio thuộc tòa án tối cao Philippines thì nói: “UNCLOS là căn cứ xét xử và tòa án trọng tài quốc tế là diễn đàn duy nhất nơi chúng tôi có thể thắng Trung Quốc. Ở đây, chiến hạm, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom không được tính đến. Họ chỉ ra quyết định dựa trên luật biển. Đây là nơi mà chúng tôi ở thế cân bằng sức mạnh với Trung Quốc”.

Diễn ra trong bối cảnh tình hình ở Biển Đông đang ngày càng căng thẳng nhất là khi Trung Quốc đơn phương gia tăng hoạt động cải tạo bãi đá và xây đảo nhân tạo ở Biển Đông, vụ kiện giữa Manila và Bắc Kinh được coi là phép thử đối với cộng đồng quốc tế và dù chỉ có tính ràng buộc về mặt pháp lý chứ khó cơ hội thực thi, kể cả khi phán quyết có lợi cho Philippines, song động thái này cũng cho thấy, các quốc gia lớn không thể ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế và ép buộc chủ quyền đối với các nước nhỏ hơn.

Thẩm phán Antonio T. Carpio nói: “Đường chín đoạn” của Trung Quốc bao phủ tới 85% diện tích Biển Đông, trong đó có 80% diện tích vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, nơi người dân Philippines đã đánh cá từ hàng thế kỷ qua.

Sở dĩ, cách đây hơn 2 năm, Philippines lựa chọn tòa trọng tài để nộp đơn kiện theo UNCLOS là vì tòa án này được quyền xét xử các vụ kiện trong trường hợp bên bị kiện phản đối và từ chối theo kiện”. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn tuyên bố tòa án trọng tài không có quyền xét xử vụ kiện của chính quyền Manila và không tham gia vào vụ kiện.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến vụ kiện. Hãng Reuters đưa tin, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan còn thiết lập hẳn một đường dây liên lạc chính thức với tòa án trọng tài và Đại sứ Trung Quốc tại Philippines hôm 6-7 vẫn một lần nữa đề nghị Manila cân nhắc biện pháp đàm phán trực tiếp.

Được biết, tháng 1/2013, Manila đã đệ trình đơn kiện của mình lên tòa án trọng tài và yêu cầu tòa án ra phán quyết khẳng định quyền được khai thác các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này ở Biển Đông theo đúng UNCLOS.

Tháng 3/2014, Manila trình tập hồ sơ pháp lý dày 4.000 trang để củng cố thêm cho vụ kiện. Đồng thời, nước này đã thuê một đội ngũ gồm toàn các luật sư nổi tiếng hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, Pháp, Anh để giúp chống lại tuyên bố “đường chín đoạn” ở Biển Đông của Trung Quốc. Tháng 12 cùng năm đó, Trung Quốc tuyên bố những tranh chấp lãnh hải của mình với Philippines về chủ quyền biển đảo chứ không phải về hàng hải đơn thuần.

Do đó, Trung Quốc không thừa nhận tính pháp lý của tòa án trọng tài trong xử lý vụ kiện này. Thậm chí, Trung Quốc còn cho rằng, vụ kiện của Philippines nằm ngoài phạm vi của UNCLOS.

Huyền Chi
.
.
.