Chuyến công du thắt chặt quan hệ đồng minh

Thứ Tư, 07/10/2020, 07:52
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang có chuyến thăm Nhật Bản sau khi cắt ngắn chuyến công du 3 nước châu Á như dự kiến ban đầu gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ với lý do Tổng thống Donald Trump mắc COVID-19.


Dù thay đổi lịch trình nhưng theo giới quan sát, mục tiêu chính của chuyến công du là không thay đổi khi vừa tăng cường quan hệ đồng minh, vừa tập trung kêu gọi hợp tác ứng phó với Trung Quốc thông qua cuộc gặp với nhóm Bộ Tứ kim cương.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến thăm Nhật Bản của Ngoại trưởng Mike Pompeo là nhằm thúc đẩy mối quan hệ đồng minh giữa hai nước và vì sự cởi mở, minh bạch, thịnh vượng, trách nhiệm hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AP

Thông cáo nhấn mạnh tầm nhìn chung Mỹ-Nhật về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do với mối quan hệ Mỹ-Nhật là nền tảng cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực này.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mối quan hệ kinh tế Mỹ-Nhật là một trong những mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và rộng nhất trên thế giới. Mỹ và Nhật Bản là hai đối tác thương mại hàng đầu với giá trị trao đổi hàng hóa và dịch vụ lên tới 300 tỷ USD mỗi năm.

Thỏa thuận thương mại song phương có hiệu lực từ đầu năm 2020 đã giảm hoặc xóa bỏ thuế đối với 7,2 tỷ USD xuất khẩu nông sản của Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định rằng cam kết của Mỹ đối với Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật năm 1960 là không thay đổi. Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục cùng Nhật Bản giải quyết các mục tiêu toàn cầu và khu vực chung với cách tiếp cận dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế bao gồm Luật biển.

Mỹ cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục củng cố hợp tác ba bên Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc trong việc đối phó với các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân nguy hiểm và phi pháp của Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cam kết của Mỹ đối với mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật được thể hiện qua con số gần 55.000 lính Mỹ đồn trú tại Nhật Bản và việc Mỹ triển khai các hệ thống quân sự tiên tiến nhất của mình tại Nhật bao gồm nhóm tấn công tàu sân bay USS Ronald Reagan và các chiến đấu cơ F-35. Việc vẫn giữ lại chặng dừng chân ở Nhật Bản với cuộc gặp Ngoại trưởng của Bộ tứ kim cương (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) có thể thấy điều này quan trọng thế nào trong chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay.

Thứ nhất là Nhật Bản có Thủ tướng mới nên Mỹ cũng muốn nhân dịp này củng cố quan hệ đồng minh giữa hai nước. Nhật Bản là đồng minh thân thiết của Mỹ tại khu vực châu Á, tuy nhiên, giữa hai bên vẫn còn vướng mắc trong nhiều vấn đề, đặc biệt là cán cân thương mại và chính sách của Mỹ với Triều Tiên.

Để duy trì và đẩy mạnh mối quan hệ với Nhật Bản hậu kỷ nguyên Abe Shinzo, Washington cần phải có những bước đi cụ thể nhằm khẳng định cam kết đối với đồng minh, cũng như hóa giải những lo ngại của chính quyền Tokyo.

Thứ hai là cuộc gặp với những người đồng cấp của Nhật Bản, Australia và Ấn Độ sẽ tập trung vào những vấn đề mà Mỹ rất quan tâm hiện nay bao gồm trật tự quốc tế hậu COVID-19 và sự cần thiết của phối hợp ứng phó với nhiều thách thức từ đại dịch. Nội dung quan trọng nhất của cuộc gặp này là thảo luận về an ninh trong nhóm chiến lược Bộ tứ kim cương, được cho là nhằm đối phó với sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi Mỹ đang tìm cách gia tăng sự ảnh hưởng cũng như thúc đẩy thành lập và củng cố các mối quan hệ đồng minh chống lại Trung Quốc.

Một số nhà quan sát cho rằng việc Ngoại trưởng Mike Pompeo cắt ngắn lịch trình của mình cũng không hề ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Mỹ trong đó bao gồm việc quy tụ thêm các nước trong khu vực để đối phó với sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Chuyến thăm lần này là cơ hội quan trọng cho việc tăng cường quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, đồng thời thúc đẩy hợp tác thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Cũng nhân chuyến thăm này, ngày 6-10, tại Tokyo, Ngoại trưởng 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ cũng diễn ra, trước hết thảo luận về biện pháp hợp tác trong vấn đề chống dịch COVID-19, cam kết đồng thuận liên quan đến khu vực tự do thương mại, thúc đẩy hợp tác với mục đích kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc đang nổi lên cả ở kinh tế và quân sự trong khu vực.

Cuộc gặp Ngoại trưởng 4 nước này trước đó đã được tiến hành vào tháng 9 năm ngoái tại Mỹ và đây là lần thứ 2 được tiến hành tại Nhật Bản. Sự liên kết 4 nước này được thực hiện dựa trên sáng kiến của Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, và nó được đẩy lên thành một mối quan hệ đăc biệt trong bối cảnh Ần Độ đang căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề biên giới, Australia hối thúc một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc phát sinh virus SARS-CoV- 2 làm trao đảo cả thế giới. Nhật Bản và Mỹ thì gay gắt về hành động đơn phương của Trung Quốc mang tính quân sự tại Biển Đông và Hoa Đông.

Chính vì vậy, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu cho rằng, đây là cuộc gặp có ý nghĩa về một giá trị bất biến mà Nhật Bản làm chủ đạo. Hơn thế nữa, Ngoại trưởng Mỹ mong muốn tạo ra một Liên minh các nước dân chủ mới nhằm đối kháng với Trung Quốc, đồng thời cũng mong muốn phát triển một đồng minh đa quốc gia giống như NATO trong đó thêm một số nước bao gồm Hàn Quốc.

Như vậy, tân Thủ tướng Suga Yoshihide mong muốn tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm, xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình dương tự do. Ý tưởng về một NATO châu Á đã được Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun nhắn đến tại Đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn Độ cuối tháng 8 vừa qua và nhiều khả năng Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ tiếp tục thúc đẩy ý tưởng này tại cuộc họp ở Nhật Bản.

Củng cố liên minh ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là một trong những ưu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Các nhà quan sát cho rằng, chính những phát triển quân sự vượt bậc của Trung Quốc, cũng như chính sách đối ngoại ngày càng hung hăng của Bắc Kinh, đã khiến các quan chức Mỹ và phương Tây tính đến việc hình thành một kiểu “NATO châu Á” quy tụ các cường quốc trong vùng để kìm hãm tham vọng của Bắc Kinh.

Cả Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đều có những vấn đề riêng với Trung Quốc và Bộ Tứ này luôn ủng hộ một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương “tự do, mở, thịnh vượng” dựa trên những giá trị chung và tôn trọng luật pháp quốc tế. Nếu được hình thành, “NATO châu Á” sẽ không chỉ dừng ở việc kìm hãm đà bành trướng của Trung Quốc. Liên minh này có thể có mục tiêu rộng hơn, với tham vọng hóa giải ảnh hưởng của Bắc Kinh qua việc tập trung nhiều hơn vào việc phối hợp với quân đội và nền kinh tế của các quốc gia nhỏ trong vùng, dựa trên một hệ thống giá trị được hình thành trên cơ sở luật pháp.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.