Chuyến công du đầy tham vọng của Ngoại trưởng Mỹ trên đất Trung Á

Thứ Ba, 04/02/2020, 08:59
Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến 2 quốc gia Trung Á, đã bộc lộ rõ tham vọng khởi tạo ảnh hưởng của chính quyền Tổng thống Donald Trump lên khu vực vốn được coi là “sân sau” của Nga, trong bối cảnh Trung Quốc đang có những sự “lấn sân” mạnh mẽ.

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ kéo dài từ ngày 1 đến 3/2 tới hai quốc gia Trung Á là Kazakhstan và Uzbekistan, nằm trong khuôn khổ chuyến công du nhiều ngày đến các nước thuộc Liên Xô cũ bắt đầu từ Ukraine và kết thúc ở Trung Á. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ tới Trung Á kể từ sau chuyến thăm của ông John Kerry năm 2015. 

Theo Heritage, Trung Á đã, đang và sẽ tiếp tục là một khu vực có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng và ngày càng mang tính cạnh tranh. 

Nếu Mỹ muốn có một chiến lược lớn để đối phó với một nước Nga đang trỗi dậy và một Trung Quốc ngày càng vùng lên mạnh mẽ, cũng như  để cải thiện an ninh năng lượng của châu Âu, các nhà hoạch định chính sách của Washington không thể bỏ qua khu vực này. 

Vì lẽ đó, chuyến thăm của Ngoại  trưởng Pompeo nên và xứng đáng là chuyến thăm đầu tiên trong số các chuyến thăm cấp cao của Mỹ tới khu vực Trung Á. Chính quyền Tổng thống Trump, với những quyết sách táo bạo nhưng hợp thời, hiểu rõ cục diện này. 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại một cuộc họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Mukhtar Tleuberdi tại Nur-Sultan. Ảnh: Kevin Lamarque

Ngay trước thềm chuyến thăm, Ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh rằng, tất cả những quốc gia Trung Á trong lộ trình của ông đều “mong muốn củng cố chủ quyền lãnh thổ và độc lập”, và rằng Washington đã có một cơ hội quan trọng để giúp các quốc gia này hiện thực hóa điều đó; đồng thời thừa nhận sự hiện diện quan trọng của Nga và Trung Quốc tại khu vực này. 

Theo Diplomat, tuyên bố này phần nào bộc lộ nội dung nghị sự trong chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ. 

Theo đó, tại Kazakhstan, ông Pompeo tiến hành hội kiến Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev và Bộ trưởng Ngoại giao Mukhtar Tleuberdi, với mục đích “tái khẳng định cam kết chung của Mỹ đối với hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở Trung Á”, theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ. 

Còn tại Uzbekistan, ông Pompeo sẽ hội kiến Tổng thống Shavkat Mirziyoyev và Bộ trưởng Ngoại giao Abdulaziz Kamilov, nhằm “nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với cải cách của Uzbekistan cũng như chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này”. 

Tại Tashken, Uzbekistan, ông Pompeo cũng sẽ chủ trì cuộc gặp của cơ chế “C5+1”, gồm 5 quốc gia Trung Á cùng Mỹ, nhằm đề cao mối quan tâm của Mỹ cũng như thắt chặn quan hệ giữa cường quốc này với các quốc gia trong khu vực. 

Diplomat cũng nhận định rằng, các chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Á là rất hiếm hoi, vì thế, chuyến thăm lần này chắc chắn bao hàm mục tiêu gây ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực, mà Diplomat gọi đó là “tham vọng Mỹ” trong bối cảnh Nga và Trung Quốc hiện diện sâu sắc. 

Việc Mỹ quan tâm tới Kazakhstan có thể là kết quả của những diễn biến gần đây tại Afghanistan, nơi mà cuộc chiến kéo dài nhiều năm qua dường như không đem lại kết cục tốt đẹp cho Washington. 

Theo ông Aleksey Pilko – Giám đốc Trung tâm Liên lạc Á-Âu, Mỹ cần một nơi khác để tiếp tục giấc mơ xây dựng một căn cứ trong khu vực. “Giờ họ cần Trung Á làm trung tâm để điều hành hoạt động”, ông Pilko nhận định. 

Điểm quan trọng hơn cả, Kazakhstan nằm ở vị trí thuận tiện giữa hai đối thủ địa chính trị lớn của Washington - Trung Quốc và Nga - khiến nó trở thành một mảnh ghép rất có giá trị trong bức tranh địa chiến lược. Đây cũng là một nước xuất khẩu urani lớn và có trữ lượng dầu khí đáng kể. 

Trong khi đó, Uzebekistan lại được đánh giá là đang âm thầm chuyển mình sang một cơ chế cởi mở hơn, nhất là khi Tổng thống Shavkat Mirziyoyev là một người theo đuổi tham vọng cải tổ lớn. 

Chính quyền của ông Mirziyoyev đã thúc đẩy một lộ trình cải cách sâu rộng từ bộ máy quản trị, cải cách tư pháp tới tự do hóa kinh tế, phát triển xã hội và một chính sách đối ngoại cởi mở và mang tính xây dựng. 

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Uzebekistan và Mỹ đã bước vào một kỷ nguyên mới, kể từ sau chuyến thăm lịch sử đầu tiên của Tổng thống Mirziyoyev tới Nhà Trắng năm 2018. Vì lẽ đó, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ được Deutsche Welle đánh giá là đúng thời điểm. 

Mặc dù vậy, tham vọng gây ảnh hưởng của Mỹ được giới quan sát đánh giá là “thiếu đòn bẩy”, bởi thực tế, theo Heritage, trong cả lĩnh vực kinh tế và quân sự, Kazakhstan đều hòa nhập sâu sắc với Nga và một số nước từng thuộc Liên Xô. 

Và quốc gia này, về bản chất, vẫn có mối quan hệ thân thiết với Moscow. Vì thế, việc đảo chiều quan hệ của Kazakhstan trong tương lai gần dường như là điều bất khả. Với Uzebekistan, lộ trình cải cách của vùng đất giàu tài nguyên này được đánh giá là rất dài hơi. 

“Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các cải cách ở Uzbekistan, nhưng cho đến nay, các cải cách vẫn chưa đạt đến mức hấp dẫn đối với đầu tư nghiêm túc của Mỹ”, ông Alisher Ilkhamov, chuyên gia về Trung Á ở London, nhận định. 

Cũng theo ông, Uzbekistan có thể gia nhập Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU), một khối thương mại tự do của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ được nhiều người coi là nỗ lực của Moscow nhằm hồi sinh Liên Xô. 

Trong khi đó, Asia Times chỉ ra rằng, Trung Quốc lại đang dùng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng tại khu vực này. 

Cùng với các khoản vay khổng lồ dưới hình thức hỗ trợ kinh tế, Bắc Kinh cũng đã xây tuyến đường ống dẫn dầu Kazakhstan-Trung Quốc và đường ống dẫn khí Turkmenistan - Uzbekistan- Kazakhstan - Trung Quốc. 

Điều này sẽ đặt ra thách thức không nhỏ cho Mỹ khi quyết định tìm đường đặt nền móng “vai trò quan trọng” trên mảnh đất Trung Á giàu tài nguyên.

An Nhiên
.
.
.