Chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ: Không được như tham vọng

Thứ Sáu, 11/01/2008, 10:10
Không ai phủ nhận tham vọng của Tổng thống Bush - thúc đẩy tiến trình thương lượng để tiến tới một nền hoà bình bền vững và lâu dài giữa Palestine và Israel, nhưng điều này còn phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố và các bên hữu quan, không thể quyết định bằng cái gật đầu của Mỹ.
>> Tổng thống Bush công du Trung Đông trong "hàng rào thép"

Tổng thống Mỹ Bush đã chính thức lên tiếng yêu cầu PalestineIsrael cùng nhượng bộ vì nền hòa bình Trung Đông. Đây được coi là tuyên bố chính thức mới nhất của Tổng thống Bush trong chuyến công du Trung Đông 9 ngày (từ 8/1) tới Israel, Palestine, Kuwait, Baranh, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Arabia Saudi và Ai Cập.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Bush tới Israel và khu bờ Tây của Palestine với mục đích thúc đẩy và đạt được những bước tiến quan trọng trong tiến trình hòa bình Trung Đông trước khi ông chủ Nhà Trắng rời nhiệm sở vào đầu năm 2009.

Ngoài ra, ông Bush cũng muốn hâm nóng kết quả đạt được tại Hội nghị Annapolis hồi cuối tháng 11/2007.

Về phần mình, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas và Thủ tướng Israel Ehud Olmert đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong năm 2008 tại Jerusalem, trước thềm chuyến thăm của ông Bush. Một động thái được coi là tích cực nhưng theo báo cáo mật của Bộ Ngoại giao Israel, chính quyền của Tổng thống Bush đang bị giảm uy tín nên khó có thể thành công trong việc kiến tạo hòa bình giữa người Palestine và Israel.

Tổng thống Bush cũng muốn thông qua chuyến công du nhằm tái khẳng định quan điểm của Mỹ đối với Iran, theo đó quốc gia này không thể trở thành "bá chủ khu vực" và gây ảnh hưởng tới sự mở rộng của Mỹ tại khu vực Trung Đông.

Ông Bush kêu gọi các nước trong vùng cô lập Iran và hiện mối quan hệ giữa Mỹ với Iran đang khá căng thẳng và chưa có dấu hiệu hòa giải. Hiện Pháp và Arabia Saudi đang kêu gọi Mỹ và Iran cùng kiềm chế sau "Cuộc khủng hoảng eo biển Hormuz".

Ngoài ra, ông Bush cũng muốn thắt chặt thêm mối liên minh với những quốc gia trong khu vực để đương đầu với những thách thức.

Giới phân tích cũng cho rằng, chuyến công du của ông Bush chỉ nhằm mục đích quảng cáo, nâng cao uy tín cho bản thân Tổng thống cũng như nước Mỹ tại khu vực luôn xảy ra bất ổn.

Một trong những nguyên nhân khiến chuyến công du của Tổng thống Bush chỉ mang tính tuyên truyền bởi Israel và Palestine sẽ không thể giải quyết được các vấn đề nhạy cảm như: đường biên giới, người tị nạn Palestine, phân chia nguồn nước, an ninh cho những người dân sống dọc đường biên giới, chủ quyền đối với Jerusalem…

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Stephen Harley cho biết, mục đích chuyến công du 9 ngày của Tổng thống Bush là nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vừa được khởi động hồi cuối tháng 11/2007 tại Hội nghị Annapolis.

Không ai phủ nhận tham vọng của Tổng thống Bush - thúc đẩy tiến trình thương lượng để tiến tới một nền hoà bình bền vững và lâu dài giữa Palestine và Israel, nhưng điều này còn phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố và các bên hữu quan, không thể quyết định bằng cái gật đầu của Mỹ.

Trước chuyến thăm của ông Bush, Ngoại trưởng Condollezza Rice cũng đã có chuyến công du tới Trung Đông (đầu tháng 10/2007) kể từ sau cuộc chiến ác liệt giữa Israel và Lebanon. Khi đó Ngoại trưởng Condoleezza Rice cũng đã tới Israel, Palestine và đó là chuyến đi tiền trạm chuẩn bị cho hội nghị hòa bình Trung Đông sau này.

Tại hội nghị hòa bình Trung Đông khi đó, các quốc gia hữu quan cũng đã đạt được sự nhất trí cao về một số vấn đề quan trọng và lần đầu tiên Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đưa ra một con số chính xác về diện tích đất mà ông muốn để thành lập Nhà nước độc lập là: 6.205km2 ở khu bờ Tây và dải Gaza.

Nhưng ngay từ khi đó, các nhà quan sát đã cho rằng, Mỹ sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc khởi động lại tiến trình hoà bình còn đang dang dở tại khu vực Trung Đông và hình ảnh của Mỹ tại khu vực này đang bị mờ nhạt.

Đương nhiên, Nga không thể khoanh tay đứng nhìn một mình Mỹ mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông. Trong cuộc hội kiến tại điện Kremli với Tổng thống Syria Bachar Al-Assad (tháng 10/2007), Tổng thống Putin từng khẳng định quyết tâm của Nga trong việc đóng vai trò trung gian hòa giải tại khu vực này.

Trong các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Bachar Al-Assad và Thủ tướng Lebanon Fouad Siniora, ông Putin đã tập trung thảo luận về tiến trình hoà bình Trung Đông, căng thẳng nội bộ Palestine - Israel, cũng như những diễn biến chính trị tại Lebanon.

Bản thân các quốc gia trong khu vực như Jordan, Syria và Ai Cập cũng muốn có vai trò trong tiến trình hoà bình Trung Đông.

Và đó là những trở ngại mà ông Bush không thể vượt qua hoặc giải quyết chỉ với một chuyến công du 9 ngày.

Ngoài ra, tham vọng của ông Bush cũng khó thực hiện bởi thế giới Arab không muốn tuân theo cây gậy chỉ huy của Mỹ.

Trong khi các nước chủ nhà tổ chức rầm rộ công tác chuẩn bị đón tiếp Tổng thống Bush thì không chỉ có "lời chào mừng" của Al Qeada, mà cả Iran, Hamas và một số tổ chức khác cũng lên tiếng chỉ trích chuyến công du của ông Bush

Quốc Trung
.
.
.