Hội nghị hòa bình Geneva II về Syria:

Chương trình nghị sự vẫn chưa được thống nhất

Thứ Sáu, 14/02/2014, 11:55
Mặc dù đã bước sang ngày đàm phán thứ ba trong khuôn khổ vòng 2 Hội nghị hòa bình quốc tế về Syria (Geneva II) khai mạc tại Thụy Sĩ hôm 10/2 giữa đại diện Chính phủ Syria và phe đối lập nhưng cả hai bên vẫn trong tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” những đề xuất riêng rẽ và và chương trình nghị sự cho cuộc thương thảo vẫn chưa được thống nhất. Cuộc đàm phán đang bị đẩy gần tới bờ vực thất bại.
>> Hội nghị Geneva II về Syria: “Ông nói gà, bà nói vịt”

Bất đồng từ trong nội bộ…

Ngay từ khi “khởi động”, Geneva II đã gặp đầy gian nan khi cả hai phía đều đổ lỗi cho nhau đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đạt được trong hội nghị lần trước và làm leo thang bạo lực. Trong khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad muốn tập trung thảo luận về cuộc chiến chống khủng bố mới thì phe đối lập lại “cứng rắn” với nhận định, con đường duy nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng là thành lập một chính phủ chuyển tiếp mà không có sự tham gia của ông Bashar al-Assad.  Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arab (AL) về vấn đề Syria Lakhdar Brahimi thậm chí đã phải có những cuộc gặp riêng chớp nhoáng nhằm “hạ nhiệt” căng thẳng trước khi đưa hai bên vào bàn đàm phán trực tiếp.

Ngày 12/1, phe đối lập đưa ra văn bản gồm 22 điểm phác thảo về các bước khác nhau và nguyên tắc cho quá trình chuyển đổi mà thực chất, đây là đề xuất thành lập “Cơ quan điều hành chuyển tiếp” (TGB) và được phát ngôn viên của phe đối lập Louay Safi đưa ra trong cuộc họp ngày 13/2. Theo đó, TGB có trách nhiệm yêu cầu hoặc sử dụng vũ lực để rút hết các tổ chức quân sự và binh lính nước ngoài ra khỏi Syria, chấm dứt bạo lực và thành lập "môi trường trung lập" cho tới kỳ chuyển tiếp chính trị ở Syria.

Phát ngôn viên của phe đối lập Louay Safi phát biểu tại hội nghị.

Ngoài ra, theo ông Louay Safi, TGB có trách nhiệm thiết lập lệnh ngừng bắn, trả tự do cho các tù nhân, duy trì luật pháp và trật tự, thực hiện tiến trình pháp lý chuyển tiếp đối với mọi người. Phát biểu trước báo giới, ông Louay Safi cho biết: “TGB có thể được thành lập với sự đồng thuận của cả hai bên”. Tuy nhiên, trong đề xuất này, phe đối lập không đả động chút gì đến vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad.

Cố vấn cấp cao cho thủ lĩnh phe đối lập, ông Monzer Aqbiq cũng nhấn mạnh, Tổng thống Bashar al-Assad không thể đóng một vai trò nào trong tương lai chính trị Syria và “tất lẽ dĩ ngẫu” là ông Bashar al-Assad cùng những người dưới quyền không được “biên chế” trong TGB. Trước đề xuất của phe đối lập, Cố vấn của Tổng thống Bashar al-Assad Bouthaina Shabaan cho biết, phái đoàn của Chính phủ Syria đã vô cùng bất ngờ trước văn bản này của phe đối lập vì thực sự đây không phải là vấn đề nằm trong chương trình nghị sự và nhấn mạnh, đề xuất này là một ý tưởng “vô ích”.

… và chính sách can thiệp từ bên ngoài

Trong khi các cuộc đàm phán giữa đại diện Chính phủ Syria và phe đối lập chưa đạt được bước đột phá nào, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ lại tranh luận gay gắt về dự thảo nghị quyết do Australia, Jordan cùng Luxembourg soạn thảo và đệ trình ngày 6-2 liên quan đến vấn đề viện trợ nhân đạo ở Syria. Theo đó, bản dự thảo yêu cầu các bên giao tranh tại Syria có 15 ngày để chấm dứt tất cả những hình thức bạo lực, vi phạm quyền con người và ngừng phong tỏa các thành phố.

Ngoài ra, bản dự thảo còn đề xuất áp án phạt đối với những bên cản trở việc cung cấp hàng viện trợ nhân đạo đến Syria. Phản ứng trước bản dự thảo nghị quyết này, Nga cho rằng, đó là những đề xuất “xa rời thực tế”, có ý đồ làm gia tăng rạn nứt chính trị chung quanh tình hình Syria và sẽ "phá vỡ các nỗ lực nhân đạo của cộng đồng quốc tế" tại quốc gia Trung Đông này, đồng thời khẳng định sẽ không thông qua bản dự thảo nghị quyết mang tính một chiều này.

Theo đó, ngày 12/2, Nga đã đề xuất với các đối tác phương Tây tại HĐBA LHQ một sáng kiến ngược lại liên quan đến vấn đề chuyển viện trợ cho thường dân Syria. Trước đó, hôm 11/2, phương Tây và các nước Arabe cũng đưa ra một nghị quyết dự thảo nhằm kêu gọi tất cả các bên cải thiện cách tiếp cận nhân đạo và "chấm dứt ngay lập tức các cuộc vây hãm thành phố Homs" cũng như nhiều thành phố khác ở Syria. Tuy nhiên cho tới nay, Nga vẫn từ chối ủng hộ bản dự thảo “hoàn toàn không thể chấp nhận được” này vì nó ra tối hậu thư cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và không nhấn mạnh đến tình trạng gia tăng các vụ tấn công khủng bố ở Syria.

Trước lập trường cứng rắn của Nga, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã buông lời chỉ trích Nga là “kỳ đà cản mũi” và nhận được phản hồi từ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich rằng, chính quyền Washington không nên bóp méo lập trường của Moskva về Syria khi chưa có thông tin xác thực về những diễn biến liên quan đến các hoạt động giải trừ vũ khí và nhân đạo ở đất nước Trung Đông này. Theo ông Lukashevich, người Syria cần được giúp đỡ bằng những việc làm thực tế chứ không phải các nghị quyết với những lời lên án và đe dọa.

Rõ ràng, chính sách 2 mặt của phương Tây và các đồng minh – một mặt kêu gọi đàm phán cho hòa bình Syria song mặt khác lại hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy – đã và đang làm cho diễn biến của cuộc khủng hoảng Syria ngày một thêm phức tạp, từ đó dẫn tới những bất đồng trên bàn đàm phán.

Theo số liệu do Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh công bố hôm 12/2, ít nhất 4.959 người đã thiệt mạng tính từ khi diễn ra vòng đầu tiên Hội nghị Hoà bình quốc tế lần thứ 2 về Syria hôm 22/1 tới nay, trong đó khoảng 1/3 là thường dân và ít nhất 515 người trong số này là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong các cuộc không kích và pháo kích. Giám đốc Đài quan sát nhân quyền Syria Rami Abdelrahman, trong giai đoạn này, trung bình có khoảng 236 người thiệt mạng mỗi ngày.

Hà Khổng
.
.
.