Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 5:

Chủ yếu là vấn đề an ninh mạng

Thứ Sáu, 12/07/2013, 09:05
Mặc dù an ninh mạng không nằm trong chủ đề đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 5 nhưng nó lại gây nhiều tranh cãi trong chính giới hai nước. Vì thế, bên lề đối thoại chiến lược ở Washington (Mỹ), các cuộc đàm phán về an ninh mạng giữa Mỹ với Trung Quốc đã diễn ra khá “thẳng thắn và có chiều sâu”. 
>> Mỹ cáo buộc Trung Quốc liên quan tới gián điệp mạng

Theo tin từ hãng AFP, mở đầu hai ngày đối thoại chiến lược Mỹ - Trung, hôm 10/7, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Trung Quốc ngừng ăn cắp trắng trợn các bí mật kinh tế và quân sự Mỹ thông qua hành vi tấn công mạng.

Ông Joe Biden nói: “Cả hai nước chúng ta sẽ hưởng lợi từ một Internet mở, an toàn, đáng tin cậy. Hành vi ăn cắp trắng trợn thông qua tấn công mạng mà các công ty Mỹ đang phải chịu đựng cần phải chấm dứt ngay lập tức. Là nền kinh tế lớn thứ 2 và vô cùng quan trọng đối với thế giới, Trung Quốc cần thực hiện trách nhiệm của một nước lớn và tuân thủ những quy tắc quốc tế”.

Dẫu vậy, Phó Tổng thống Mỹ vẫn khẳng định, dù giữa hai bên còn tồn tại nhiều bất đồng, nhưng Washington và Bắc Kinh có thể tìm ra giải pháp có lợi cho cả hai bên, thông qua các biện pháp hợp tác, đối thoại thẳng thắn và đáng tin cậy. Về phần mình, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương nhấn mạnh, đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 5 diễn ra đúng vào điểm khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, với việc thực hiện cam kết mà lãnh đạo hai nước đã đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng trước tại Mỹ: Đó là hướng tới mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới theo hướng tăng cường hợp tác. Phó Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh, đối thoại là chìa khóa để giảm thiểu bất đồng và mở rộng hợp tác giữa 2 bên.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew (ngoài cùng bên trái) và Ngoại trưởng Mỹ (thứ hai từ trái vào) John Kerry tham gia các cuộc đối thoại với phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương dẫn đầu.  Ảnh: AP.

Ông Uông Dương nói: "Trung Quốc và Mỹ cần nâng lòng tin chiến lược lên tầm cao mới thông qua đối thoại. Lòng tin được khởi đầu bằng đối thoại và trao đổi. Tăng cường các hoạt động này sẽ góp phần hạn chế hiểu lầm và bất đồng giữa 2 bên. Chúng ta cũng cần xây dựng sự đồng thuận mới về đảm bảo hòa bình và phát triển trên thế giới thông qua đối thoại".

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Ponemon và Tập đoàn công nghệ Hewlett-Packard, các cuộc tấn công mạng nhằm vào doanh nghiệp và chính phủ Mỹ đã tăng 40% so với năm 2011, với mức tổn thất trung bình cho mỗi doanh nghiệp Mỹ lên đến 9 triệu USD, tăng 6% so với 2011 và 38% so với năm 2010. Chuyên gia bảo mật Jim Lewis của Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) còn ước tính, tổn thất cho nền kinh tế Mỹ do hoạt động gián điệp mạng hiện dao động từ 20 tỷ USD đến tối đa 100 tỷ USD trong một năm.

Đó là chưa kể đến tổn thất mà doanh nghiệp Mỹ phải gánh chịu do các hành vi đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ trực tuyến mỗi năm lên đến 338 tỷ USD. Ông Jim Lewis khẳng định, nạn gián điệp mạng nước ngoài đánh cắp bí mật kinh doanh và bí mật quốc gia là mối đe doạ “vô cùng nghiêm trọng” và cần được chú trọng giải quyết triệt để.  Trước tình hình đó, Hội đồng đổi mới an ninh thương mại thuộc hãng công nghệ EMC (Mỹ) đã phải kêu gọi các doanh nghiệp chú trọng liên tục cập nhật các kỹ năng chống lại tội phạm mạng nhằm giảm nguy cơ bị xâm phạm trong năm 2013.

Đáng chú ý là ngoài những cáo buộc về gián điệp thương mại, Mỹ còn cho rằng, gián điệp mạng Trung Quốc đã xâm nhập hệ thống mạng an ninh, quốc phòng và ăn cắp nhiều thiết kế mới về các hệ thống vũ khí hiện đại nhất của quân đội Mỹ. Bằng cách nêu tên hai tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc là Huawei và ZTE bán một số thiết bị cài đặt mã lệnh do thám và thu thập nhiều tin nhạy cảm, các nghị sĩ thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ còn đệ trình một dự luật mới nhằm ngăn chặn tình trạng gián điệp mạng tăng cao, đánh cắp thông tin mật từ các tổ chức của Mỹ.

Ngược lại, Trung Quốc lại cho rằng nước này cũng là nạn nhân của tin tặc và yêu cầu Mỹ giải thích về việc “người thổi còi” Edward Snowden tố cáo tình báo Mỹ đã xâm nhập hệ thống Internet của Trung Quốc. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đưa ra cáo buộc đối với Washington đã gây ra bất hòa giữa nước này và các nước láng giềng với lời tố cáo rằng, Trung Quốc sử dụng gián điệp để thu thập dữ liệu, hiện đại hóa quân sự của mình.

Được biết, ngoài vấn đề an ninh mạng, các vấn đề trong quan hệ song phương được hai nước tập trung thảo luận là chính sách tiền tệ và hợp tác thương mại. Bên cạnh đó là một loạt vấn đề quốc tế như hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, nội chiến ở Syria, chương trình phát triển hạt nhân ở Iran, xung đột chính trị ở Ai Cập…

Và dù có nhiều bất đồng nhưng các quan chức hai nước khẳng định sẽ tiếp tục xây dựng lòng tin để tăng cường quan hệ song phương; đưa ra nhiều đề xuất thực tế để gia tăng hợp tác và tăng cường sự hiểu biết cũng như tính minh bạch giữa 2 bên

Phan Hiển
.
.
.