Chính trường Thái Lan lại dậy sóng

Thứ Hai, 24/03/2014, 08:49
Với 6 phiếu thuận và 3 phiếu trống, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 21/3 bất ngờ đưa ra phán quyết hủy bỏ kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 vừa qua. Ngay lập tức, trong phản ứng đầu tiên phản đối phán quyết của tòa án trên, ngày 22/3, hàng chục ngàn người phe “Áo đỏ” ủng hộ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đã tập trung ở thành phố Pattaya, tỉnh Chon Buri, miền đông nam Thái Lan, đồng thời đưa ra tuyên bố sẽ tiến hành cuộc đại biểu tình vào ngày 5/4. Phe “Áo đỏ” cũng đến khu quân đội ở Thủ đô Bangkok để cảnh báo quân đội không được can thiệp vào chính trị.

Căng thẳng bầu không khí chính trị

Bangkok Post dẫn lời ông Charnyuth Hengtrakul, lãnh đạo của Mặt trận Thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) khu vực miền Đông Thái Lan, cho biết, số lượng người tham gia biểu tình lần này lớn hơn rất nhiều so với những lần trước tại các tỉnh miền Bắc và đông bắc, lên tới khoảng 30.000 người, vì người dân cảm thấy bị xúc phạm bởi phán quyết của toà án.

Trước toàn thể người biểu tình, đêm 22/3, ông Jatuporn Prompan, Chủ tịch UDD tuyên bố: “Vào ngày 5/4, các thành viên Áo đỏ hãy gói ghém hành lý và sẵn sàng cho một cuộc tụ họp lớn. Địa điểm tập trung của chúng ta có thể là tại Bangkok và một vài nơi khác sẽ được tuyên bố sau này”.

Trong khi đó, theo nguồn tin từ cảnh sát Thái Lan, liên tục trong 2 ngày 21 và 22/3 đã xảy ra hàng loạt vụ nổ và ném lựu đạn ở các địa điểm như Thủ đô Bangkok, thành phố du lịch Chiang Mai và tỉnh Chon Buri. Tại Thủ đô Bangkok, ngày 21/3, một quả bom đã phát nổ ở địa điểm gần trụ sở PDRC. Tại hiện trường, 3 quả bom khác đã được tìm thấy và đã bị vô hiệu hóa.

Theo cảnh sát, nếu cả ba quả bom này phát nổ, có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng trong vòng bán kính 100m. Tại tỉnh Chon Buri, hai quả lựu đạn được bắn từ một bệ phóng M79 gần địa điểm cuộc biểu tình chống chính phủ ở Bang Sai, huyện Mueang vào tối 21-3, song không có ai bị thương. Tiếp đó, ngày 22-3, đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ nổ làm rung chuyển thành phố du lịch Chiang Mai ở miền Bắc nước này, làm 4 người bị thương song không nguy hiểm tới tính mạng.

Hàng chục ngàn người phe “Áo đỏ” tập trung ở thành phố Pattaya, tỉnh Chon Buri, Thái Lan, hôm 22/3 để phản đối phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan.

Tổ chức bầu cử lại?

Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan được coi là “dấu chấm hết” cho mọi nỗ lực nhằm ổn định tình hình đất nước của Chính phủ tạm quyền Thái Lan, làm sâu sắc thêm bế tắc chính trị ở đất nước Chùa Vàng và tiếp tục trì hoãn việc thành lập chính phủ mới sau nhiều tháng xảy ra biểu tình trên đường phố nhằm lật đổ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra. Theo người phát ngôn của Tòa án Hiến pháp, cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 đã vi phạm Điều 108, khoản 2 của Hiến pháp Thái Lan, quy định tổng tuyển cử phải được tiến hành trên toàn quốc trong cùng một ngày.

Tuy nhiên, theo số liệu của EC, trong cuộc bầu cử hôm 2/2, chỉ có khoảng 20,1 triệu cử tri (tương đương 46,79% số cử tri trên cả nước) tham gia bỏ phiếu tại 68 tỉnh, thành phố. Trong khi đó có tới 28 điểm bỏ phiếu tại 8 tỉnh không có ứng cử viên đăng ký và không thể tiến hành bỏ phiếu do bị lực lượng người biểu tình chống chính phủ cản trở. Trong khi đó, phản ứng trước phán quyết trên của Tòa án Hiến pháp, đảng Pueu Thai cầm quyền cho rằng, đây là một động thái “đáng tiếc”, sẽ tạo “tiền lệ xấu” và yêu cầu tòa án trên rút lại phán quyết của họ.

Người phát ngôn đảng Pueu Thái Prompong Nopparit cho biết, đảng này có kế hoạch đệ đơn kiện Đảng Dân chủ vì đã tẩy chay cuộc bầu cử; kiện Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban và Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) vì hành động ngăn cản khiến cuộc tổng tuyển cử mất hiệu lực, quyền tranh cử và bỏ phiếu của người dân không được tôn trọng; kiện Ủy ban Bầu cử (EC) vì vai trò của họ trong việc khiến cuộc bầu cử không còn giá trị pháp lý, gây thiệt hại cho quốc gia.

Theo ông Prompong, Puea Thai cũng sẽ kêu gọi tất cả các ứng viên nghị sĩ của đảng này trên khắp đất nước đòi bồi thường những tổn hại do phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Tuy nhiên, Pueu Thai khẳng định sẵn sàng tham gia cuộc bầu cử mới. Ngược lại, đảng Dân chủ (DP) đối lập và phe biểu tình lại tỏ ra “hài lòng” với phán quyết của Tòa án Hiến pháp.

Tuy nhiên họ vẫn không quên “nhiệm vụ” đổ lỗi cho chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã gây thiệt hại cho đất nước (khoảng 3 tỷ Baht chi phí tổ chức bầu cử) và đòi Thủ tướng và chính phủ tạm quyền từ chức để chịu trách nhiệm về phán quyết của Tòa án Hiến pháp.

Người phát ngôn của DP cho biết, dù rằng cuộc bầu cử ngày 2-2 không có hiệu lực, nhưng có thể đảng này không tham gia cuộc bầu cử mới, trong khi thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban khẳng định: "Không cho phép một cuộc bầu cử nữa diễn ra chừng nào chưa hoàn tất cuộc cải cách và đảng Pueu Thai đừng mong đợi sẽ lại giành được quyền điều hành đất nước ".

Rõ ràng, DP hiểu rằng, nếu tổ chức ngay một cuộc bầu cử mới, họ sẽ lại thất bại và đảng này thậm chí đã chuẩn bị cho kịch bản "đảng bị giải tán" khi tiếp tục tẩy chay bầu cử. Về phần mình, Ủy viên phụ trách tổ chức bầu cử của EC, ông Somchai Srisutthiyakorn, cho rằng phán quyết này chưa thể giúp chấm dứt được cuộc khủng hoảng chính trị bởi sự chia rẽ đã quá sâu sắc trong lòng xã hội Thái Lan đồng thời cho biết, EC sẽ tổ chức họp với chính phủ và các chính đảng để ấn định ngày tổ chức bầu cử mới.

Theo giới quan sát, rõ ràng, phán quyết của Tòa án Hiến pháp đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết như việc ai sẽ chịu trách nhiệm vì khoản chi phí tổ chức bầu cử hay tại sao quyền tranh cử và bỏ phiếu của người dân lại không được tôn trọng. Liệu những người cản trở tiến trình bầu cử có phải chịu trách nhiệm gì về sự thất bại của cuộc bầu cử lần này?

Thêm vào đó, mặc dù Tòa án Hiến pháp đã yêu cầu EC thỏa thuận với chính phủ tạm quyền để ấn định ngày tổ chức một cuộc bầu cử mới nhưng chưa rõ cuộc tổng tuyển cử mới ở Thái Lan có được tổ chức hay không và cũng không khó để dự đoán, một cuộc bầu cử mới cũng không phải là lối thoát cho tình hình chính trị bế tắc tại Thái Lan hiện nay.

Các phe phái chính trị hơn bao giờ hết phải đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, cùng nhau ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra giải pháp đưa đất nước thoát khỏi bế tắc chính trị, tạo môi trường ổn định và an toàn cho người dân, khôi phục và phát triển kinh tế

Hà Khổng
.
.
.