Chính phủ Ukraine mềm mỏng, Bộ Nội vụ lại cứng rắn

Chủ Nhật, 13/04/2014, 10:32
Theo RussiaToday, trong khi Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố sẽ trao thêm quyền lực cho chính quyền các tỉnh miền Đông trong chuyến thăm khu vực này hôm 11/4, thì ngày 12/4, Bộ Nội vụ Ukraine bất ngờ tuyên bố sẽ dùng những biện pháp cứng rắn để trấn áp các hành động bạo loạn, gây mất ổn định tình hình trong nước, đặc biệt là tại các thành phố miền Đông như Donetsk, Luhansk và Kharkov.

Bộ Nội vụ Ukraine cũng lên tiếng kêu gọi người biểu tình không nên có hành động quá khích trên đường phố hay khơi mào cho các xung đột phe phái, đồng thời nhấn mạnh, “sẽ bỏ tù” bất cứ ai, “dù thuộc phong trào, đảng phái chính trị nào” nếu họ vi phạm, án phạt sẽ là từ 5-8 năm, thậm chí là 8-15 năm nếu hành động trên dẫn đến chết người.

Cùng ngày, quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov, thông qua mạng xã hội Facebook, thông báo có một nhóm vũ trang vô danh trong đồng phục ngụy trang đã chiếm giữ đồn cảnh sát ở thị trấn Slaviansk, cách thủ phủ tỉnh Donetsk khoảng 60km về phía Bắc. Ông Arsen Avakov cho rằng đây là hành động của “những kẻ khủng bố có vũ trang” và “không cần phải khoan dung với chúng”. Tuy nhiên, theo đại diện cảnh sát tỉnh Donetsk, các lực lượng chức năng hiện đang xác định xem tác giả vụ việc là ai và mục đích của họ là gì, từ đó mới có thể “thực hiện các bước tiếp theo”. Cũng theo ông Avakok, một nhóm vũ trang khác cũng cố chiếm văn phòng công tố khu vực Donetsk nhưng đã bị đẩy lui.

Trước đó, theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga, trong cuộc điện đàm diễn ra ngày 11/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đề nghị người đồng cấp Mỹ John Kerry sử dụng ảnh hưởng của Washington để thuyết phục Chính phủ Ukraine “từ bỏ ý định sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình tại các khu vực miền Đông Ukraine” và “đối thoại với đại diện của các khu vực nhằm tạo điều kiện cho phép một cuộc cải cách hiến pháp toàn diện”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) đã đề nghị người đồng cấp Mỹ John Kerry sử dụng ảnh hưởng của Washington để thuyết phục Chính phủ Ukraine “từ bỏ ý định sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình tại các khu vực miền Đông Ukraine”.

Ngoại trưởng Lavrov cũng khẳng định Nga không chủ trương sáp nhập miền Đông của Ukraine, vì điều đó đi ngược lại lợi ích cơ bản của Liên bang Nga, cũng như chưa từng có ý định đưa quân vào khu vực này, đồng thời bác bỏ có sự hiện diện của bất kỳ binh sĩ hoặc nhân viên tình báo của Nga nào ở đây. Cùng ngày, tại trụ sở của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở Viena, Áo, đã diễn ra cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nghị sĩ Nga và Ukraine kể từ khi quan hệ giữa hai quốc gia này bị xuống cấp trầm trọng do cuộc khủng hoảng tại Ukraine...

Trong một tuyên bố nhằm xoa dịu nỗi lo ngại của châu Âu liên quan đến việc cắt nguồn cung khí đốt, ngày 11/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, Nga sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình đối với các khách hàng mua khí đốt ở châu Âu và không có kế hoạch ngừng việc chuyển khí đốt của Nga đến Ukraine, mặc dù Moskva có thể yêu cầu Kiev thanh toán trước khi Nga vận chuyển khí đốt tới nước láng giềng này. Tuy nhiên, bất chấp những động thái nhằm ổn định tình hình sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cảnh báo, các nước trong nhóm sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt xa hơn nhằm vào Nga nếu tình hình leo thang căng thẳng.

Chính quyền Obama tiếp tục công bố danh sách những biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào 6 nhà lãnh đạo của Crimea. Trong danh sách trừng phạt có Aleksei Chaliy, thị trưởng thành phố Sevastopol, người đã ký thỏa thuận hôm 16/3 nhằm hợp nhất Crimea với Nga; Pyotr Zima, cựu giám đốc cơ quan an ninh Ukraine; cựu Phó Chủ tịch Quốc hội Ukraine, Sergei Tsekov, người đã giúp dọn đường cho cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea về việc tách khỏi Ukraine hồi tháng 3 vừa qua… 

Ngoài ra, tại hội nghị “Czech nhìn từ châu Âu và châu Âu trong mắt Czech” diễn ra hôm 11/4 nhân kỷ niệm 10 năm Cộng hòa Czech gia nhập EU, Tổng thống Miloš Zeman tuyên bố cần phải có hành động kiên quyết để ngăn chặn Nga tiến về phía Tây. Trước đó, trong cuộc hội đàm với Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen hôm 10/4, Tổng thống Zeman còn nói rằng, NATO cần đưa quân vào lãnh thổ Ukraine nếu Nga mở rộng các hoạt động quân sự tại đây bên ngoài của bán đảo Crimea.

Về phía NATO, cũng trong ngày 10/4, đã công bố một loạt hình ảnh chụp từ vệ tinh về khoảng 40.000 binh sỹ Nga dọc biên giới Ukraine. Họ cho rằng, lực lượng này sẵn sàng hành động và là "mối đe dọa thật sự" với Kiev, đồng thời kêu gọi Nga rút quân khỏi biên giới Ukraine cũng như “đối thoại cởi mở” với Kiev để làm giảm sự căng thẳng. Tuy nhiên, một quan chức trong Bộ Tham mưu của Nga khẳng định, những bức ảnh của NATO đã được chụp từ tháng 8 năm ngoái. Bộ Quốc phòng Nga chỉ trích NATO đã làm trầm trọng thêm tình hình tại Ukraine do việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực Biển Đen.

Còn Bộ Ngoại giao Nga thì nhấn mạnh, NATO đang lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng như mối đe dọa tưởng tượng từ phía Nga để biện hộ cho hành động tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực. Theo Bộ Ngoại giao Nga, các tuyên bố gần đây của NATO về Nga, đặc biệt là của Tổng Thư ký Anders Fogh Rasmussen, đều theo hướng đối đầu, kiểu tái hiện thời "Chiến tranh lạnh".

Rõ ràng, đang xuất hiện những dấu hiệu lắng dịu trong mối quan hệ Nga – Ukraine nhưng Mỹ và phương Tây lại tiếp tục làm căng khi tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga...

Hà Khổng
.
.
.