Chính phủ Tunisia từ chức để giải quyết khủng hoảng

Thứ Sáu, 25/10/2013, 08:50
Ngày 24/10, đảng Ennahda Hồi giáo cầm quyền và lực lượng đối lập đã tiến hành một cuộc đối thoại dân tộc nhằm thành lập một chính phủ kỹ trị tạm quyền trong vòng 3 tuần. Chính phủ này sẽ có nhiệm vụ giám sát các cuộc bầu cử sắp tới gồm bầu cử Tổng thống (vòng 1, vòng 2) và bầu cử Quốc hội.

Theo tin từ Hãng AFP,  trước đó, vào hôm 23/10, nội các Chính phủ Tunisia đã họp khẩn cấp. Thủ tướng Ali Larayedh khẳng định, chính phủ sẵn sàng từ chức sau khi hoàn tất thương lượng với lực lượng đối lập về các điều khoản trong thỏa thuận, bao gồm việc thông qua Hiến pháp mới, ấn định ngày bầu cử và thành lập Ủy ban Bầu cử. Đây sẽ là một phần trong lộ trình đối thoại và hòa giải dân tộc mà chính phủ cùng lực lượng đối lập đã thỏa thuận từ đầu tháng đến nay.

Phát biểu với báo chí, ông Ali Larayedh tuyên bố, ông và chính phủ của mình luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và ông sẽ rời khỏi chính phủ nhằm đáp ứng các giai đoạn của lộ trình hòa bình. Đồng thời, Thủ tướng Ali Larayedh cũng cho biết thêm rằng, để việc chuyển giao quyền lực cho chính phủ tạm quyền được thực hiện một cách êm đẹp, vấn đề an ninh phải được chú trọng hàng đầu.

Hiện cảnh sát Tunisia đang tiến hành truy bắt nhóm vũ trang và các phần tử khủng bố đã tiến hành hàng loạt vụ tấn công vào lực lượng an ninh nước này ở khu vực Tây Bắc hồi tuần trước. Tổng thống Tunisia Moncef Marzouki cũng đã tuyên bố quốc tang 3 ngày, từ ngày 24/10, để tưởng niệm các cảnh sát thiệt mạng trong các cuộc đọ súng với lực lượng khủng bố. 

Các cuộc biểu tình ở Tunisia đang có nguy cơ biến thành bạo loạn nếu chính phủ và lực lượng đối lập vẫn căng thẳng trên bàn đàm phán.

Nhận định về động thái này của ông Ali Larayedh, nhiều nhà phân tích cho rằng, có thể Chính phủ Tunisia sẽ từ chức trước cả khi Hiến pháp mới được thông qua. Thế nhưng, để có được điều này, theo Chủ tịch Quốc hội Tunisia Mustapha Ben Jaafar, Thủ tướng phải đưa ra một cam kết chân thành và cụ thể. Nghĩ là, ông Ali Larayedh phải từ chức trong thời hạn 3 tuần mà lộ trình hòa bình đưa ra để bắt đầu các cuộc đối thoại dân tộc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua tại Tunisia.

Nhưng đến nay, những thông báo của Thủ tướng lại đưa ra muộn hơn 5 tiếng đồng hồ so với yêu cầu của lực lượng đối lập nên ngay trong tuần sau, một Thủ tướng độc lập mới sẽ được bổ nhiệm để tiến trình đối thoại được khởi động. Hai tuần sau đó, một chính phủ kỹ trị sẽ được thành lập.

Được biết, ý tưởng về lộ trình hòa giải giữa đảng Ennahda Hồi giáo đứng đầu chính phủ và lực lượng đối lập do Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia. Trước đó, đảng Ennahda và lực lượng đối lập đã trải qua hàng chục cuộc đối thoại kéo dài từ tháng 7 mà không đạt được kết quả khả quan nào. Thậm chí, hồi đầu tuần, lực lượng đối lập còn dự định sẽ tiến hành các cuộc biểu tình qui mô lớn từ cuối tuần này để gây sức ép buộc chính phủ từ chức.

Vì thế, Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia đã phải nhận vai trò làm trung gian hòa giải giữa hai phe và đề xuất chính phủ nên từ chức cho một nội các lâm thời để tổ chức các cuộc bầu cử mới. Theo nhiều nhà phân tích, cách lựa chọn của Thủ tướng Ali Larayedh là hợp lý bởi nếu kéo dài tình trạng đối đầu, ông có thể đẩy Tunisia rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và bạo lực mới.

Thêm vào đó, cho đến nay, các cuộc biểu tình của lực lượng đối lập cũng đã khiến uy tín của chính phủ Tunisia giảm sút nghiêm trọng. Giới quan sát thì cho rằng, những gì đang xảy ra ở Tunisia, Ai Cập, Libya cho thấy, cái gọi là “Mùa xuân Arab” trong những năm qua ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi không hề đem lại sự bình yên và ổn định. Ngược lại, đó chỉ là bước khởi đầu cho những mâu thuẫn đã tồn tại lâu ngày được nảy nở và bùng phát

Phan Hiển
.
.
.