Chiến tranh luôn là thảm họa

Chủ Nhật, 23/03/2008, 15:25
Đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm khai hỏa cuộc chiến tranh ở Iraq, ngày 19/3, trùm khủng bố Osama bin Laden lại lên tiếng đe dọa "tính sổ" với phương Tây trong một đoạn băng thu âm dài 5 phút phát trên trang web của Al-Saha. Điều đang làm thủ lĩnh của mạng lưới Al Qaeda nổi xung lên là việc các bức biếm họa Đấng tiên tri Mohammad tiếp tục được tái bản ở một số nước châu Âu…

Thực ra, những lý do để gây nên những hoạt động khủng bố của Al Qaeda cũng như những hành vi quân sự đẫm máu còn nhiều hơn thế và điều này không thể không khiến cho cộng đồng quốc tế lo ngại.

Nói một cách công bằng, những nỗ lực chung của nhân loại trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế không phải là "công dã tràng" mà đã mang lại kết quả nhất định. Tuy nhiên, oái oăm là ở chỗ, nền an ninh chung đã không trở nên bền vững hơn.

Ngoài những nơi đang hằng ngày đỏ lửa vì cuộc chiến chố ng khủng bố như Afghanistan và Iraq, trên thế giới hiện đang tồn tại hàng loạt những điểm nóng lộ thiên hoặc tiềm ẩn, lúc nào cũng có thể dẫn tới xung đột vũ trang.

Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian gần đây mặc dầu đạt được tiến bộ lớn nhưng vẫn đang gặp trở ngại do những yếu tố tiêu cực, đặc biệt là từ chính sách thù địch của Mỹ. Vấn đề hạt nhân của Iran cũng đang là ngỏ cửa cho một cuộc chiến tranh mới vì trong khi Tehran tiếp tục kiên quyết từ chối dừng chương trình làm giàu uranium, Washington cũng không chịu loại trừ khả năng tấn công Iran.

Và điều này, nói theo lời của cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan trong cuộc họp báo tại New York ngày 20/3, sẽ là "một thảm họa thực sự".

Ở bất cứ đâu và trong bất cứ tình huống nào, chiến tranh luôn là thảm họa. Siêu cường Mỹ quốc sau 5 năm tiến hành các hoạt động quân sự ở Iraq đã tự gây thêm cho mình vô số những vấn đề trên mọi phương diện.

Cuộc chiến Iraq, đúng như chính Tổng thống Mỹ George Bush thừa nhận trong bài phát biểu sáng 19/3, đã trở nên "dài hơn, khó khăn hơn và tốn kém hơn dự đoán". Gần 500 tỷ USD đã bị chôn vùi trong sa mạc Iraq mà vẫn không thấy cảnh bình yên ở mảnh đất này.

"Vũng lầy Iraq" đã làm chết gần 4.000 binh lính Mỹ và hơn 1 triệu dân thường Iraq, 5 triệu người Iraq phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn… Uy tín của đương kim Tổng thống Mỹ George Bush cũng bị tổn hại khá nặng nề vì những gì đang diễn ra trên chiến trường Iraq.

Theo kết quả thăm dò dư luận do kênh truyền hình CNN và Opinion Research Corporation tiến hành từ ngày 14 tới 16/3 và công bố ngày 19/3, hiện chỉ còn 31% số người Mỹ được hỏi ý kiến ngỏ ý ủng hộ ông Bush, thấp nhất từ khi ông đắc cử Tổng thống đến nay. 67%, tuyên bố mất lòng tin vào bộ máy đương nhiệm trong Nhà Trắng.

Theo CNN, ông Bush đã bị rơi vào tình cảnh của cố Tổng thống Lyndon Johnson trong thời gian ông này bị sa lầy ở cuộc chiến tranh Việt Nam

Cuộc chiến Iraq còn là thanh gươm Damocles lúc nào cũng đe dọa chia rẽ nước Mỹ thành những chiến tuyến tinh thần đối nghịch nhau. Trong thực tế, nó đã đổ thêm dầu vào lửa đối với cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, giúp các ứng cử viên đảng Dân chủ có thêm lý lẽ "tấn công" ứng cử viên đảng Cộng hòa đang được Tổng thống George Bush ủng hộ là Thượng nghị sĩ John McCain.

Thượng nghị sĩ da den Barack Obama trong bài diễn thuyết trong tuần đã cột vấn đề chiến tranh Iraq vào ông McCain: "Có vẻ như ông McCain muốn thi hành nhiệm kỳ thứ ba của Tổng thống Bush".

Cũng theo ông Barack, chính vì các chính sách của ông Bush và ông McCain nên các món nợ của nước Mỹ đã tăng quá cao". Ông Obama cũng cho rằng, chi phí cho chiến tranh Iraq có thể còn cao đến 3.000 tỉ đô la chứ không phải là 500 tỉ USD như con số mà Nhà Trắng chính thức đưa ra.

Và ông Obama đã đặt câu hỏi: "Chúng ta còn phải yêu cầu các gia đình Mỹ và cộng đồng là họ sẽ chịu đựng tổn phí như thế trong bao lâu nữa?". Cách đặt vấn đề như của ứng cử viên Dân chủ này hiển nhiên sẽ không tạo lợi thế cho ông McCain.

Cuộc chiến Iraq cũng làm tổn hại không nhỏ hình ảnh của nước Mỹ trên trường quốc tế. Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây của Hội đồng Anh, có tới 45% số người được hỏi đánh giá người Mỹ là "ích kỷ". 46% số người châu Âu được hỏi ý kiến cho rằng ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới là tiêu cực so với 44% số người cho rằng là tích cực.

Cuộc chiến Iraq cũng làm ảnh hưởng tiêu cực tới các chính trị gia và các quốc gia tích cực hòa theo phương thức chống chủ nghĩa khủng bố của Nhà Trắng.

Theo kết quả thăm dò do cơ quan điều tra dư luận Adfero thực hiện và công bố ngày 20/3, có tới 95% số người dân Anh được hỏi ý kiến cho rằng việc cựu Thủ tướng Anh Tony Blair 5 năm trước đã ủng hộ Washington trong cuộc chiến Iraq đã làm tổn hại tới hình ảnh nước Anh trên trường quốc tế.

80% cho rằng so với trước khi chiến sự bùng nổ, tình hình chính trị và xã hội Iraq không có dấu hiệu tốt hơn, mà thậm chí còn tồi tệ hơn về nhiều mặt. 50% số người Anh được hỏi ý kiến cho rằng đương kim Tổng thống Mỹ phải chịu trách nhiệm chính về thảm trạng này…

Thế giới hôm nay có quá nhiều mối quan hệ tuỳ thuộc lẫn nhau nên ngay cả các cường quốc cũng không thể ỷ mạnh mà tự tung tự tác quá đà. Đó là bài học rất cần được hiểu thấu đáo.

Trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế trên toàn cầu, muốn đạt được những kết quả có giá trị, có lẽ cần phải tôn trọng nghiêm túc hơn nữa vai trò rất chính danh của LHQ.

Không ngẫu nhiên mà cũng trong ngày 20/3 vừa qua, HĐBA LHQ đã thêm một lần nhấn mạnh vai trò trung tâm của LHQ trong cuộc chiến chống khủng bố và nhất trí thông qua một nghị quyết gia hạn hoạt động của Ban chấp hành Ủy ban chống khủng bố (The Counter-Terrorism Committee Executive Directorate - CTED) cho tới cuối năm 2010

Hồng Thanh Quang
.
.
.