Châu Á: Có nhiều tỷ phú nhờ chứng khoán

Chủ Nhật, 23/03/2008, 11:09
Câu lạc bộ những tỷ phú tại châu Á đã tăng hơn 30% so với năm 2007. Phần lớn những người này lọt vào danh sách hàng năm "Những người giàu có nhất thế giới" của tạp chí danh tiếng Forbes là nhờ vào sự phát triển như vũ bão của các thị trường chứng khoán quốc gia.

Bứt phá

Theo thống kê của tạp chí Forbes, năm nay trên toàn thế giới có 1.125 tỷ phú, tăng 946 tỷ phú so với năm ngoái. Giá trị tài sản sau khi đã trừ thuế của nhóm người này là 4,4 nghìn tỷ USD, tăng 900 tỷ USD so với năm 2007. Điều đáng chú ý là sự giàu có đang dịch chuyển tới các nền kinh tế mới nổi với 70% tỷ phú mới thuộc về Ấn Độ, Trung Quốc và Nga.

Riêng tại châu Á, số lượng tỷ phú đã tăng từ 160 lên 211 người chỉ trong vòng một năm. Vị trí quán quân thuộc về Trung Quốc (gồm cả Hong Kong) với 68 người. Tiếp đến là Ấn Độ với số tỷ phú tăng từ 36 lên 53 người.

Sau 20 năm luôn đứng vị trí số 1 trong bảng xếp hạng nhiều người giàu nhất châu Á, giờ đây, Nhật Bản đành "ngậm ngùi" ở vị trí thứ 3 với 24 tỷ phú (không thay đổi gì so với năm ngoái nhưng lại giảm 1 người so với năm 2006).

Australia có 14 tỷ phú, Hàn Quốc có 12, Malaysia có 8, Singapore có 5, Thái Lan có 3 và Philippines có 2 tỷ phú.

"Vua thép" Lakshmi Mittal giàu thứ 4 trên thế giới.

Một bất ngờ nữa là cả Trung Quốc và Ấn Độ đều vươn lên vị trí thứ 3 và thứ 4 trong danh sách những quốc gia có nhiều tỷ phú nhất thế giới (Mỹ đứng đầu với 469 tỷ phú và Nga ở vị trí thứ 2 với 87 tỷ phú).

Ấn Độ còn gây ấn tượng đặc biệt hơn khi đóng góp tới 4 người trong top 10 người giàu nhất thế giới. Đó là "vua thép" Lakshmi Mittal giàu thứ 4 thế giới với tài sản trị giá 45 tỷ USD; ông trùm dầu mỏ Mukesh Ambani đứng thứ 5 với 43 tỷ USD; Anil Ambani đứng thứ 6 với 42 tỷ USD và tỷ phú bất động sản K.P Singh ở vị trí thứ 8.

Yếu tố chứng khoán

Phải nói rằng, cả thế giới đã thực sự ngỡ ngàng khi tạp chí Forbes cho công bố bản danh sách của mình. Không ai có thể ngờ được rằng chỉ có một năm, châu Á đã sản sinh thêm bao nhiêu tỷ phú.

Anjan Roy, một nhà kinh tế tại Liên đoàn các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ cho biết, các tỷ phú ở nước ông giàu lên là nhờ tốc độ phát triển kinh tế nhanh với sự đóng góp to lớn từ lĩnh vực tư nhân.

Mukesh Ambani - một trong những tỷ phú Ấn Độ giàu lên nhờ chứng khoán.

Rất nhiều công ty tư nhân hàng đầu ở Ấn Độ là các công ty gia đình đã niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK). Và những ông chủ của họ ngày càng giàu hơn nhờ TTCK tăng trưởng nhanh, tốc độ cao.

Từ tháng 2/2007 đến nay, chỉ số Sensex đã tăng gấp đôi và chạm ngưỡng 20.000 điểm, khiến các cổ phiếu được niêm yết tại TTCK Ấn Độ được liệt vào loại đắt đỏ nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) và đứng ở vị trí thứ 2 trong mức sinh lời của các cổ phiếu (sau Indonesia).

Năm ngoái, khi chỉ số Sensex ở mức 10.000 điểm, tổng tài sản của ông Mukesh Ambani (người giàu thứ 5 thế giới) ước tính chỉ bằng 1/4 so với con số 43 tỷ USD. Hiện ông đang hoàn tất việc xây dựng một tòa nhà chọc trời cao 60 tầng với 4 tầng để xe và một sân bay dành cho máy bay lên thẳng.

Còn K.P Singh thì vươn lên thứ 8 từ vị trí thứ 54 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới, nhanh chóng có trong tay 35 tỷ USD nhờ giá cổ phiếu của Công ty DLF Ltd. Ở mức cao và việc mua bán những cổ phiếu có tính thanh khoản cao.

Thêm vào đó, việc đồng tiền Ấn Độ tăng giá 12% so với đồng USD cũng khiến tài sản bằng USD của những tỷ phú này tăng do có thể quy đổi được nhiều USD hơn trước.

Thống kê của các báo chí Trung Quốc cho thấy giám đốc các công ty niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc là những người thắng lợi lớn trong năm 2007. Không một ai trong số các vị này có tài sản ít hơn 27 triệu USD và một nửa trong số họ chứng kiến các cổ phiếu mình đang nắm giữ vượt qua mức 64 triệu USD.

Zhang Jindong, Chủ tịch Công ty Thiết bị gia dụng Suning Appliance lớn nhất Trung Quốc đã trở thành tỷ phú giàu nhất nước này chính là nhờ 210 triệu cổ phiếu ông nắm giữ tăng giá tới 4 lần.

Điều tra của Tuần báo chứng khoán Trung Quốc cũng khẳng định, khoảng 70% giới đầu tư chứng khoán tại đây đã thu lãi khá lớn trong năm 2006 và 2007.

Năm 2008, mặc dù kinh tế thế giới có những dấu hiệu tiêu cực song các nhà phân tích vẫn nhận định rằng sức nóng của kinh tế Trung Quốc đang lan toả mạnh và nó sẽ khiến TTCK nước này tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc số lượng tỷ phú tại Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới

Huyền Chi
.
.
.