Jordan trả lời đầy đanh thép: 'Hành quyết hết tù nhân IS'

Thứ Năm, 05/02/2015, 08:27
Chỉ vài giờ sau khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tung video ghi cảnh thiêu sống phi công Muath al-Kasaesbeh, ngày 4/2, Jordan đã thi hành án tử hình đối với tù nhân Sajida al-Rishawi, nữ phiến quân người Iraq mà IS từng đòi trả tự do để đổi lấy con tin mà chúng giam giữ, và tù nhân Ziad al-Karboli, thành viên cấp cao của Al-Qaeda. Chính phủ Jordan trước đó từng tuyên bố, sẽ hành quyết tất cả tù nhân IS mà họ đang giam giữ nếu lực lượng này không thả tự do cho al-Kasaesbeh.

Trong một tuyên bố trên truyền hình quốc gia ngày 4/2, Quốc vương Jordan Abdullah nhấn mạnh, hành vi giết hại con tin của nước này là một sự “khủng bố hèn nhát” của một nhóm biến thái không liên quan đến đạo Hồi, đồng thời tuyên bố, Jordan sẽ giáng một đòn mạnh mẽ để đáp trả hành vi man rợ, không có tính người của những kẻ lợi dụng tôn giáo này.

Hình ảnh được lấy ra từ video của IS ghi lại cảnh phi công Muath al-Kasaesbeh bị thiêu sống. Ảnh: CNN.

Thái tử Jordan Feisan, Chủ tịch Hội đồng lập pháp tối cao nước này cũng lên án mạnh mẽ hành vi tội ác của IS là trái với luật và giáo lý của tất cả các tôn giáo và công ước quốc tế. Người phát ngôn quân đội Jordan Mamdouh al-Ameri tuyên bố: “Jordan đã có câu trả lời mạnh mẽ, quyết đoán và kịp thời. Sự đáp trả của chúng ta cũng sẽ tương xứng với những mất mát mà chúng gây ra cho nhân dân Jordan”.

Cũng trong ngày 4/2, truyền hình quốc gia Jordan dẫn nguồn tin thân cận từ chính phủ nước này cho biết, Amman đã thu được những thông tin tình báo khẳng định, al-Kasaesbeh đã bị phiến quân IS sát hại vào ngày 3-1, trước khi nhóm khủng bố cực đoan này đề nghị đổi mạng sống người này cùng với nhà báo người Nhật Bản Kenji Goto lấy tự do cho Sajida al-Rishawi. Do đó, chính quyền đã quyết định không thả người phụ nữ mà IS yêu cầu trao đổi khi tổ chức này vẫn chưa đưa ra bằng chứng về việc con tin Jordan còn sống.

Đồng quan điểm với Chính phủ Jordan, trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 4/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên án hành động tàn bạo của IS là “không thể tha thứ”. Ông Abe cũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới người thân của người phi công dũng cảm trên, đồng thời nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ sát cánh cùng Chính phủ và người dân Jordan trong thời khắc khó khăn này.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yasuhide Nakayama đã gửi công hàm ngoại giao tới Thái tử Feisal, trong đó đánh giá cao những nỗ lực mà Jordan đã thực hiện để giải quyết vụ IS bắt cóc và hành quyết hai con tin người Nhật Bản. ông Natakayma và Thái tử Feisal nhấn mạnh, 2 nước sẽ tăng cường hợp tác đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tích cực tăng cường chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

Trong khi đó, từ Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, “hành động hèn hạ” của IS sẽ chỉ khiến quốc tế gia tăng nỗ lực tiêu diệt các phần tử cực đoan. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng ca ngợi sự “dũng cảm, cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc” của phi công al-Kaseasbeh, là “đại diện cho các giá trị của nhân loại đối lập với sự hèn hạ và đồi bại” của IS.

Tổng thống Mỹ bày tỏ đoàn kết với nhân dân Jordan sau mất mát này, đồng thời tái khẳng định sẽ dành khoản viện trợ 3 tỷ USD cho Jordan trong 3 năm tới. Trước đó, trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Jordan Nasser Judeh đã ký biên bản ghi nhớ mới, theo đó Washington sẽ nâng khoản viện trợ từ 660 triệu USD/năm lên 1 tỷ USD/năm cho Jordan để hỗ trợ công tác an ninh trong 3 năm tới.

Ngoại trưởng John Kery cũng khẳng định, Washington sẽ hỗ trợ liên minh Arab, trong đó có Jordan, chống lại IS cho tới khi lực lượng này không còn đe dọa an ninh khu vực. Dự kiến, thỏa thuận viện trợ này sẽ được trình lên Quốc hội Mỹ để thông qua.

Giới phân tích dự đoán, đoạn video mà IS mới đăng tải sẽ tạo ra những phản ứng không mong muốn cho tổ chức cực đoan này. Cụ thể, theo nhà phân tích khủng bố Paul Cruickshank của hãng CNN, sẽ làm gia tăng số người ủng hộ Quốc vương Abdullah, cũng như việc tham gia liên quân chống lại chúng.

Trong khi đó, theo nhận định của chuyên gia pháp luật của CNN Tom Fuentes, nhân tố truyền thông đang hoàn toàn phản tác dụng với IS. Việc một nhóm những người Hồi giáo, thay vì hét lên rằng “nước Mỹ hãy chết đi,” mà lại là “hãy trả thù, tiêu diệt IS”, có nghĩa là họ ủng hộ nước Mỹ. Chuyên gia Tom Fuentes cho rằng, đây là sai lầm rất lớn trong chiến lược tuyên truyền của IS.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.