Đằng sau phiên luận tội Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra của Thái Lan:

Cáo buộc của NACC và phe đối lập

Thứ Hai, 31/03/2014, 09:22
Ngày 31/3, theo dự kiến, phiên luận tội đối với Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra sẽ diễn ra sau khi Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia kết thúc cuộc điều tra liên quan tới chương trình trợ giá gạo của chính phủ. Trong trường hợp bị kết tội không làm tròn nhiệm vụ, vụ án sẽ được chuyển lên Thượng viện để tổ chức điều trần bà Yingluck Shinawatra.

Động thái này diễn ra ngay sau khi Thái Lan tổ chức bầu cử Thượng viện (30/3) và đây được đánh giá là bước đi quan trọng trong tình hình chính trị hiện nay ở nước này. Bởi tân Thượng viện sẽ đóng vai trò quan trọng trong thời điểm chuyển giao khi Hạ viện chưa được hình thành và Chính phủ đang phải đối phó với nhiều vấn đề pháp lý.

Động thái đáng quan tâm

Theo giới truyền thông, phiên luận tội diễn ra sau khi bà Yingluck Shinawatra không được Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) gia hạn thời gian phải ra điều trần về cáo buộc lơ là trách nhiệm trong chương trình trợ giá lúa gạo. Gần 3 tháng trước (7/1), NACC thông báo, sẽ đưa ra những cáo buộc chống lại hàng trăm chính trị gia, phần lớn thuộc đảng Puea Thái của bà Yingluck Shinawatra, liên quan tới nỗ lực sửa đổi hiến pháp bất thành hồi tháng 11/2013. Ngày 16/1, NACC thông báo tiến hành điều tra chương trình trợ giá gạo của bà Yingluck Shinawatra.

Thượng viện Thái Lan (có nhiệm kỳ 6 năm) gồm 150 người, trong đó có 77 người được bầu đại diện cho 77 tỉnh, thành và số còn lại sẽ được bổ nhiệm thông qua một ủy ban gồm đại diện của các cơ quan được coi là độc lập tại Thái Lan. Trước đó (28/3), khi trả lời báo giới, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra tuyên bố, bà và các thành viên trong gia đình sẽ không ngừng các hoạt động chính trị. Và theo dự kiến, phe Áo đỏ sẽ mít tinh quy mô vào ngày 5/4 để bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Yingluck Shinawatra. Thủ lĩnh phe Áo đỏ Chatuporn cho biết, quyết định biểu tình để ông Suthep Thaugsuban, thủ lĩnh phe biểu tình chống chính phủ biết rằng, phần lớn người dân Thái Lan đều mong đợi chính phủ do người dân bầu chọn và họ sẽ không chấp nhận một thủ tướng lên cầm quyền qua kênh khác.

Nhiều người cho rằng, tình hình hiện nay là do sai lầm của bà Yingluck Shinawatra bắt nguồn từ việc dự định thông qua dự luật ân xá có thể mở đường cho sự trở về của anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Ông Noppadon Pattama, cố vấn pháp lý của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, vừa bác bỏ thông tin anh trai của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đề nghị bà tạm nghỉ hoạt động chính trị 1 năm để mở đường cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Trước đó (10/3), ông Thaksin Shinawatra đã cáo buộc một số thành phần “thông minh và có tài” trong đảng Puea Thái không làm gì để giúp em gái mình cũng như chính phủ của bà Yingluck Shinawatra trong bối cảnh khó khăn.

Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đi kiểm tra công tác.

Ngày 6/3, bà Yingluck Shinawatra từng kiên quyết khẳng định, anh trai bị lật đổ Thaksin Shinawatra không liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan. Gần 2 tháng trước (5/2), cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra từng xin người dân Thái Lan cho ông cơ hội. Đây là lần đầu tiên ông Thaksin Shinawatra lên tiếng sau nhiều tháng căng thẳng ở Thái Lan. Ngày 11/2, tờ Bangkok Post dẫn lời ông Thaksin Shinawatra qua người phát ngôn Noppadon Pattama khẳng định: khủng hoảng chính trị hiện nay phải được giải quyết thông qua đàm phán và tình hình Thái Lan sẽ ổn định trở lại bằng cách thực thi các nguyên tắc dân chủ.

Theo thống kê, khoảng 2/3 trong số 67 triệu người dân Thái Lan sống ở nông thôn và hơn 90% theo đạo Phật. Được biết, khu vực phía Bắc và Đông Bắc Thái Lan được coi là căn cứ của phe Áo đỏ, những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Phe Áo đỏ được hình thành sau khi ông Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006. Kể từ năm 1946, khi nhà vua Bhumibol Adulyadej lên trị vì, Thái Lan đã trải qua tổng cộng 9 cuộc đảo chính và có hơn 20 Thủ tướng. Ông Thaksin Shinawatra tuy bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, nhưng được cho là vẫn còn ảnh hưởng lớn đến nền chính trị Thái Lan thông qua người em gái đang là Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra.

Thử thách mới của bà Yingluck Shinawatra

Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra từng quả quyết vô tội (20/2) sau khi NACC cáo buộc có liên quan tới chương trình trợ giá gạo. Bà Yingluck Shinawatra cũng quy trách nhiệm (18/2) cho tình trạng biểu tình chống chính phủ kéo dài ở Thái Lan đã trì hoãn việc thanh toán giá gạo cho nông dân theo chương trình trợ giá. Nếu các cơ quan tư pháp khẳng định Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra vi phạm Hiến pháp và Luật Hình sự, bà có thể bị buộc từ chức, thậm chí bị phạt tù.

Theo giới truyền thông, chương trình trợ giá cho nông dân qua việc mua lại gạo của họ với giá cao hơn giá thị trường đến 50% là một trong những yếu tố giúp bà Yingluck Shinawatra giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011, nhưng đang là dấu hỏi lớn của phe đối lập. Những người biểu tình chống chính phủ cho rằng, chương trình trợ giá đã dẫn đến tình trạng tham nhũng, gây thâm hụt tài chính công, làm cho Thái Lan mất vị trí quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới trong khi số gạo tồn kho lên tới 18 triệu tấn. Khi được hỏi lý do tại sao trước khi để sự việc đi quá xa như hiện nay, chính phủ không bán gạo trong kho dự trữ để lấy tiền trả nợ cho nông dân, bà Yingluck Shinawatra đã không đưa ra được lời giải thích.

Ngay thời điểm chương trình được áp dụng năm 2011, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan thu mua mỗi kilôgam gạo với giá 32,32 baht, trong khi chỉ bán được với giá trung bình 10,20 baht/kg. Điều này có nghĩa, mỗi kg gạo trong chương trình trợ giá được bán ra, Thái Lan lỗ 22,12 baht và số tiền lỗ cho chương trình trợ giá vào khoảng 500-700 tỷ baht trong cả nhiệm kỳ của chính phủ. Nhưng đến nay, chính phủ vẫn chưa tiết lộ con số chính xác của chương trình này. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan, chương trình kể trên tiêu tốn từ 4,6 đến 6 tỷ USD/năm, khoảng 6-8% ngân sách.

(Còn nữa)

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.