Hội thảo khoa học về Biển Đông ở Nga:

Hành động của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực

Thứ Hai, 08/06/2015, 10:25
Đây là nhận định được các học giả quốc tế đưa ra tại hội thảo mang tên “Tranh chấp lãnh thổ và luật pháp quốc tế trong kỷ nguyên mới” diễn ra tại Đại học Nhân văn hồi cuối tuần trước. Cuộc hội thảo được tổ chức trong một phạm vi không lớn nhưng nhận được sự quan tâm tích cực của nhiều đối tượng, từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và cả các giảng viên, sinh viên thuộc trường Đại học Nhân văn và nhiều học giả khác. 

Đặc biệt, các đơn vị phối hợp cùng tổ chức như Trung tâm “Quyền Hòa bình”, Đại học Pháp lý quốc gia... cùng sự tham gia của các nhà khoa học và nghiên cứu vốn đã được nhiều người biết tiếng là các chuyên gia đầu ngành về phương Đông học và Việt Nam học càng làm tăng giá trị của Hội thảo. Với 6 tham luận đề cập tới vấn đề Biển Đông, hội thảo tập trung thảo luận về tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển này, phân tích các nguyên nhân, yếu tố lịch sử, tình hình tranh chấp hiện nay tại Biển Đông, theo đó gợi mở các cách thức giải quyết vấn đề này.

Cuộc hội thảo được tổ chức trong một phạm vi không lớn nhưng nhận được sự quan tâm tích cực của nhiều đối tượng, từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và cả các giảng viên, sinh viên thuộc trường Đại học Nhân văn và nhiều học giả khác. (ảnh: VTV).

Trong tham luận "Tình hình tại Biển Đông - mối đe doạ tới ổn định và an ninh khu vực", GS.TS Dmitry Mosyakov, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga đã nêu bật những hành động sai trái và ý đồ của Trung Quốc trong các sự kiện gần đây và khẳng định rằng, hành động của Trung Quốc chỉ làm gia tăng căng thẳng, đe doạ đến an ninh của khu vực và thế giới. Còn đồng hiệu trưởng trường Đại học Nhân văn Irna Umnova trong tham luận mang tên “Những cơ chế chính trị- pháp lý giải quyết tranh chấp tại Biển Đông và vai trò của Nga như một hòa giải viên chủ chốt trong chính sách hòa bình” đã đưa ra những khuyến nghị cho việc tìm kiếm một cơ chế giải quyết hòa bình tranh chấp tại Biển Đông, gợi mở những thiết chế và những giải pháp pháp lý cho việc giải quyết những vấn đề tại Biển Đông, trong đó đặt Nga ở vị trí then chốt trong quá trình hòa giải. 

Đặc biệt, bà cũng bày tỏ ủng hộ việc quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông, đưa ra những cơ chế pháp lý cụ thể để giải quyết, trong đó có việc đệ đơn lên Tòa án quốc tế Liên Hiệp Quốc, Tòa án công minh khu vực ASEAN, tòa án của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tác giả thậm chí còn cho rằng cần phải tiến xa hơn Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông và cần ký kết Hiệp ước trung lập tại Biển Đông và phải xây dựng một "Lộ trình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Kết thúc hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, giải pháp tốt nhất để giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông là thông qua đàm phán, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở BIển Đông (COC).

H.Chi
.
.
.