Căng thẳng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria:

Cảnh báo về sự can thiệp của nước ngoài vào Syria

Thứ Tư, 10/10/2012, 09:33
Các cuộc đụng độ giữa quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới hai nước đang khiến cho tình hình ở quốc gia Bắc Phi ngày càng trở nên phức tạp. Liên Hợp Quốc (LHQ) đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng mà Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và quốc gia láng giềng Lebanon phải đối mặt nếu chiến sự vẫn bùng phát dữ dội.

Trong khi đó, một số nguồn tin lại cho rằng, các cuộc pháo kích gần đây giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ là nền móng do NATO đặt ra cho cuộc can thiệp quân sự vào Syria. Hãng Reuters ngày 8/10 dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul cho hay, nếu kịch bản xấu xảy ra giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, nước này sẽ dùng mọi biện pháp có thể để bảo vệ an ninh.

Đồng thời, ông Abudllah Gul cũng lý giải rằng, các vụ bạo lực xảy ra trong suốt 6 ngày qua ở miền Nam nước này là hậu quả của việc Syria ném bom vào Thổ Nhĩ Kỳ và rằng, người dân muốn Tổng thống Syria Bashar al-Assad tự tuyên bố từ chức, không đe dọa đến nền hòa bình của khu vực.

Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai thêm nhiều quân dọc đường biên giới giáp Syria dài 900km. Ảnh: Reuters.

Trả lời phỏng vấn báo chí ở Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn khẳng định, sớm muộn gì thì cuộc chuyển giao quyền lực cũng sẽ được thực hiện ở Syria và cộng đồng quốc tế sẽ có trách nhiệm đưa việc đàn áp lực lượng nổi dậy của quân đội Syria ra trước tòa án quốc tế. Hiện lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai dọc 900km đường biên giới với Syria.

Chưa hết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn có nhiều cuộc giao tranh dữ dội ở miền Nam với lực lượng quân đội Syria. Tin từ hãng Dogan cho hay, 25 máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã được đưa tới căn cứ quân sự tại Diyarbakir, thành phố lớn nhất ở miền Đông Nam Syria, nơi lực lượng quân đội nhận được báo cáo về sự triển khai của quân đội Syria tại vùng biên giới. Xe tăng, xe thiết giáp cũng đã được triển khai tới thị trấn Akcakale gần đó...

Các cuộc nã pháo lẫn nhau giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong 6 ngày qua đã khiến cộng đồng quốc tế phải lo ngại. Tham dự diễn đàn dân chủ thế giới ở Strasbourg (Pháp), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon cảnh báo tình trạng căng thẳng này có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, đồng thời cho rằng quốc gia Lebanon cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột 19 tháng qua ở Syria.

Người đứng đầu LHQ cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc các thế lực bên ngoài tiếp tục cung cấp vũ khí cho các lực lượng ở Syria. Ông Ban Ki-moon đã yêu cầu các bên liên quan từ bỏ sử dụng vũ lực và tiến tới một giải pháp chính trị.

Theo các nhà phân tích, thực tế hiện nay cho thấy, giao tranh giữa lực lượng chống đối và quân đội chính phủ Syria lại không đáng lo ngại bằng các cuộc đọ pháo ở vùng biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều người thậm chí cho rằng, xung đột giữa Syria – Thổ Nhĩ Kỳ thực chất là bước đi đầu tiên mà NATO đang thực hiện để tiến hành cuộc can thiệp quân sự vào Syria.

Có thể hành động này bắt nguồn từ việc một số thủ lĩnh lực lượng nổi dậy ở Syria bắt đầu có tư tưởng liên kết với đảng của Tổng thống Bashar al-Assad để thành lập một chính phủ mới mà không có sự can thiệp của phương Tây. Trong khi đó, Mỹ và NATO lại chỉ muốn lật đổ chính quyền Damascus hiện nay và thành lập một chính phủ mới do họ hậu thuẫn.

Hồi đầu tháng 10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã đề xuất về một chính phủ chuyển tiếp do Phó Tổng thống Farouk al-Sharaa đứng đầu. Tuy nhiên, chính phủ Syria đã bác bỏ hoàn toàn. Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zoubi nhấn mạnh, đề xuất của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu phản ánh sự "sai lầm mang tính chính trị và ngoại giao".

Hôm 8/10, sau khi vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ về nước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Syria (SNC) Adbulbaset Sieda cho biết, ông không phản đối việc các thành viên của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tham gia hoạt động trong hệ thống chính trị tương lai của Syria.

Cũng theo ông Adbulbaset Sieda, cuộc họp giữa thành viên SNC sẽ được thực hiện tại Qatar vào tuần tới và SNC sẽ bàn các hướng đi tiếp theo để giải quyết tình hình Syria. Hiện SNC đang ủng hộ đề xuất chính phủ chuyển tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ và tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này

Phan Hiển
.
.
.