Cảnh báo về nguy cơ khủng bố ở Ukraine

Thứ Ba, 11/02/2014, 09:14

Kết quả cuộc điều tra vụ tấn công máy bay của Hãng hàng không Pegasus với âm mưu phá hủy Thế vận hội Olympic Sochi 2014 cùng với những đe dọa đánh bom ở Ukraine đang khiến tình hình ở quốc gia Đông Âu này vốn đã căng thẳng lại càng thêm rối ren. Chiều tối 9/2, Cơ quan an ninh quốc gia Ukraine (SBU) đã buộc phải đưa ra những cảnh báo về các mối đe dọa khủng bố chưa được xác định và đặt lực lượng chống khủng bố vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
>>Ukraine và cuộc chiến ngoại giao Nga- Mỹ - EU

Bức màn bí mật về một âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào Olympic Sochi đúng vào ngày khai mạc do một người đàn ông đến từ Kharkiv (Ukraine) thực hiện đang dần được vén vào ngày 10/2 khi báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Nga đồng loạt đăng tải về kết quả cuộc trả lời thẩm vấn của nghi phạm nói trên.

Theo đó, người đàn ông vùng Kharkiv muốn chuyển hướng chuyến bay của Hãng hàng không Pegasus đến Sochi, nơi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych hội đàm bên lề Thế vận hội mùa đông. Mục đích chính của tên này là gây sức ép lên chính quyền Kiev bằng việc đe dọa nổ tung máy bay và đòi trả tự do cho các tù nhân của Ukraine, trong đó có cả cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko – người đang thụ án tù 7 năm vì tội lạm dụng chức quyền. Tuy nhiên, việc liệu người đàn ông này có thuộc một tổ chức vũ trang hay lực lượng chống đối nào ở Ukraine hay không thì không được đề cập đến.

Cuộc đàm phán giữa Chính phủ Ukraine do Tổng thống Viktor Yanukovych và đại điện lực lượng đối lập được thực hiện hôm 25/1 tại thủ đô Kiev.

Chỉ biết rằng, ngay sau khi những thông tin này được đăng tải, SBU cũng ra thông báo cho biết, lực lượng chống khủng bố Ukraine đã được đặt trong tình trạng báo động cao, sẵn sàng hoạt động và tham gia giải quyết trong tình huống bất ngờ. An ninh cũng được siết chặt tại một số địa điểm nhạy cảm ở Ukraine như nhà ga, sân bay, trạm xe buýt, các đường ống dẫn dầu, nhà máy điện, các kho vũ khí, các cơ quan chính phủ,… Một số quy định mới đối với hoạt động biểu tình trên đường phố cũng được đặt ra, trong đó nghiêm cấm việc tiến quá gần đến trụ sở các cơ quan, ban, ngành trực thuộc chính phủ; cấm người biểu tình sử dụng các thiết bị gây bạo lực trên đường phố.

Một quan chức cấp cao của SBU còn cho hay, trong một hai ngày tới, chính quyền Kiev cũng có thể đưa một số biện pháp an ninh mới nữa bởi lẽ chỉ trong sáng 10/2, khi lệnh triển khai lực lượng chống khủng bố vừa được đưa ra, các nhà chức trách đã nhận được nhiều đe dọa đánh bom trên toàn quốc. Bên cạnh đó, các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ phe đối lập với cảnh sát vẫn diễn ra làm 6 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Nguy cơ tiếp tục bùng phát bạo động vẫn còn hiện hữu.

Tin từ hãng Reuters cho hay, sáng 10/2, khoảng 70.000 người ủng hộ phe đối lập vẫn tiếp tục tham gia cuộc biểu tình tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev. Quan điểm của họ là việc tìm kiếm một Thủ tướng mới của Tổng thống Viktor Yanukovych vẫn là chưa đủ cho lời kêu gọi cải cách Hiến pháp và tổ chức bầu cử mới.

Một lãnh đạo biểu tình còn nói rằng, các cuộc tuần hành sẽ còn tiếp tục cho đến khi nào Tổng thống Viktor Yanukovych sẵn sàng thương lượng với họ. Trong khi đó, ở đầu kia của thủ đô, những người ủng hộ chính phủ đương nhiệm của Ukraine cũng lên kế hoạch tuần hành trên đường phố và đối đầu trực tiếp với lực lượng đối lập. Chính việc này càng khiến tình hình ở Ukraine thêm rối ren, đẩy các bên đến gần hơn miệng hố bạo lực.

Nhiều nhà phân tích nhận định, cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề hiện nay ở Ukraine là sự thỏa hiệp giữa các bên. Nghĩa là cả chính phủ và lực lượng đối lập đều phải có những bước thỏa hiệp nhất định. Hiện tại, sự mâu thuẫn lớn nhất trong đàm phán giữa hai bên chính là việc cải cách Hiến pháp mà cụ thể là việc quy định quyền hạn của Tổng thống. Lực lượng đối lập thì muốn gây sức ép để Ukraine quay trở lại với bản Hiến pháp năm 2004, theo đó, những quyền lực trọng yếu chi phối Chính phủ sẽ được chuyển từ Tổng thống sang Quốc hội.

Theo đó, Quốc hội sẽ có quyền thành lập và giải tán Chính phủ, trong khi Thủ tướng có quyền bổ nhiệm các Bộ trưởng trong nội các với sự đồng thuận trong Quốc hội. Nếu điều này xảy ra thì Ukraine lại dễ lặp lại lịch sử cuộc đối đầu giữa Tổng thống và Thủ tướng. Mà điều này thì Tổng thống Viktor Yanukovych không bao giờ chấp nhận. Hiện ông đã đề xuất chia sẻ chiếc ghế Thủ tướng cho thủ lĩnh lực lượng đối lập Arsenly Yatsenyuk và chiếc ghế Phó Thủ tướng cho cựu võ sĩ quyền anh Vitali Klitschko nhưng hai người này vẫn chưa chấp nhận.

Vì thế, khoảng cách trong đàm phán giữa hai bên còn khá xa và nếu muốn xích lại gần nhau, mỗi bên phải tự mình tiến bước về phía đối thủ vì lợi ích chung của đất nước

Huyền Chi
.
.
.