Cảnh báo nguy cơ khủng hoảng lương thực trên toàn cầu

Thứ Sáu, 14/01/2011, 09:27
Tờ Pravda số ra ngày 13/1 đã dẫn lời một số quan chức Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, các chuyên gia lương thực của tổ chức quốc tế này đang lo ngại về  nguy cơ khủng hoảng lương thực khi mà giá cả các mặt hàng lương thực - thực phẩm ngày càng gia tăng.

Biểu đồ tính giá của 55 loại mặt hàng lương thực thiết yếu cho thấy chỉ trong 1 năm qua, giá cả những mặt hàng này đã tăng 214,7 điểm và có nguy cơ tăng cao hơn nữa. Thống kê của Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) cho hay, mặt hàng tăng thường xuyên là đường, ngũ cốc, dầu ăn và thịt. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2010, chỉ số giá đường đã tăng tới 398,4 điểm.

Những quốc gia mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu đường như Ấn Độ và Mexico đang gặp khó khăn do thời tiết bất thường, gây thiệt hại nhiều trong các vụ thu hoạch mía đường, tạo nên sự mất cân bằng trên thị trường. Đặc biệt, trong những ngày cuối năm 2010, lũ lụt lớn nhất trong vòng 50 năm qua đã càn quét hàng trăm khu vực ở Australia, gây ra hạn chế xuất khẩu đường, lúa mạch, ngũ cốc của thị trường này.

Hiệp hội Nông lương của Australia dự kiến là trong vài tháng tới, nước này sẽ phải hạn chế xuất khẩu hàng triệu tấn đường và ngũ cốc để phục vụ nhu cầu trong nước. Trong khi đó, châu Á và các quốc gia nghèo nhất thế giới lại phụ thuộc rất nhiều vào giá gạo. Từ năm 2008, khi giá gạo tăng gấp 2 lần lên 535 USD/tấn, cuộc sống của người dân những nước này đã gặp rất nhiều khó khăn. Dù vậy, nhu cầu gạo ở các nước như Brazil, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ vẫn tăng 5% trong mỗi mùa vụ.

Giá lương thực tăng đang là mối lo ngại lớn trên thế giới. Ảnh: AP.

Với những khó khăn nảy sinh trong việc cung cấp lương thực-thực phẩm, các chuyên gia LHQ lo ngại rằng, kinh tế thế giới có thể bị ảnh hưởng mạnh. Thậm chí, nếu các chính phủ không có biện pháp kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực mới. LHQ nhấn mạnh rằng, trong cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2008, hàng loạt vụ biểu tình bạo lực đã xảy ra trên khắp thế giới và hơn 1 tỷ người bị đói ăn.

Giám đốc Kinh tế Vĩ mô Toàn cầu trong Ban nghiên cứu Triển vọng của Ngân hàng Thế giới (WB) Andrew Burns quan ngại: "Tuy nhiên, việc tăng giá hai con số các mặt hàng chủ lực quan trọng trong vài tháng qua đang gây sức ép với các hộ gia đình ở các nước vốn đã sẵn có một gánh nặng lớn về nghèo đói và suy dinh dưỡng. Và, nếu giá lương thực toàn cầu tăng thêm cùng với các mặt hàng quan trọng khác, không loại trừ khả năng lặp lại kịch bản năm 2008".

Chủ tịch WB Robert Zoellick đang kêu gọi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đưa vấn đề giá cả lương thực trong chủ đề chính thảo luận tại các Hội nghị của G20 khi Pháp giữ vai trò Chủ tịch. Đồng thời, ông Robert Zoellick cũng gợi ý các nước phải có thêm tài trợ, hỗ trợ cho các hộ nông dân sản xuất. Thời gian tới, WB dự định đưa ra gói chương trình trị giá 49 tỷ USD để giúp đỡ các nước cải thiện phát triển nông nghiệp.

Trong báo cáo mang tên "Triển vọng Kinh tế toàn cầu 2011", WB còn nhận định, kinh tế thế giới đang chuyển từ giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng sang giai đoạn tăng trưởng chậm hơn nhưng vẫn vững chắc vào năm 2011 và năm 2012, trong đó các nước đang phát triển đóng góp gần một nửa tăng trưởng toàn cầu.

Ước tính rằng GDP toàn cầu sẽ  giảm xuống 3,3% vào năm 2011 trước khi đạt mức 3,6% vào năm 2012. Các nước đang phát triển được dự tính sẽ tăng trưởng 6% vào năm 2011 và 6,1% vào năm 2012. Nhưng, dự kiến trong suốt năm 2012, sự phục hồi của một số nền kinh tế đang nổi lên tại châu Âu và Trung Á và một số nước thu nhập cao lại không chắc chắn. Nếu không có các chính sách đối nội đúng đắn thì nợ cá nhân và thất nghiệp cao, cộng với sự yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng và nhà ở có thể sẽ làm mất đi sự phục hồi

Huyền Chi
.
.
.