Căng thẳng ở biển Đông là thách thức an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Thứ Tư, 01/07/2015, 11:26
Bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế song phương, vấn đề biển Đông mà đặc biệt là hành động cải tạo bãi đá ngầm, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc cũng trở thành nội dung thảo luận chính giữa Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong chuyến công du Singapore của nhà lãnh đạo Australia hôm 29/6.

Có thể khẳng định rằng, trong chuyến công du lần này, Thủ tướng Australia đã khá mạnh mẽ khi bày tỏ những lo ngại của chính phủ Australia về những hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Phát biểu tại Singapore với chủ đề “Thách thức chung của chúng ta - tăng cường an ninh khu vực” hôm 29/6, ông Tony Abbott đã đặt những căng thẳng trên biển Đông lên vị trí đầu tiên trong danh sách những mối nguy cơ về an ninh cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Thủ tướng Australia nói: “Sự thịnh vượng lâu dài của khu vực phụ thuộc vào việc đảm bảo an ninh. Và trong khu vực của chúng ta đang có một số căng thẳng tại biển Hoa Đông và biển Đông. Australia không đứng về bên nào trong việc này và mong muốn những căng thẳng này nên được giải quyết hòa bình theo luật pháp quốc tế. Là một quốc gia thương mại, Australia mong muốn có được sự tự do đi lại trên biển và trên không. Các hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo với quy mô khổng lồ không những không đem lại sự tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia, vốn là nền tảng của sự thịnh vượng, mà còn phá hoại một trong những hệ thống đá ngầm đẹp nhất trên thế giới”. 

Tiếp đó mới là mối đe dọa về chủ nghĩa khủng bố mà cụ thể nhất là sự lớn mạnh, tàn độc của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Theo ông Tony Abbott, Australia và Singapore sẽ hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực quốc phòng, Australia tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo lực lượng an ninh cho Singapore và chia sẻ các thông tin tình báo và dữ liệu liên quan đến IS.

Thủ tướng Australia Tony Abbott đã đưa ra cảnh báo về an ninh ở biển Đông trong chuyến công du Singapore. Ảnh: Reuters.

Giới phân tích nhận định, là người đứng đầu nhà nước đầu tiên phát biểu về chủ đề biển Đông tại Singapore, ông Tony Abbott đã nói hộ những mối quan ngại lớn của các nhà lãnh đạo trong khu vực và trên thế giới sau khi chứng kiến những hoạt động gần đây ở biển Đông của Trung Quốc. 

Bằng phát biểu này, Thủ tướng Australia một lần nữa đã thể hiện rõ quan điểm của Australia về vấn đề biển Đông bởi trước đó, tại Đối thoại an ninh Shangri-La hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews cũng đã phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc ở biển Đông. Đồng thời, phát biểu của ông Tony Abbott cùng tuyên bố mới nhất của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ và giới chức Philippines cũng đang gây áp lực mạnh lên Trung Quốc. 

Đánh giá về việc này, ông Malcolm Cook, chuyên gia nghiên cứu an ninh khu vực, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á chia sẻ: "Sự phá hủy môi trường do hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo của Trung Quốc là rất nghiêm trọng, phá hủy khu vực đá ngầm nhạy cảm nhất ở biển  Đông. Vì thế, hành động của Trung Quốc không chỉ làm mất ổn định an ninh khu vực mà còn phá hủy môi trường của biển  Đông, khu vực đánh bắt cá chủ yếu cho tất cả các nước ven biển”. 

Ông Malcolm Cook khẳng định, mọi bất đồng cần phải giải quyết một cách hòa bình, không dựa trên sức mạnh hoặc sự cưỡng bức và phải dựa trên luật pháp quốc tế, có như vậy mới tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Theo thông tin mà các chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), sau khi bồi đắp được bãi đá, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng các trạm radar cảnh báo và cơ sở liên lạc lớn tại những đảo nhân tạo này. Vì thế, người ta không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ triển khai hải quân và không quân tại đây nhằm gia tăng sức ép quân sự trên các vùng biển tranh chấp. 

Bà Mira Rapp Hooper - chuyên gia về biển Đông của CSIS cho rằng, tuyên bố của Trung Quốc ngừng xây dựng chỉ nhằm mục đích “giảm nhiệt” chứ không làm thay đổi chính sách bành trướng của Trung Quốc đối với biển Đông. Vì thế, các quốc gia trong khu vực cần phải cẩn trọng. 

Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong ngày 30/6 dẫn thông tin trên tuần san Liêu Vọng, một phụ bản của Tân Hoa xã cho hay, trong 6 năm qua, Trung Quốc có một đội do thám mang tên “Chim ưng biển” chuyên do thám, thu thập thông tin về hoạt động của các giàn khoan dầu Việt Nam trên biển Đông cũng như một số một số nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Lực lượng do thám này cũng theo dõi hoạt động của tàu chiến nước ngoài trên biển Đông và Hoa Đông.

Sông Thương
.
.
.