72 giờ ngừng bắn nhân đạo giữa Israel và Hamas:

Cần một giải pháp lâu dài và thực tế

Thứ Bảy, 02/08/2014, 08:44
Đúng 8h ngày 1/8 (tức 12h theo giờ Việt Nam), lệnh ngừng bắn nhân đạo trong 72 giờ giữa Israel và Hamas chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, khoảng thời gian ít ỏi trong 3 ngày không đủ để đem lại sự bình yên cho người dân ở dải Gaza, những người trong gần 1 tháng qua phải sống chung với cái chết, nỗi sợ hãi và tiếng súng đạn hàng ngày. Vì thế, cả Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đang chung tay nỗ lực giúp kéo Tel Aviv và Hamas lại gần nhau để tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, chấm dứt bạo lực và tử thần đang che khuất bầu trời dải Gaza.

Điểm xuất phát Cairo

Theo cách nói của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo trong 72 giờ đồng hồ mà Israel và Hamas vừa đạt được theo sáng kiến của Mỹ và Liên hợp quốc (LHQ) là rất quan trọng, nhằm giúp dân thường vô tội thoát khỏi cảnh bạo lực đẫm máu. Tuy nhiên, các lực lượng trên bộ của Israel sẽ không rút khỏi dải Gaza trong thời gian ngừng bắn và có thể thực hiện các “hoạt động phòng thủ để phá hủy các đường hầm”… Vì thế, sau khi thỏa thuận này có hiệu lực, ông John Kerry đã hối thúc đại diện Israel và Palestine, bao gồm cả Hamas bắt đầu các cuộc đàm phán mới về một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại thủ đô Cairo của Ai Cập.

Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, phái đoàn Israel và Palestine đã lên đường tới Cairo để tiến hành đàm phán theo lời mời của Ai Cập. Tuy nhiên, dường như những nỗ lực của thế giới đang bị chính những đối tượng trong cuộc phá vỡ. Cụ thể, hãng AP đưa ra nhận định rằng, thỏa thuận ngừng bắn tạm thời đang có nguy cơ rơi vào ngõ cụt bởi chỉ vài phút sau khi thỏa thuận này có hiệu lực, Bộ Nội vụ Palestine đã cáo buộc xe tăng của Israel bắn vào phía Nam dải Gaza làm 4 người Palestine thiệt mạng. Truyền thông của phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas cũng xác nhận thông tin này. Hiện chưa có lời bình luận nào từ phía Tel Aviv.

Lệnh ngừng bắn nhân đạo 72h được đưa ra sau hơn 3 tuần Israel thực hiện chiến dịch quân sự ở dải Gaza. Ảnh:AP.

Trong khi đó thì tại New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã họp khẩn về tình hình nhân đạo đang xuống cấp nghiêm trọng tại dải Gaza. Các báo cáo từ Ủy ban nhân quyền LHQ cho thấy, trong hơn 3 tuần xảy ra xung đột ở dải Gaza, hơn 1.300 người Palestine đã thiệt mạng và 6.000 người khác bị thương. Đáng buồn là hơn 80% số người thiệt mạng là dân thường, trong đó có 250 trẻ em. Phía Israel cũng có 56 binh sĩ và 3 thường dân thiệt mạng cùng hơn 400 người bị thương… Xung đột đã đẩy người dân đến cảnh khốn cùng, sống không có nhà, thiếu nước, thiếu thức ăn và đối mặt với bệnh dịch bùng phát… Tình hình tại các trại lánh nạn của LHQ ở dải Gaza cũng thảm thương không kém và những nơi này cũng không còn là nơi trú ẩn cho người dân vô tội trước “sự tàn khốc của súng đạn”.

Và những cái chết “không thể chấp nhận được”

Nhắc đến những gì đang xảy ra ở dải Gaza, Trưởng đại diện cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA) cho biết, ông không thể ngờ rằng, trong xã hội văn minh mà vẫn còn có những con người phải chịu cảnh sống khổ cực, tồi tệ đến vậy. Còn ông Gunness, phát ngôn viên của UNRWA đã phải bật khóc khi chia sẻ thông tin trên kênh Al-Jazeera. Ông Chris Gunness nói: “Quyền của người Palestine và thậm chí là của con cái họ đã bị phủ nhận hoàn toàn. Điều này thật kinh khủng”. Riêng việc quân đội Israel đánh bom vào một trường học ở dải Gaza làm 17 người thiệt mạng và 90 người khác bị thương, theo các quan chức LHQ, Mỹ và cộng đồng quốc tế, đây là chuyện không thể chấp nhận được. Trong một tuyên bố đưa ra hồi cuối tháng 7, Ủy viên UNRWA Pierre Kranhenbuhl còn khẳng định: “Đây là một nỗi sỉ nhục lớn, là sự xấu hổ của toàn thế giới. Cao ủy nhân quyền của LHQ Navi Pillay còn chỉ trích gay gắt Israel và cho rằng, nước này đang cố tình coi thường luật pháp quốc tế trong các cuộc xung đột ở dải Gaza…

Theo các nhà phân tích, thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo 72 giờ giữa Israel và Hamas là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của các cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết vấn đề ở dải Gaza. Tuy nhiên, nó vẫn còn thiếu sự thực tế và thiện chí từ các bên. Chính hai yếu tố này sẽ khiến cho thỏa thuận này khó mà được thực hiện nghiêm hoặc có thể hoán đổi thành một thỏa thuận lâu dài hơn. Nói thế là bởi lẽ bất chấp những chỉ trích của LHQ và cộng đồng quốc tế, Israel vẫn tuyên bố chỉ ngừng bắn khi nào phá hủy hoàn toàn các đường hầm do Palestine mà cụ thể là phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas xây dựng xuyên biên giới. Và ngay trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Mỹ đã phải liên tục hối thúc các bên “kiềm chế” nhưng cuối cùng vẫn xảy ra vụ tấn công bằng xe tăng làm 4 người Palestine thiệt mạng

Ngọc Khuê (Theo AP & Reuters, BBC)
.
.
.