Sau vụ đánh bom khủng bố ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ:

Cận kề nguy cơ chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ-Syria

Thứ Ba, 14/05/2013, 11:19
Căng thẳng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đang có nguy cơ trở thành chiến tranh sau khi chính quyền Ankara đổ lỗi cho Damascus về vụ đánh bom xe ở thị trấn Reyhanli làm 46 người thiệt mạng và 140 người bị thương. Thậm chí, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Almet Davutoglu còn kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp sức chống lại chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Hôm 12/5, trước những lời cáo buộc vô căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zohbi đã tổ chức họp báo và khẳng định, chính quyền Damascus không liên quan đến vụ đánh bom ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và cũng không có ý định hay khả năng để theo đuổi những vụ tấn công vô cớ nhằm vào các quốc gia láng giềng.

Lập luận của ông Omran al-Zohbi là chính quyền Ankara cần phải tổ chức một cuộc điều tra cặn kẽ về vụ việc và không nên đưa ra những lời cáo buộc vô căn cứ, gây bất hòa trong quan hệ hai nước. Nhưng mọi chuyện sẽ không trở nên phức tạp hơn hay chí ít, một cuộc đấu khẩu giữa Syria-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nổ ra nếu như ông Omran al-Zohbi không thêm câu nói nhằm trả đũa các cáo buộc từ phía Thổ Nhĩ Kỳ khi gọi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan là “kẻ sát nhân cần từ chức”.

Vụ đánh bom ở thị trấn Reyhanli đang có nguy cơ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đến bờ vực chiến tranh.

Theo các nhà phân tích, chính câu nói này đã “đổ thêm dầu vào lửa” và đẩy quan hệ hai quốc gia láng giềng này đến bên bờ vực của chiến tranh. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu tuyên bố, đã tới lúc cộng đồng quốc tế có hành động chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad và rằng những ai vì bất kỳ lý do nào gây ra sự hỗn loạn ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu sự trừng phạt thích đáng.

Hiện, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai thêm nhiều binh sĩ tới khu vực biên giới với Syria. Đồng thời, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt giữ 9 nghi can trong vụ đánh bom, trong đó có kẻ được coi là chủ mưu. Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Muammer Guler khẳng định, 9 nghi can nói trên đều là công dân Thổ Nhĩ Kỳ, đã bị thẩm vấn và đều thú nhận hành vi liên quan đến khủng bố.

Đến chiều 13/5, dù Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Besir Atalay cho biết, vụ đánh bom không liên quan đến người tị nạn hay lực lượng đối lập ở Syria và các đối tượng tấn công đến từ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, song, Bộ trưởng Nội vụ Muammer Guler vẫn khẳng định, cả 9 nghi can này có quan hệ với một nhóm vũ trang ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và từng liên lạc với cơ quan tình báo Syria al-Mukhabarat.

Theo nhận định của giới phân tích, vụ đánh bom ở thị trấn Reyhanli không chỉ khiến cho mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Syria rơi xuống vực sâu, mà còn đẩy quốc gia này đến nguy cơ bất ổn. Ghi nhận của phóng viên hãng Reuters cho hay, chiều 12/5, hàng ngàn người biểu tình đã đổ xuống đường phố thành phố Antakya, thủ phủ tỉnh Hayta để bày tỏ sự phản đối trước chính sách thù địch của Ankara với chính quyền Damascus.

Những người này còn cho rằng, vụ đánh bom làm 46 người thiệt mạng là do lỗi của chính quyền Ankara và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn chìm sâu trong bạo lực nếu chính sách thù địch này vẫn tiếp diễn. Cảnh sát đã được huy động và tăng cường tuần tra tại khu vực thị trấn này.

Các binh sĩ trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng được điều chuyển tới một số thị trấn của tỉnh Hayta bởi mối lo đụng độ giữa những người Thổ Nhĩ Kỳ quá khích và những người chống đối chính sách thù địch Syria của chính quyền Ankara.

Trong khi đó, đáp trả lời kêu gọi lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad của Ankara, người đứng đầu Liên đoàn Arab Nabil al-Arabi khẳng định, các nước Arab ủng hộ việc thành lập một chính phủ quá độ ở Syria với đầy đủ quyền lực theo một thỏa thuận đạt được giữa chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và lực lượng đối lập.

Quan điểm của ông Nabil  al-Arabi là một hội nghị quốc tế ở Geneva (Thụy Sĩ) theo đề xuất của Nga-Mỹ để các bên giao tranh ở Syria có thể cùng nhau thành lập một chính phủ quá độ và chấm dứt cảnh đổ máu là điều cần thiết trong bối cảnh bạo lực leo thang ở quốc gia Trung cận Đông này. Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, kể từ tháng 3 năm 2011 đến nay, ít nhất 82.000 người thiệt mạng và 12.500 người khác mất tích trong cuộc nội chiến ở Syria.

Trong tổng số khoảng 82.000 người thiệt mạng có 4.778 trẻ em, 12.916 tay súng lực lượng nổi dậy, 16.729 binh sĩ trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad, còn lại là thường dân. Trước đó, theo thống kê của Liên hợp quốc, hơn 70.000 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra

Gia Nam
.
.
.