Các nước tháo chạy khỏi Libya

Thứ Sáu, 01/08/2014, 08:17
Ngày 31/7, tức 3 ngày sau khi kho chứa gần 6 triệu lít dầu ở Tripoli bị trúng tên lửa và bốc cháy, bầu trời thủ đô Libya vẫn bị bao phủ bởi một màn mây đen dầy đặc. Trong khi đó, các cuộc giao tranh giữa lực lượng phiến quân và quân đội chính phủ vẫn tiếp diễn với cường độ mạnh và dữ dội hơn. Sự gia tăng bất ổn ở quốc gia Bắc Phi đã tạo nên một làn sóng tháo chạy lớn thứ hai kể từ năm 2011 đến nay.

Bước tiến của phiến quân

Theo tin từ đài truyền hình Al-Jeeza, sau khi giành được quyền kiểm soát ở phía Nam thủ đô Tripoli, làm mưa làm gió ở thành phố này khiến chính phủ bị xáo động, lực lượng phiến quân Hồi giáo Ansar al-Sharia có quan hệ chặt chẽ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã mở rộng phạm vi chiếm đóng bằng các cuộc giao tranh mới ở thành phố miền Đông Benghazi.

Hôm 30/7, tức một ngày sau khi tấn công căn cứ đặc công của Libya ở thành phố này, nhóm Ansar al-Sharia đã tuyên bố giành được quyền kiểm soát toàn bộ thành phố. Chưa hết, đại diện của nhóm Ansar al-Sharia còn khẳng định, các thành viên của nhóm sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc đột kích khác bằng rocket để từng bước thâu tóm toàn bộ Libya. Kênh truyền hình Al Arabiya của Arab Saudi còn dẫn lời một thủ lĩnh cấp cao của Ansar al-Sharia cho biết, nhóm này sẽ không thực hiện theo lệnh ngừng bắn đã được các tay súng ở Tripoli thỏa thuận với chính phủ Libya.

Theo giải thích của thủ lĩnh này thì lệnh ngừng bắn chỉ có hiệu lực trong 24h với mục đích chính là cho phép các lực lượng cứu hỏa khống chế đám cháy đang bùng phát dữ dội tại một kho chứa 6 triệu lít dầu ở sân bay quốc tế Tripoli.

Trong khi đó, tại thủ đô Tripoli, bầu trời bị bao phủ bởi những đám mây đen kịt được hình thành do khói bốc lên tại khu vực kho chứa dầu. Chính phủ Libya đã phải kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế và kêu gọi người dân sơ tán khỏi các khu vực trong phạm vi bán kính 5km tính từ sân bay này.

Theo Bộ Y tế Libya, các cuộc giao tranh ác liệt trong gần 1 tuần qua đã khiến gần 100 người thiệt mạng và hơn 400 người khác bị thương. Mọi hoạt động ở thủ đô Tripoli đã bị tê liệt hoàn toàn. Tình trạng khan hiếm nước sạch, mất điện và bệnh dịch hạch đang đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của người dân. Hãng AP thì miêu tả, Libya đang chứng kiến bạo lực đẫm máu nhất kể từ khi nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi bị lật đổ hồi năm 2011 đến nay.

Và trong khi chính phủ dường như bất lực tại các khu vực xảy ra giao tranh thì người dân nước này một lần nữa lại phải tự cứu mình bằng cách rời bỏ nhà cửa, tháo chạy sang nước láng giềng hoặc những khu vực an toàn hơn. Các con số thống kê cho thấy, chỉ tính riêng trong nửa cuối tháng 7, số người Libya sơ tán vào Tunisia đã lên tới 6.000 người khiến nước này đang tính đến khả năng phải đóng cửa biên giới.

Libya đang chứng kiến bạo lực đẫm máu nhất kể từ khi nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi bị lật đổ hồi năm 2011.

Và sự tháo chạy của phương Tây

Song song với làn sóng di cư của người dân Libya là cuộc tháo chạy của các nước phương Tây. Hôm 30/7, giới chức Pháp cho biết nước này đã sơ tán gần 50 công dân Pháp và Anh khỏi Libya bằng tàu thủy. Cũng giống như Mỹ và Bồ Đào Nha, Pháp đã quyết định đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao tại Libya và đề nghị những công dân Pháp khác đang còn ở quốc gia Bắc Phi này nhanh chóng về nước. Theo hãng Reuters, từ ngày 27/7, nhiều nước phương Tây như Anh, Đức, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Thổ  Nhĩ Kỳ và Mỹ đã ra cảnh báo công dân của họ rời Libya. Trong khi đó, CH Czech, Malta, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy thì khuyến cáo công dân không nên đến Libya. Riêng Thụy Điển còn hối thúc công dân rời khỏi thành phố Benghazi. Một số quốc gia khác ở châu Á cũng có những động thái tương tự.

Trước tình hình đó, chính phủ Libya đã cảnh báo nguy cơ đất nước sẽ bị sụp đổ hoàn toàn nếu các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn không dừng. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng lên án tình hình này là “không thể chấp nhận được”, đồng thời nhấn mạnh rằng, không thể dùng bạo lực để đạt các mục đích chính trị

Phan Hiển (tổng hợp)
.
.
.