Bước ngoặt đầy biến động của châu Á năm 2013

Thứ Sáu, 04/01/2013, 19:28
Châu Á đang có những thay đổi lớn cả mặt tích cực lẫn tiêu cực thời gian qua và năm 2013 được xem là năm bản lề cho những thay đổi này.

Đầu tiên là những thay đổi lãnh đạo gần như đồng thời diễn ra ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và trước đó là Myanmar, Thái Lan đã mang lại cho khu vực kinh tế đầy năng động một khởi đầu mới sau giai đoạn đầy căng thẳng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều cường quốc như Mỹ, Nga, EU, Ấn Độ đang đẩy mạnh thực hiện chính sách hướng Đông, xem châu Á – Thái Bình Dương là đối tác quan trọng số 1 cả về kinh tế, khoa học, chính trị…

Những thành tựu tích cực

Chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản thuộc Đại học Ngoại giao Bắc Kinh, Zhou Weihong nói: "Các mối quan hệ nói chung sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Có khả năng sẽ có nhiều cơ hội cho sự hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc".

Theo ông Zhou, Bắc Kinh, Tokyo và Seoul có thể dễ dàng hợp tác với nhau hơn nếu tân lãnh đạo Hàn Quốc chấp nhận chính sách khoan dung hơn với CHDCND Triều Tiên. Giáo sư danh dự Masao Okonogi thuộc Trường Đại học Keio ở Tokyo, Nhật Bản thì bày tỏ rằng, chắc chắn năm 2013 sẽ là một năm bận rộn. Ông Okonogi nói: "Hoạt động ngoại giao ở Đông Á thậm chí sẽ trở nên sôi nổi hơn".

CHDCND Triều Tiên phóng thành công tên lửa.

Cùng với những thay đổi trên chính trường, châu Á trong năm qua đã đạt được những thành tựu lớn trong phát triển kinh tế, với mức tăng trưởng ổn định, mặc cho hai đầu tầu kinh tế Mỹ và EU rơi vào khủng hoảng. Ngoài ra, những đột phá về khoa học công nghệ, quân sự trên biển, trên không và vũ trụ đã nâng tầm nhiều quốc gia châu Á. Trung Quốc đã trở thành 1 trong 10 quốc gia sở hữu hạm đội tàu sân bay. CHDCND Triều Tiên ngang nhiên gia nhập câu lạc bộ các cường quốc vũ trụ. Lần đầu tiên một quốc gia châu Á là Trung Quốc nghiên cứu thử nghiệm thành công chiến đấu cơ thế hệ thứ 5.

Và những quan ngại

Trên đây là những biểu tượng thành công của năm 2012, những sự kiện đáng lưu ý của năm 2012 không chỉ riêng đối với châu Á. Đài “Tiếng nói nước Nga” nhận định, tàu sân bay Trung Quốc giống một biểu tượng nhiều hơn là vũ khí quân sự thực tế. Chuyên gia Viện viễn Đông Pavel Kamennov cho rằng, hàng không mẫu hạm là một nỗ lực nữa của Trung Quốc nhằm khẳng định vai trò cường quốc toàn cầu. Đến năm 2015, Trung Quốc có kế hoạch hạ thủy tới 4 tàu sân bay động cơ thông thường và tàu sân bay hạt nhân vào năm 2020.

Tàu sân bay Trung Quốc chưa hề thực hiện chuyến đi dài, nhưng đã làm dấy lên sự lo ngại của không ít quốc gia châu Á. Các nước láng giềng nhìn nhận đây là một phương tiện đòn bẩy của Trung Quốc, công cụ gây sức ép trong trường hợp căng thẳng tình hình tại khu vực.

Các mối quan ngại ngày càng hiện rõ sau khi Trung Quốc tiến hành thử nghiệm chiến đấu cơ thế hệ năm đầu tiên J-31. Máy bay đã cất cánh lần đầu tại tỉnh Liêu Ninh, phía Đông Bắc Trung Quốc, trong bối cảnh mâu thuẫn ngày càng tăng với Nhật Bản. Với chuyến bay đầu tiên của J-31, Bắc Kinh muốn khẳng định lập trường cứng rắn trong các tranh chấp lãnh thổ với Tokyo. Trước đó, vì vấn đề biển đảo, những cuộc biểu tình lớn chưa từng có diễn ra ở cả hai nước gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Tàu sân bay của Trung Quốc.

Ngay trong năm đầu lên nắm quyền, nhà lãnh đạo trẻ CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã thực hiện lời hứa của cha là Kim Jong -Il bằng vụ phóng tên lửa thành công vào ngày 12/12 vừa qua. Bằng việc làm như vậy, CHDCND Triều Tiên đã vi phạm lệnh cấm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về khai thác công nghệ tên lửa đạn đạo, trở thành một thách thức lớn đối với chính quyền vốn cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân trong năm 2012. Không dừng lại ở đó, ông Kim Jong-un còn tuyên bố, khả năng thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa như trên vào năm 2013.

Tàu sân bay, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Trung Quốc và vệ tinh Triều Tiên buộc thế giới nhìn nhận lại các nước trong khu vực, cũng như xu hướng tăng cường củng cố an ninh của các nước, bất chấp có thể gây thêm căng thẳng trong quan hệ láng giềng. Tiêu biểu cho việc làm này là Nhật, Hàn ngày càng thắt chặt hơn với đồng minh Mỹ, các nước ASEAN tăng cường liên kết nội khối cũng như đa phương hóa trong hợp tác khoa học, kỹ thuật, quân sự. Ngọn lửa ở châu Á đã được nhen lên và đang nóng dần

Văn Nguyễn
.
.
.