'Bước chuyển lịch sử' trong quan hệ Mỹ - Nhật

Thứ Tư, 29/04/2015, 09:37
Đó là lời miêu tả của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dành cho thỏa thuận quan trọng về định hướng mới trong hợp tác quốc phòng song phương giữa Washington và Tokyo được công bố vào sáng 28/4 (giờ địa phương), sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại New York.

Theo hãng tin Reuters, đây được coi là tâm điểm trong chuyến thăm Mỹ kéo dài 7 ngày (từ 26/4 đến 3/5) của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Đó là lời miêu tả của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dành cho thỏa thuận quan trọng về định hướng mới trong hợp tác quốc phòng song phương giữa Washington và Tokyo được công bố vào sáng 28/4 (giờ địa phương), sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại New York. Theo hãng tin Reuters, đây được coi là tâm điểm trong chuyến thăm Mỹ kéo dài 7 ngày (từ 26/4 đến 3/5) của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Mỹ sẽ bảo vệ đồng minh bằng mọi giá

Định hướng hợp tác quốc phòng mới giữa Washington với Tokyo phản ánh nguyện vọng của Nhật Bản muốn đóng vai trò quốc tế lớn hơn, trong đó có cả vai trò quân sự, sau khi quốc gia này hồi năm ngoái đã diễn giải lại bản Hiến pháp sau chiến tranh thế giới lần thứ hai để được quyền thực thi “quyền phòng vệ tập thể”.

Định hướng hợp tác quốc phòng sửa đổi so với văn bản năm 1997 sẽ tạo điều kiện cho Nhật Bản mở rộng hợp tác quân sự ra phạm vi toàn cầu, từ việc thiết lập các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo, chống chiến tranh mạng, chiến tranh vũ trụ, cho tới bảo đảm an ninh hàng hải. Đặc biệt, Nhật Bản sẽ có thể bảo vệ các nước khác trong đó có Mỹ nếu những nước này bị tấn công.

Bên cạnh đó, Mỹ và Nhật sẽ phối hợp với nhau thông qua một cơ chế mới, gắn kết Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng của Mỹ với Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản, cũng như quân đội Mỹ với lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Theo nhận định của giới chuyên gia, với các định hướng hợp tác quốc phòng mới này, Mỹ và Nhật Bản có thể cũng sẽ gia tăng phối hợp trong các hoạt động bảo đảm an ninh của cả khu vực Biển Đông, trong đó có việc cùng tiến hành các hoạt động tuần tra chung.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, việc phê chuẩn các định hướng mới đánh dấu một bước tiến quan trọng trong giai đoạn tiếp theo của chính sách tái cân bằng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Từ trái qua phải: Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Ngoại trưởng Nhật Bản, Ngoại trưởng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại cuộc hội đàm ngày 27/4.

Trong khi khẳng định thỏa thuận hợp tác quốc phòng vừa đạt được không nhằm cụ thể vào Trung Quốc, ông Carter cảnh báo các hành động của Bắc Kinh sẽ dẫn tới nhiều hậu quả. Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nhận định môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản ngày càng trở nên phức tạp và thỏa thuận vừa đạt được phản ánh sự đoàn kết và mở rộng hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo chung ngày 27/4 sau khi cùng Bộ trưởng Ashton Carter hội đàm tại New York với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani, Ngoại trưởng John Kerry tái khẳng định các cam kết mạnh mẽ của Washington trong Hiệp ước Hợp tác và An ninh ký với Tokyo, trong đó bao quát tất cả những vùng lãnh thổ thuộc quyền quản lý hành chính của Nhật Bản, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (mà Trung Quốc đang đòi hỏi chủ quyền) ở vùng biển Hoa Đông.

Ngoại trưởng Mỹ cũng mạnh mẽ lên tiếng bác bỏ mọi ý nghĩ cho rằng tự do hàng hải và tự do hàng không là những đặc quyền mà các nước lớn ban phát cho các nước nhỏ hơn. Ông Kerry còn nhấn mạnh, trong chiến lược an ninh quốc gia 2015, Mỹ tiếp tục cam kết bảo vệ Nhật Bản bằng mọi khả năng quân sự, bao gồm cả vũ khí thông thường và thậm chí là cả vũ khí hạt nhân.

Trân trọng chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản

Có thể dễ dàng thấy sự trân trọng này qua sự kiện ngày 29/4 khi lần đầu tiên trong 63 năm tồn tại của Liên minh Mỹ - Nhật, một nhà lãnh đạo Nhật Bản được trao vinh dự cao quý phát biểu trong cuộc họp của lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Sự kiện này còn cho thấy uy tín của Thủ tướng Abe cũng như cảm tình của Chính phủ và nhân dân Mỹ dành cho Thủ tướng Abe, và liên minh Nhật - Mỹ đang ngày càng trở thành quan hệ đối tác bình đẳng và ổn định hơn.

Rõ ràng, thông qua đó, chính quyền Washington đã thể hiện sự trân trọng thực sự trước những giá trị và tầm nhìn mà hai nước đang cùng chia sẻ. Bình luận về sự kiện này, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn an ninh Nhật Bản Yuriko Koike cho biết: Những cam kết của Thủ tướng Abe về việc duy trì những quy tắc và định chế của trật tự thế giới sau năm 1945, vốn từng giúp Nhật vượt ra khỏi đống đổ nát của Thế chiến II và cho phép Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, đã mang lại cho nước Mỹ một lý do khác để tôn vinh ông (Thủ tướng Abe).

Bà Koike đồng thời nhấn mạnh, Thủ tướng Nhật Bản đến Mỹ vào thời điểm lợi ích song phương Mỹ - Nhật trở nên rõ ràng hơn. Hai nước đang tìm một giải pháp tối ưu về hòa bình cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Giải pháp này một mặt để cho Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng kinh tế, mặt khác sẽ ngăn cản bất kỳ quốc gia nào có tham vọng bá chủ khu vực và thế giới.

Trong khi đó, truyền thông Nhật Bản cũng đã vào cuộc. Tạp chí The Diplomat ghi nhận trong chuyến công du này, sự kiện nổi bật trong ngày 29/4 là ông Shinzo Abe sẽ là Thủ tướng Nhật hiếm hoi tham gia phiên họp chung với Quốc hội Mỹ. Còn tờ Nippon thì nhận định, bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ là cơ hội tốt để ông giãi bày về các vấn đề lịch sử đã che mờ quan hệ giữa Nhật với các nước Đông Bắc Á.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.