Bóng đen bạo lực đe dọa bầu cử ở Pakistan

Thứ Bảy, 11/05/2013, 09:52
Ngày 10/5, hơn 600.000 nhân viên an ninh Pakistan đã được triển khai tại một loạt tỉnh, thành để bảo vệ 500.000 hòm phiếu và đảm bảo an toàn cho cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 11/5. Trong khi đó, tàn quân Taliban tại Pakistan tiếp tục đe dọa sẽ tổ chức các vụ đánh bom cảm tử nhằm vào các điểm bầu cử để phá vỡ hệ thống chính trị của quốc gia Nam Á này.
>> Con trai cựu thủ tướng Pakistan bị bắt cóc trước tổng tuyển cử

Nhằm gây hoang mang dư luận và khiến cử tri lo sợ, hôm 9/5, tàn quân Taliban đã tuyên bố kế hoạch đánh bom liều chết ở thủ đô Islamabad và một số thành phố lớn của Pakistan. Trong lá thư gửi tới trụ sở hãng thông tấn Reuters, thủ lĩnh Taliban tại Pakistan Hakimullah Mehsud hé lộ rằng, có ít nhất 4 kế hoạch đánh bom khác nhau ở Pakistan. Đó là chưa kể đến hàng loạt vụ tấn công khác nhằm vào các ứng viên tham gia tranh cử hoặc lãnh đạo các đảng phái chính trị.

Chỉ tính riêng trong hai ngày vừa qua, ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 15 người khác bị thương trong các vụ tấn công ở Miran Shah, thị trấn ở phía Tây Bắc Pakistan. Chưa hết, các tay súng Taliban còn tiến hành nhiều cuộc tấn công vào một số đảng phái, trong đó có đảng Dân tộc Awami (ANP) ở tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa.

Nếu tính từ tháng 4 đến nay, tàn quân Taliban đã sát hại 130 người trong các vụ tấn công vào trụ sở đảng hoặc tiến hành ám sát các ứng cử viên. Đáng chú ý là mục tiêu săn đuổi lần này của Taliban lại là các ứng viên đến từ 3 đảng thuộc liên minh cầm quyền hoặc những ứng viên thuộc các đảng ôn hòa, có tư duy cởi mở. Ngay cả con trai của cựu Thủ tướng Yusuf Raza Gilani, anh Ali Haider Gilani cũng bị bắt cóc hôm 9/5 khi đang vận động tranh cử ở ngoại ô Multan cho vị trí ủy viên hội đồng của tỉnh Punjab.

An ninh được tăng cường tối đa trong ngày tổng tuyển cử ở Pakistan. Ảnh: AP.

Trước đó hai ngày, một vụ đánh bom liều chết nhằm vào một ứng viên tranh cử hội đồng tỉnh Khyber Pakhtunkhwa đã xảy ra ở thị trấn Hangu, điểm nóng bạo lực giữa các tín đồ Hồi giáo dòng Sunni và Shiites. Còn tại tỉnh miền Nam Karachi, ứng viên ANP chống Taliban cùng con trai đã bị một nhóm tay súng bắn chết ngay tại chỗ…

Báo cáo từ cảnh sát Pakistan cho thấy, ngoài các ứng viên của liên minh cầm quyền do đảng Nhân dân Pakistan (PPP) đứng đầu, dường như Taliban đang cố tình ngăn chặn hoạt động tham gia tranh cử của các ứng viên người thiểu số, đặc biệt là các ứng viên của Phong trào cấp tiến Kito giáo. Vì thế, 48 tiếng đồng hồ trước khi cuộc bầu cử bắt đầu, một số chính trị gia của Phong trào cấp tiến Kito giáo đã xin rút khỏi cuộc đua.

Trước đó, cũng có nhiều ứng viên than phiền về việc chính phủ lâm thời không đảm bảo được cuộc bầu cử diễn ra trong hòa bình và thậm chí ứng viên Saleem Khurshid Khokhar thuộc Hội đồng Sindh đã phải bỏ trốn sau khi thoát khỏi vụ ám sát hồi cuối tháng 4. Vì thế, trong ngày 9/5, ngày cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử, Chủ tịch đảng PPP Bilawal Bhutto Zardari đã không xuất hiện trong bất kỳ một sự kiện nào mà chỉ phát biểu qua tin nhắn và các đoạn băng ghi hình. Nhiều lãnh đạo các đảng phái khác cũng tránh ra ngoài hoặc đến chỗ đông người để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân.

Theo các nhà phân tích, trong cuộc tổng tuyển cử lần này, dù có rất nhiều đảng phái tham gia, song cuộc cạnh tranh chính vẫn là giữa PPP và Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif. Cả hai đảng này đều là những chính đảng nòng cốt, trong đó PPP có các cơ sở vững chắc tại tỉnh Sindh và PML-N có các thành trì tại Punjap.

Những nhân tố quan trọng khác trong cuộc tranh cử là các tổ chức như Tehrik-e-Insaaf, ANP, Phong trào Muttahida Qaumi (MQM). Kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử cho thấy, lần này, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif đang là ứng cử viên “nặng ký” cho vị trí Thủ tướng. Nguyên do là vì PML-N của ông Nawaz Sharif đã tập trung vào một loạt công việc mà PPP cầm quyền chưa làm được trong 5 năm của nhiệm kỳ qua, từ tình trạng mất điện liên miên đến sự nghèo đói, nạn thất nghiệp. Hơn nữa, dường như người dân Pakistan cũng quá chán nản với những bê bối liên tiếp diễn ra dưới thời chính quyền cũ.

Một điểm nữa cũng khiến nhiều người quan tâm là việc PML-N không bị Taliban quấy phá nhiều. Các con số thống kê của cảnh sát Pakistan cho thấy, Taliban có vẻ như không tổ chức các cuộc tấn công vào đảng này. Nguyên do được cho là vì ông Nawaz Sharif chủ trương xem xét lại sự ủng hộ của chính quyền Islambad với cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan của Mỹ và gợi ý về việc đàm phán hòa bình với Taliban. Thế nhưng, cũng khó có thể đoán được điều gì sẽ xảy ra ở Pakistan nếu như cuộc tổng tuyển cử tại nước này vẫn bị nhuốm màu bạo lực như thời gian vừa qua

Phan Hiển
.
.
.