Biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ, gần 1.000 người bị bắt

Thứ Hai, 03/06/2013, 17:26
Ngày 2/6, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Muammer Guler cho biết, tổng cộng 939 người đã bị bắt giữ và 79 người khác bị thương vào 2 ngày thứ Sáu (31/5) và thứ Bảy (1/6) trong vụ biểu tình ở thủ đô Estanbul phản đối việc phá hủy Công viên trung tâm Gezi dọc Quảng trường Taksim để xây dựng khu thương mại.

Theo Bộ Nội Vụ Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Istanbul đang lên kế hoạch xây dựng một trung tâm thương mại và giải trí tại đúng vị trí công viên Gezi - một trong số ít những "hòn đảo xanh" của thành phố. Việc làm này đã làm bùng phát sự phẫn nộ của người dân Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đến cuộc biểu tình rầm rộ tại thành phố Istanbul trong ngày 1/6, từ đó kích ngòi cho trên 90 cuộc biểu tình khác tại 48 trong số 81 tỉnh ở nước này.

Người biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ cho phá Công viên Gezi đã nhanh chóng trở thành cuộc biểu tình chống chính phủ. Có khoảng 200.000 người biểu tình khắp Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 1/6, phản đối các chính sách của chính phủ và yêu cầu Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan từ chức.

Vào đêm 1/6 tại Istanbul, khoảng 5.000 người biểu tình đã sử dụng gạch đá tấn công vào văn phòng của Thủ tướng Erdogan. Đáp lại hành động này, cảnh sát đã phải sử dụng đến vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông. Kết quả, 26 cảnh sát và 53 người biểu tình bị thương.

Cảnh sát đã phải dung đến vòi rồng và hơi cay để sơ tán đám đông.

Về phần mình, ông Erdogan - người gốc Istanbul và từng làm thị trưởng thành phố này trong giai đoạn 1994 - 1998, tuy thừa nhận lực lượng cảnh sát đã sử dụng quá nhiều hơi cay để đàn áp cuộc biểu tình nhưng cũng nhấn mạnh rằng, sẽ không tha thứ cho những ai đã châm ngòi cho tình trạng bất ổn này. Thêm vào đó, ông cũng đưa ra cáo buộc đối với phe đối lập là người đứng đằng sau “giật dây” cho cuộc biểu tình này.

Đây được xem là một trong các cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan lần đầu tiên lên nắm chính quyền năm 2002, qua đó bộc lộ sự bất mãn ngày càng tăng đối với chương trình hoạt động của một chính phủ ngày càng bảo thủ và độc tài.

Liên minh châu Âu EU, Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) bày tỏ lo ngại về phản ứng của người biểu tình đối với chính phủ. Trong khi đó, một số hãng nổi tiếng đã lên kế hoạch cho việc mở gian hàng trưng bày sản phẩm của mình tại trung tâm thương mại dự kiến sẽ được xây dựng tại vị trí Công viên Gezi

Hà Khổng (theo Ria)
.
.
.