Bí mật về thế giới máy bay tấn công không người lái của Hải quân Mỹ

Thứ Ba, 10/12/2013, 13:29
Hôm 6/12, không quân Mỹ đã bất ngờ tiết lộ bí mật về chương trình thử nghiệm loại máy bay tấn công không người lái (UAV) cỡ lớn có tên gọi RQ-180. Đây được coi là loại UAV siêu việt nhất hiện nay bởi hiệu quả tấn công và khả năng tàng hình với tổng trị giá khoảng 2 tỷ USD.
Như vậy, cùng với các loại UAV hiện đại khác như MQM-107E, BQM-74E, X-47B, MQ-4C Triton và UCLASS… RQ-180 sẽ được bổ sung vào “hạm đội máy bay tàng hình Mỹ” với nhiệm vụ chống khủng bố, tấn công, hỗ trợ công tác cứu hộ và cả điều tra tội phạm.

Chiến binh cho tương lai

Đối với quân đội Mỹ, các UAV đóng vai trò tối quan trọng bởi chúng có thể cung cấp thông tin 24/24h mọi hoạt động trên bầu trời rộng lớn. Mỗi một chiếc máy bay không người lái thuộc phiên chế quân đội Mỹ đều có thể hoạt động liên tục trong ít nhất 17 tiếng đồng hồ, lượn nhiều vòng quanh các khu vực cần chú trọng và gửi về trung tâm những hình ảnh rõ nét nhất, cung cấp dữ liệu cho các chiến dịch tấn công từ bên ngoài, chống khủng bố và truy quét tội phạm. Nhiều giới chức quân sự Mỹ trong các cuộc nói chuyện về tính pháp lý của máy bay không người lái đã khẳng định đây sẽ là những chiến binh ưu việt nhất cho tương lai. Vì thế, dù kinh tế trong nước còn bộn bề khó khăn, ngân sách thiếu hụt nhưng việc nghiên cứu và chế tạo loại UAV hiện đại nhất vẫn luôn được Lầu năm góc đặt lên hàng đầu.

Riêng trong năm 2013, Mỹ đã công bố ít nhất 3 loại máy bay tàng hình thế hệ mới với tính năng vượt trội. Mới đây nhất, vào ngày 6/12, hải quân Mỹ đã trình diễn hệ thống máy bay không người lái XFC được phóng theo phương thẳng đứng từ một thiết bị phóng có tên “Sea Robin” gắn tàu ngầm USS Providence khi nó vẫn đang lặn dưới biển. Sau khi rời tàu thành công, chiếc XFC đã thực hiện một chuyến bay được hải quân Mỹ miêu tả là thành công, kéo dài vài giờ và truyền tín hiệu video trực tuyến về tàu USS Providence, hỗ trợ các tàu chiến và các sỹ quan hải quân trước khi hạ cánh tại Trung tâm thử nghiệm và đánh giá các hệ thống chỉ huy dưới biển của hải quân tại Bahamas.

XFC được phóng theo phương thẳng đứng từ một thiết bị phóng có tên “Sea Robin” gắn tàu ngầm USS Providence.

Chưa hết, lực lượng không quân Mỹ còn tiếp tục hé lộ việc thử nghiệm máy bay không người lái cỡ lớn RQ-180 tại Khu vực 51, nằm trong vùng Nevada vốn được biết đến là căn cứ hoạt động được bảo mật nhất của không quân Mỹ. Điểm nổi bật của chiếc UAV nặng gần 15 tấn này là khó bị phát hiện bằng sóng radar, có khả năng bay cao, xa và trong 24 tiếng đồng hồ liên tiếp. Thiết kế tối tân này cũng kết hợp cả tính năng tàng hình với hiệu quả khí động học vượt trội, cho phép máy bay tăng độ cao và cự ly bay. Lực lượng không quân Mỹ đã chi tới 2 tỷ USD để Công ty Công nghệ quốc phòng và hàng không vũ trụ Northrop Grumman phát triển RQ-180 phục vụ cho các sứ mệnh tình báo, trinh sát và do thám. Hiện Northrop Grumman đang bắt đầu sản xuất hàng loạt loại UAV này và có thể đưa chúng vào phục vụ trong lực lượng không quân sớm nhất là năm 2015.

Đỉnh cao của công nghệ

Tuy nhiên, theo tin từ tạp chí Aviation Week cho hay, RQ-180 chưa phải là loại UAV “xịn” nhất của Hải quân Mỹ. Mà đỉnh cao công nghệ về máy bay không người lái phải là chiếc X-47B cũng do Northrop Grumman chế tạo. Chiếc máy bay không người lái này đã được tạp chí công nghệ Mỹ Popular Mechanics xếp thứ 6 trong danh sách 10 phát kiến công nghệ mang tính đột phá trong năm 2013.

Theo Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Ray Mabus, X-47B sẽ làm thay đổi khả năng tác chiến của các tàu sân bay bởi nó có thiết kế tương tự như máy bay ném bom tàng hình B-2 nhưng có kích cỡ nhỏ hơn, chỉ tương đương một chiếc máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet và có thể cất cánh thành công trên tàu sân bay. Được đặt hàng từ năm 2007, X-47 thiết kế dành cho nhiệm vụ do thám và tiêu diệt các mục tiêu trên bộ. Với chiều dài 11,6m, sải cánh 19m, cao 3,1m, trọng lượng rỗng 6,35 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa 20,2 tấn, nó có thể đạt tốc độ bay cận siêu thanh (gần 1.100 km/h) với trần bay 12.200m và bán kính hoạt động là 4.000km.

Có điều lạ là dù bỏ ra tới gần 4 tỷ USD để chế tạo 2 chiếc UAV loại này song Lầu năm góc lại không hề có kế hoạch phát triển thêm bất kỳ chiếc nào mà dùng công nghệ của X-47B để hoàn thiện loại UAV khác mang tên gọi UCLASS. Tin từ hãng The Aviation cho hay, UCLASS hiện đã được thiết kế với khả năng mang được gần 1.400kg đạn dược, trong đó 1/3 là vũ khí không đối đất, còn lại là bom tấn công trực tiếp liên hợp JDAM 500 pound; chịu được ăn mòn khi hoạt động trên biển và nhận dạng được các radar của kẻ thù. Đặc biệt, UCLASS còn có thể bay khắp mọi nơi và nếu bị bắn hạ sẽ không có phi công nào bị nguy hiểm…

Và sự thật đằng sau những tuyên bố

Cận cảnh chiếc UAV X-47B đang được chuẩn bị để cất cánh từ tàu sân bay.

Cho đến nay, tính năng vượt trội của các UAV đã được quân đội Mỹ sử dụng triệt để, đặc biệt là trong các chiến dịch tìm và diệt thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan hoặc thủ lĩnh các tổ chức khủng bố. Riêng tại khu vực Nam Á, Mỹ thường xuyên cho hai UAV tấn công MQ-1B Predator và MQ-9 Reaper quần thảo trên bầu trời Afghanistan và Pakistan. Những UAV này đều được trang bị các thiết bị tối tân nhất và truyền các hình ảnh dữ liệu rõ nét về trung tâm điều khiển của quân đội Mỹ. Cũng chính vì sự lạm dụng quá mức các UAV này mà quân đội Mỹ đã gây ra nhiều tội ác chiến tranh và hiện đang bị nhiều tổ chức nhân quyền và cả Ủy ban điều tra của Liên hợp quốc đưa ra cáo buộc sát hại dân thường ở Afghanistan, Pakistan và Yemen.

Các dữ liệu do một tổ chức nhân quyền công bố hồi tháng 12 năm ngoái cho hay, trong suốt 5 năm qua, quân Mỹ và Anh đã tiến hành gần 1.200 cuộc không kích bằng máy bay không người lái vào các vị trí ở Afghanistan, Libya, Iraq, Yemen và Pakistan và làm hàng chục người dân vô tội thiệt mạng

Hà Linh
.
.
.