Bí mật mới của trùm buôn lậu hạt nhân chợ đen

Thứ Ba, 17/06/2008, 14:01

Bốn năm sau khi Abdul Qadeer Khan, thủ lĩnh của chợ đen hạt nhân lớn nhất thế giới, bị quản thúc tại gia và đường dây của hắn bị đập tan, các thanh sát viên quốc tế và các quan chức phương Tây đang vật lộn với một bí mật mới mà hắn để lại: Ai đã mua các bản thiết kế một loại vũ khí hạt nhân nhỏ gọn và tinh vi mà người ta tìm thấy trong mạng máy tính của Khan?

Bí mật hoạt động trong hai năm qua, các nhà điều tra đã lần ra được những tài liệu thiết kế được số hóa này trong các các máy tính của Khan ở Thụy Sĩ, Dubai, Malaysia và Thái Lan. Tài liệu này có thể được sao chép nhanh để tạo ra một loại vũ khí hạt nhân tương đối nhỏ, dễ cất giấu - một sức hút tiềm năng đối với bọn khủng bố.

Thông tin về đường dây của Khan có một bản thiết kế bom hạt nhân nhỏ gọn do tờ Washington Post và New York Times tiết lộ vào hôm 16/6, nêu bật những câu hỏi còn bỏ ngỏ về Khan - cha đẻ của chương trình vũ khí hạt nhân Pakistan: Hắn bán gì và bán cho ai? Tiết lộ này cũng làm dấy lên khả năng rằng có thể Khan vẫn nắm những tài liệu nhạy cảm.

Tuy nhiên, khi các nhà điều tra và quan chức tình báo tiếp tục công việc của họ về Khan, các quan chức ở Pakistan đã tuyên bố vụ bê bối này kết thúc và thảo luận khả năng trả tự do cho Khan. Trong những tuần gần đây, các quan chức Mỹ đã cảnh báo riêng với chính phủ mới của Pakistan về nguy cơ nếu làm như vậy.

’’Chúng tôi rất thẳng thắn với họ rằng, phóng thích Khan có thể làm thế giới bất ổn. Vấn đề với Pakistan ngày nay là bạn không bao giờ biết ai đang ra quyết định: Quân đội, các cơ quan tình báo, Tổng thống hay Chính phủ mới’’, một quan chức cấp cao thuộc chính quyền Bush tiết lộ.

Bản thiết kế nhỏ gọn

Đường dây hạt nhân bất hợp pháp do Khan cầm đầu bị phá vỡ vào đầu năm 2004. Lúc đó, Tổng thống Bush đã tuyên bố việc đập tan đường dây này là một cuộc "đảo chính tình báo" lớn đối với Mỹ. Kể từ đó, đã xuất hiện bằng chứng rằng mạng luới này đã bán công nghệ làm giàu uranium cho Iran, CHDCND Triều Tiên và Libya. Các nhà điều tra vẫn đang lần tìm những manh mối về các phi vụ làm ăn của Khan với các nước khác.

Khan là một chuyên gia về máy li tâm - máy được sử dụng để làm giàu uranium. Đa số công nghệ mà hắn bán trên thị trường chợ đen liên quan tới việc làm giàu uranium - nhiên liệu của bom hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, các quan chức tiết lộ rằng, họ đã tìm thấy bản thiết kế bom hạt nhân nhỏ gọn được số hóa trong các tài liệu thu giữ được từ một số trợ lý hàng đầu của Khan - gia đình Tinners ở Thụy Sĩ.

Theo một nhà ngoại giao cấp cao liên quan tới cuộc điều tra này, các nhà điều tra cũng tìm thấy các bản thiết kế tương tự trong máy tính ở ba địa điểm có liên quan tới đường dây của Khan. Quan chức Mỹ và các nhà điều tra thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nói rằng họ không thể xác định được liệu các bản thiết kế vũ khí hạt nhân này có được bán cho Iran hay các khách hàng khác của đường dây buôn lậu này hay không.

Thiết kế bom hạt nhân này rất giống với vũ khí mà Pakistan đã thử nghiệm cách đây một thập kỷ, hai nhà ngoại giao cấp cao tham gia vào cuộc điều tra cho biết. Các quan chức Pakistan đã ngần ngại cung cấp nhiều thông tin về thiết kế đầu đạn hạt nhân mới được tiết lộ, cũng như đã từ chối để CIA hoặc các thanh sát viên hạt nhân quốc tế trực tiếp thẩm vấn Khan. Khan vẫn được coi là anh hùng dân tộc ở Pakistan do đã giúp nước này trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân.

Các quan chức Pakistan khăng khăng rằng Khan, chủ nhiệm của một chương trình làm giàu uranium, không được tiếp cận với vũ khí hạt nhân của Pakistan. Tuy nhiên, đây là bản thiết kế vũ khí hạt nhân thứ hai được tìm thấy trong đường dây buôn lậu của hắn. Bản đầu tiên là thiết kế cồng kềnh song hiệu quả của Trung Quốc từ giữa những năm 1960 mà Libya thừa nhận đã mua của Khan trước khi giao nộp thiết bị sản xuất bom của nước này năm 2003.

Cả bản thiết kế cũ và mới sử dụng nguyên tắc nổ tạo áp - nghĩa là áp lực nổ lớn của một khối thuốc nổ thông thường nén một khối nhiên liệu bom, khơi mào cho phản ứng dây chuyền. Một quan chức hạt nhân nói rằng thiết kế mới giúp tạo ra những quả bom mạnh song có kích thước nhỏ, chỉ sử dụng khoảng 50% nhiên liệu uranium so với thiết kế cũ để tạo ra một lực nổ lớn hơn.

’’Pakistan không thể sử dụng thiết kế của Trung Quốc. Thiết kế này quá lớn. Một đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn được tạo ra theo bản thiết kế mới hiệu quả hơn và dễ cất giấu hơn nhiều’’, điều đó có nghĩa là một ngày nào đó thiết kế này có thể trở thành một ’’vấn đề khủng bố’’, quan chức trên cho biết. Ông này giấu tên vì thông tin trên là thông tin mật.

Theo các chuyên gia hạt nhân, Trung Quốc lần đầu tiên cho nổ bom hạt nhân theo thiết kế cũ vào năm 1966. Pakistan bắn thử phiên bản thu nhỏ vào năm 1998.

Các chuyên gia hạt nhân nói rằng, một đầu đạn hạt nhân được chế tạo theo thiết kế mới đủ nhỏ để lắp lên đỉnh của một nhóm tên lửa đạn đạo tầm trung cùng dòng với loại tên lửa Nodong của CHDCND Triều Tiên. Những tên lửa này bao gồm tên lửa Ghauri của Pakistan và Shahab của Iran. Tất cả chỉ rộng khoảng 1,2m và mọi đầu đạn hạt nhân mà chúng mang theo phải nhỏ hơn.

Trong các cuộc phỏng vấn tại Vienna, Islamabad và Washington, các quan chức nói rằng thiết kế vũ khí hạt nhân nói trên tinh vi hơn rất nhiều so với các bản thiết kế được phát hiện ở Libya năm 2003, khi Đại tá Muammar el-Qaddafi từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước ông. Họ nói rằng bản thiết kế này đã được số hóa nên dễ sao chép và họ không biết bao nhiêu bản sao đang lưu hành.

Hôm 16/6, cố vấn an ninh quốc gia của ông Bush là Stephen Hadley nói rằng chính quyền Bush vẫn lo ngại về khả năng các bản thiết kế nói trên được phổ biến. ’’Chúng tôi rất lo ngại về mạng lưới của A.Q. Khan’’, ông nói.

Lộ tẩy

Sự tồn tại của bản thiết kế bom hạt nhân nhỏ gọn này bắt đầu được tiết lộ trong những tuần gần đây sau khi Thụy Sĩ tuyên bố đã phá hủy một kho tài liệu, kể cả các thiết kế vũ khí hạt nhân, mà cảnh sát tìm thấy trong máy tính của Friedrich Tinner và hai con trai của ông ta - Marco và Urs. Cả ba người đã bị bắt giữ trong cuộc điều tra liên quan tới đường dây buôn lậu hạt nhân của Khan.

Tổng thống Pascal Couchepin của Thụy Sĩ hồi cuối tháng 5 nói rằng Chính phủ nước này đã hủy khoảng 30.000 trang tài liệu dưới sự giám sát của IAEA nhằm ngăn không cho tài liệu hạt nhân ’’lọt vào tay các tổ chức khủng bố hoặc các quốc gia không được ủy quyền’’.

Hai cựu quan chức trong chính quyền Bush nói rằng họ tin gia đình Tinners đã cung cấp thông tin cho CIA trong khi ba cha con vẫn đang làm việc cho Khan. Một số thông tin của họ đã giúp các quan chức Anh và Mỹ chặn được các chuyến hàng chở máy li tâm đang trên đường tới Libya vào năm 2003.

Khi tin tức về vụ bắt chặn này lọt ra ngoài và Libya giao nộp chương trình hạt nhân trị giá 100 triệu USD cho các quan chức Mỹ và IAEA, Tổng thống Musharraf của Pakistan đã buộc Khan ra một tuyên bố thừa nhận mập mờ và sau đó quản thúc ông ta tại nhà. Kể từ đó, Khan đã bác bỏ lời thú nhận này trên các phương tiện truyền thông Pakistan cũng như phương Tây, nói rằng hắn ta chỉ làm việc đó nhằm cứu vãn danh dự cho Pakistan.

Mãi cho tới năm 2005, các quan chức IAEA ở Vienna, cuối cùng đã nắm được thông tin các trong ổ cứng máy tính của Khan mà họ thu giữ ở nhiều nơi trên thế giới. Và khi các nhà điều tra kiểm tra các tệp tài liệu và hình ảnh trong những ổ cứng này, họ phát hiện hàng tấn nhiên liệu - các đơn đặt hàng thiết bị, tên tuổi và địa chỉ nơi mạng lưới của Khan hoạt động, thậm chí cả những bức thư tình.

’’Có tài liệu về phi vụ làm ăn với Iran trong năm 2003, về cách tránh các điệp viên’’, một nhà điều tra cho biết. Tuy nhiên, tài liệu quan trọng nhất là một bản thiết kế bom hạt nhân đã được số hóa - thiết kế mà các nhà điều tra nhanh chóng nhận ra là của Pakistan.

’’Bản thiết kế rõ ràng tới từ Pakistan. Tuy nhiên, Pakistan muốn nói rằng vụ việc Khan đã khép lại và do vậy họ nói rất ít’’, một quan chức cấp cao ở IAEA nói.

Trong các tuyên bố công khai, các quan chức Pakistan quả quyết rằng ’’vụ của Khan’’ giờ đã là quá khứ và họ công khai tuyên bố cách đây gần hai năm rằng các cuộc điều tra của họ đã kết thúc. Một quan chức cấp cao Pakistan nói hồi tháng 4 rằng thông tin do IAEA cung cấp ’’là mơ hồ và không đầy đủ’’. Ông khăng khăng điều đó bởi các phòng thí nghiệm của Khan chuyên về sản xuất thiết bị làm giàu uranium. ’’Ông ta không dính líu tới các bản thiết kế vũ khí hạt nhân’’.

Tuy nhiên, các nhà điều tra IAEA và tình báo Mỹ nói rằng, họ khá chắc chắn Khan là nguồn gốc cung cấp thiết kế bom nói trên. ’’Rõ ràng là một ai đó đã cố hiện đại hóa thiết kế này, cải tiến các thiết bị điện tử. Có những bút tích về các thiết bị điện tử và câu hỏi là ai đang làm việc đó?’’. Các quan chức cho biết nhiều phần của bản thiết kế được mã hóa để chúng có thể nhanh chóng được chuyển sang hệ thống sản xuất tự động hóa

Theo Minh Sơn (Vietnamnet)
.
.
.