Bê bối rò rỉ thông tin gây chấn động Vatican

Thứ Ba, 29/05/2012, 08:56
Sau vụ cách chức Giám đốc Ngân hàng Vatican Ettore Gotti Tedeschi, ngày 28/5, Vatican lại vướng vào một bê bối mới có tên rò rỉ thông tin dẫn đến vụ bắt giữ ông Paolo Gabriele, một nhân vật thân cận của Giáo hoàng Benedict XVI. Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Paolo Gabriele bị tình nghi phát tán các văn kiện bí mật của Vatican.

Giáo hoàng Benedict XVI đã bị bất ngờ khi lực lượng hiến binh của tòa thánh Vatican bắt giữ ông Paolo Gabriele và thu giữ được một số tài liệu mật của tòa thánh mà ông này chưa kịp phát tán. Năm nay 46 tuổi, ông Paolo Gabriele là quản lý trưởng văn phòng Quản gia của Giáo hoàng Benedict XVI từ năm 2006 và là một trong số hiếm hoi những người tiếp xúc trực tiếp với vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo La mã.

Trong số những tài liệu mà lực lượng hiến binh của tòa thánh thu giữ được có nhiều báo cáo mật về tình hình tài chính cũng như những cáo buộc tham nhũng, gian lận của một số lãnh đạo cấp cao trong tòa thánh trong các hợp đồng làm ăn với một số công ty của Italia. 24 tiếng đồng hồ sau khi bị bắt, ông Paolo Gabriele vẫn im lặng và không trả lời bất kỳ một câu hỏi nào từ lực lượng hiến binh. Trong khi đó, một số người từng làm việc với ông Paolo Gabriele vẫn chưa thể tìm được lời giải thích nào cho hành động của ông này. Nhóm điều tra viên thuộc lực lượng hiến binh đang xem xét khả năng ông Paolo Gabriele có đồng phạm hay không.

Tờ La Stampa dẫn lời một quan chức cấp cao của Vatican nhận định, nhiều khả năng, ông Paolo Gabriele làm việc này một mình với mục đích bôi nhọ hình ảnh về tòa thánh. Các kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Paolo Gabriele đã gửi nhiều tài liệu mật của Vatican cho một số tờ báo ở Italia trong đó gồm cả những bức thư mà Giáo hoàng gửi tới giới chức Washington hoặc các vụ làm ăn mờ ám của ngân hàng Vatican. Tuy nhiên, người ta cũng không loại trừ khả năng sẽ còn nhiều cá nhân khác bị bắt giữ nếu ông Paolo Gabriele công bố tên của họ.

Giáo hoàng Benedict XVI được giáo dân chào đón trên Quảng trường St.Peter của tòa thánh Vatican.

Vụ rò rỉ tài liệu ở Vatican được gọi là "Vatileaks” bắt đầu từ tháng 1.  Khi đó, Giáo hoàng Benedict phải thành lập một hội đồng đặc biệt để điều tra các vụ rò rỉ tài liệu liên quan đến công việc nội bộ như thuế khóa, tình hình tài chính..., làm ảnh hưởng đến uy tín của tòa thánh. Ngay sau đó, báo chí Italia vẫn liên tục đăng tải các tài liệu bị rò rỉ, cáo buộc sự quản lý yếu kém của tòa thành Vatican khiến xảy ra nhiều vụ tham nhũng, trốn thuế và rửa tiền.

Một bức thư được cho là do Tổng giám mục Carlo Maria Vigano gửi Giáo hoàng Benedict XVI vào năm 2011 cũng được đăng tải. Trong đó, ông Vigano cầu xin giáo hoàng tha thứ việc dính líu tới một số vụ tham nhũng liên quan tới những hợp đồng tại Vatican. Tiếp đó là những thông tin đáng ngờ của một phóng viên người Italia tên là Gianluigi Nuzzi được đăng tải trong một quyển sách mang tựa đề “Sua Santità” (Đức Cha) với phụ chú “Những tư liệu mật của Benedetto XVI”, trong đó quyển sách đã sao chụp lại rất nhiều tư liệu được bí mật tuồn từ tòa thánh ra ngoài. Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh Giáo hoàng Benedict XVI đang cố gắng cải cách Vatican, đây có thể là một trong những phương cách của phe bảo thủ nhằm phá hoại những nỗ lực cải cách từ Giáo hoàng. Giả thuyết thứ hai được đưa ra là một cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Vatican.

Tòa thành Vatican là một quốc gia có chủ quyền với lãnh thổ bao gồm một vùng đất được xây tường bao kín, nằm trong lòng thành phố Roma, Italia. Với diện tích xấp xỉ 44 ha, đây là quốc gia nhỏ nhất thế giới và được thành lập năm 1929 theo Hiệp ước Latêranô với tư cách là hậu thân của Quốc gia Giáo hoàng, vốn rộng lớn hơn, tồn tại từ năm 756 tới 1870 sau Công Nguyên.

Vì được vị Giám mục Roma (tức Giáo hoàng) điều hành nên tòa thánh Vatican chính thức là một nền quân chủ. Các quan chức cấp cao nhất của nhà nước đều là giáo chức của Giáo hội Công giáo Rôma. Giáo hoàng là nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ của tòa thánh Vatican. Giáo hoàng đồng thời là giám mục Giáo phận Roma, tòa thánh và là nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo Roma. Danh hiệu chính thức của Giáo hoàng tại tòa thánh Vatican là lãnh đạo tối cao của Nhà nước Vatican.

Giáo hoàng là một vị vua không truyền tử, nắm quyền lực tuyệt đối, có nghĩa là quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao đối với tòa thánh Vatican. Giáo hoàng là vị vua chuyên chế duy nhất tại Châu âu. Giáo hoàng được bầu với quyền lực trọn đời bởi Mật nghị Hồng y gồm các Hồng y dưới 80 tuổi. Các quan chức chính phủ chính của Thành Vatican là Hồng y Ngoại giao (ngoại trưởng), Chủ tịch ủy ban Nghi lễ của Nhà nước Vatican, và Chưởng ấn tòa thánh Vatican.

Giáo hoàng hiện tại là Benedict XVI, tên khai sinh là Joseph Ratzinger và là người Đức. Hồng y Tarcisio Bertone của Italia là Ngoại trưởng. Tổng giám mục Italia Giovanni Lajolo vừa là Chủ tịch ủy ban Lễ nghi vừa là Thủ hiến Vatican. Cả Bertone và Lajolo đều được Giáo hoàng Benedict XVI chỉ định vào tháng 9 năm 2006

Phan Hiển
.
.
.