Bê bối của các đời Tổng Giám đốc IMF

Thứ Ba, 21/04/2015, 10:50
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một trong những thể chế tài chính lớn và có ảnh hưởng nhất thế giới đang bị bao phủ bởi một màn đen của các bê bối liên quan đến các đời Tổng Giám đốc. Hôm 17/4, cựu Tổng Giám đốc Rodrigo Rato đã bị bắt giữ với cáo buộc rửa tiền, gian lận.

Trước đó 2 tháng, cựu Tổng Giám đốc Dominique Strauss-Kahn phải hầu tòa với tội danh “Môi giới mại dâm”. Ngay cả đương kim Tổng Giám đốc cũng đang đối mặt với cuộc điều tra tham nhũng của các nhà chức trách Pháp.

Theo tin từ hãng Telegraph, Cơ quan phòng chống rửa tiền (Sepblac) của Tây Ban Nha đang tiến hành điều tra ông Rodrigo Rato liên quan đến hoạt động rửa tiền ở nước ngoài. Thậm chí, để phục vụ cho việc điều tra, lệnh bắt cũng đã được đưa ra đối với ông này và cảnh sát còn tiến hành khám xét nhà riêng tại khu phố Salamanca ở thủ đô Madrid.

Một quan chức cấp cao của Sepbac cho hay, vụ việc bắt nguồn từ chiến dịch chống trốn thuế mà cơ quan này đang thực hiện trên toàn quốc. Đến nay, không chỉ có các cựu quan chức cấp cao, mà nhiều siêu sao bóng đá của nước này cũng đã bị “sờ gáy” vì tội trốn thuế.

Trước mắt, ông Rodrigo Rato sẽ phải trả lời các câu hỏi liên quan đến khối tài sản trị giá ít nhất 27 triệu euro, bao gồm hàng chục công ty và 40% cổ phần tại một khách sạn hạng sang ở thủ đô Berlin của Đức.

Một số tờ báo của Tây Ban Nha thì cho hay, vào năm 2012, cựu Tổng Giám đốc IMF này đã xin được miễn thuế. Điều này là hoàn toàn có thể và hợp pháp ở Tây Ban Nha, song sự vi phạm của ông Rodrigo Rato lại thể hiện ở chỗ ông đã “rửa tiền bẩn” ở nước ngoài trước khi khai thuế, nhất là các tài khoản cá nhân ở Gibraltar và quần đảo Virgin – hai nơi được mệnh danh là “thiên đường trốn thuế”.

Cựu Tổng Giám đốc IMF Rodrigo Rato (ở giữa) đã bị bắt giữ trong 7 tiếng đồng hồ hôm 17/4 rồi được thả sau khi đóng tiền bảo lãnh. (ảnh: Reuters)

Hiện các điều tra viên của Sepblac đã phát hiện ra rằng, ông Rodrigo Rato có tới 78 tài khoản ngân hàng khác nhau. Đáng chú ý là hoạt động trốn thuế của cựu Tổng Giám đốc IMF được cho là thực hiện từ khi ông còn trên cương vị quản lý ở Ngân hàng Bankia.

Thẩm phán Enrique de la Hoz, người phụ trách cuộc điều tra nhằm vào ông Rodrigo Rato cho biết, Sepblac đang nắm các bằng chứng quan trọng về việc trốn thuế hơn 5 triệu euro của 27 công ty mang tên cựu Tổng Giám đốc IMF và người thân trong gia đình. 13 công ty khác thuộc gia đình ông Rodrigo Rato cũng đang bị kiểm tra.

Được biết, trước khi trở thành Tổng Giám đốc IMF, ông Rodrigo Rato từng là Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha từ năm 1996-2004. Năm 2011, ông Rodrigo Rato từng bị cáo buộc sử dụng thẻ tín dụng bí mật và gian lận, giả mạo giấy tờ chứng khoán Ngân hàng Bankia niêm yết trên thị trường…

Như vậy, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm, IMF đã có ít nhất 2 cựu Tổng Giám đốc bị bắt và hầu tòa vì những vi phạm pháp luật. Hồi tháng 2, phiên tòa xét xử cựu Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn đã kéo dài gần 3 tuần với những tranh cãi nảy lửa.

Khi đó, ông Dominique Strauss-Kahn cùng 13 người khác bị cáo buộc tội tham gia vào đường dây gái gọi cao cấp trải dài từ miền Bắc nước Pháp đến thủ đô Brussels (Bỉ), Washington DC (Mỹ) và thành phố New York (Mỹ). Kết quả điều tra cho thấy, cựu Tổng Giám đốc IMF là mắt xích chính trong đường dây mại dâm ở khách sạn Carlton tại Lille.

Ngay cả Dominique Alderweireld, chủ sở hữu hàng loạt nhà chứa ở Bỉ, gần biên giới Pháp và cựu Giám đốc truyền thông của khách sạn Carlton Rene Kojfer cũng đều thực hiện theo các chỉ thị của ông Dominique Strauss-Kahn về việc dắt mối gái mại dâm tới tay các khách hàng giàu có. Thậm chí, một số bữa tiệc sex còn diễn ra tại nhà thuê của ông này.

Bản thân cựu Tổng Giám đốc IMF còn thừa nhận mình thích những cuộc truy hoan, nhưng nói rằng, ông không hay biết những phụ nữ có mặt trong những cuộc tụ tập ở Lille, Brussels, Paris và Washington là gái mại dâm và ông không đứng ra tổ chức những cuộc thác loạn…

Tuy nhiên, với những bằng chứng mà các nhà điều tra thu thập được cùng lời khai của một số gái làng chơi, người ta không loại trừ khả năng ông Dominique Strauss-Kahn phải đối mặt với mức án 10 năm tù giam.

Và “vận đen” về bê bối không chỉ đeo bám các cựu quan chức cấp cao nhất của IMF, mà còn gõ cửa cả nhà của đương kim Tổng Gám đốc Chrisitine Lagarde.

Hồi tháng 8 năm ngoái, tòa án Pháp đã quyết định chính thức điều tra bà Christine Lagarde với cáo buộc “thiếu trách nhiệm” trong một vụ bê bối xảy ra năm 2008, khi bà còn giữ chức Bộ trưởng Tài chính.

Cuộc điều tra này bắt nguồn từ chuyện doanh nhân Bernard Tapie được Chính phủ Pháp bồi thường một cách sai trái với số tiền trị giá hơn 400 triệu euro để dàn xếp vụ tranh chấp giữa doanh nhân này với Ngân hàng quốc doanh Credit Lyonnais.

Chi Anh
.
.
.