Bê bối bằng cấp giả trong Quốc hội Pakistan

Thứ Sáu, 02/07/2010, 09:35
Hàng loạt nghị sĩ Pakistan đang có nguy cơ mất "ghế" vì những cáo buộc dùng bằng giả trong quá trình công tác và phục vụ tại các cơ quan công quyền.

Mọi chuyện bắt nguồn từ một thông tin rằng, có hơn 160 nghị sĩ sử dụng bằng cấp giả, chiếm 10% tổng số nghị sĩ liên bang và địa phương. Nếu đây là sự thật, Pakistan nhiều khả năng sẽ phải tổ chức bầu cử lại ở quy mô lớn.

Hãng AFP ngày 1/7 cho hay, tòa án tối cao Pakistan đã yêu cầu Uỷ ban bầu cử nước này kiểm tra lại hồ sơ cá nhân của 1.100 nghị sĩ. Hiện ít nhất 35 thành viên quốc hội không đệ trình được bằng đại học của họ trong khi bằng cấp của 138 nghị sỹ khác không thể kiểm tra được độ chính xác hay là loại bằng cấp gì.

Nawab Aslam Raisani, một quan chức cấp cao trong tỉnh Baluchistan bày tỏ sự phản đối cuộc điều tra này và nói: "Bằng cấp là chuyện của bằng cấp. Dù đó là thật hay là giả thì nó cũng là bằng cấp. Chẳng có gì khác nhau cả".

Trên thực tế, nhiều tranh cãi đã nổ ra ở Pakistan kể từ năm 2002 khi cựu Tổng thống Pervez Musharraf đưa ra yêu cầu rằng các ứng viên nghị sĩ phải có bằng cử nhân hoặc tương đương. Lý do ông Musharraf đưa ra là để nâng cao năng lực của các nghị sĩ. Song, cũng có nhiều người cho rằng đây chỉ là hình thức nhằm che đậy cho mục đích chính trị là làm xấu đi hình ảnh của phe đối lập lúc bây giờ.

Và nay, theo nhận định của các nhà phân tích chính trị thì việc lãnh đạo đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan PML-M Abid Sher Ali đồng thời là thành viên Uỷ ban giáo dục của Quốc hội đưa ra vấn đề xem xét lại bằng cấp của các nghị sĩ cũng chỉ nhằm mục đích chính trị, đánh vào điểm yếu của đảng Nhân dân Pakistan do Tổng thống Asif Al Zardari đứng đầu.

Bản thân Tổng thống Asif Ali Zardari cũng từng tuyên bố có bằng cử nhân của một trường thương mại tại London (Anh) nhưng cũng không trình ra được bằng cấp hoặc giấy tờ để chứng minh

Phạm Hương
.
.
.