Bầu cử Tổng thống Pháp: Bên tám lạng, bên nửa cân

Thứ Hai, 23/04/2012, 10:15
Ngày 22/4, 44,5 triệu cử tri Pháp đã tham gia bầu chọn Tổng thống mới trong một cuộc bầu cử được cho là ẩn chứa nhiều bất ngờ. Cho đến nay, có tới 10 ứng viên Tổng thống, song các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, chỉ có hai người có thể bước vào vòng 2 của cuộc bầu cử với số phiếu ủng hộ không quá 32% là đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy và ứng cử viên đảng Xã hội Francois Hollande.
>> Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ tái cử?

Kinh tế - điểm yếu của ông Sarkozy

Có thể nói, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đang giống như người đứng đầu Nhà Trắng Barack Obama, bước vào mùa tranh cử Tổng thống với tỷ lệ uy tín thấp nhất chưa từng có. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng những nỗ lực không thành công của ông trong việc vực dậy nền kinh tế già cỗi của nước Pháp đã khiến vị Tổng thống này chẳng có điểm gì nổi bật hơn các ứng viên khác.

Ngay cả trong ngày bầu cử, một số nhà phân tích Pháp cho hay, ông Nicolas Sarkozy vẫn phải "đấu chọi" với 9 thách thức không nhỏ. Đó là chưa kể đến những cuộc mít tinh, biểu tình trên đường phố với các khẩu hiệu cho rằng thời kỳ nắm quyền của ông Sarkozy đã chấm dứt. Người Pháp đang thực sự nghi ngờ, mất lòng tin vào khả năng lãnh đạo của Tổng thống Nicolas Sarkozy...

Cử tri Pháp bỏ phiếu bầu Tổng thống ngày 22/4.

Theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu và nhận thức dư luận Pháp (CECOP), điều khiến cho Tổng thống Pháp mất đi sự ủng hộ của cử tri trong 5 năm cầm quyền chính là do thành tích kinh tế yếu kém của Pháp.  Trước tình hình này, ông Nicolas Sarkozy đã hướng chiến lược tranh cử của mình vào các chủ đề lan man hòng giành được phiếu bầu của những cử tri bình dân và những người theo chủ nghĩa dân tộc.

Chiến lược của đối thủ Hollande

Cho đến tối 21/4, kết quả các cuộc thăm dò dư luận vẫn cho thấy, trong số 10 ứng cử viên, đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy (ứng cử viên của đảng cánh hữu cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) và ứng cử viên đảng cánh tả Xã hội (PS) Francois Hollande là hai ứng cử viên đang dẫn đầu và có nhiều lợi thế hơn so với các ứng cử viên khác. Thế nhưng, nhiều khả năng sẽ chẳng có ứng viên nào giành được 50% phiếu bầu ở vòng 1. Do đó, 2 ứng viên có phiếu bầu cao nhất sẽ bước vào buộc bầu cử vòng 2, dự kiến diễn ra vào ngày 6-5. Hiện tại, ông Nicolas Sarkozy và đối thủ Francois Hollande luôn bám sát nút nhau.

Hiểu về lợi thế của mình trong cuộc bầu cử lần này, ứng cử viên Francois Hollande luôn dùng biện pháp chỉ trích quản lý yếu kém các hoạt động tài chính công ở Pháp của Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Với mục đích thổi "luồng gió mới" cho nước Pháp trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, ông Francois Hollande kêu gọi khôi phục trật tự trong ngành tài chính công của Pháp, kêu gọi châu Âu hành động để thúc đẩy tăng trưởng nhằm đối phó với khủng hoảng;  Cương lĩnh tranh cử đề cập tới việc giảm nợ công của Pháp xuống dưới 3% GDP; giảm tỷ lệ thất nghiệp; tăng mức thuế lên 75% đối với giới thượng lưu kiếm được trên 1,3 triệu USD/năm và rút toàn bộ quân đội Pháp này ra khỏi chiến trường Afghanistan ngay sau khi đắc cử... hình như đã thuyết phục được nhiều cử tri Pháp.

Điều đáng chú ý là càng gần đến ngày bầu cử, tỷ lệ ủng hộ ông Nicolas Sarkozy càng giảm và đẩy nhanh khoảng cách giữa hai ứng viên này. Số phiếu giành cho ứng cử viên còn lại được dự đoán là 14-16% đối với bà Marine Le Pen, 14% đối với ông Mélenchon và 10% đối với ông Francois Bayrou. 5 ứng cử viên còn lại có số phiếu thấp hơn nhiều.

Theo ủy ban bầu cử Pháp, 85.000 điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ châu Âu của Pháp mở cửa từ 8h (giờ địa phương) và sẽ đóng cửa lúc 18h cùng ngày. Tuy nhiên, trên thực tế cuộc bầu cử tổng thống Pháp đã bắt đầu ở các lãnh thổ hải ngoại một ngày trước đó để tránh chênh lệch múi giờ. Các cử tri sẽ chọn Tổng thống mới của Pháp từ 10 ứng cử viên. Nếu không ứng cử viên nào giành được hơn 50% phiếu bầu, 2 ứng cử viên có phiếu bầu cao nhất sẽ bước vào cuộc bầu cử vòng hai, dự kiến diễn ra vào ngày 6/5.

Dù được bỏ phiếu trước, nhưng để đảm bảo tính công bằng và chính xác, kết quả kiểm phiếu ở các địa điểm bỏ phiếu bên ngoài lãnh thổ Pháp sẽ được công bố đúng giờ công bố kết quả trên nước Pháp là 20h ngày 22/4 theo giờ Pháp. Luật của Pháp cấm công bố kết quả các cuộc điều tra, thăm dò dư luận, dự đoán, bình luận công khai hay hé lộ kết quả bỏ phiếu… trước 20h tối 22/4, nếu không sẽ bị kiện và phạt 75.000 euro.

Chu Nguyễn

Hàn Ngọc Hảo
.
.
.