Bầu cử Tổng thống Argentina: Cuộc đua dành cho các quý bà

Thứ Hai, 29/10/2007, 09:24
9h sáng 28/10, gần 27 triệu dân Argentina đã tham gia cuộc bầu cử lựa chọn người kế nhiệm Tổng thống Nestor Kirchner. Có tới 13 người tham gia tranh cử chiếc ghế quyền lực nhất Argentina. Song bứt phá của hai ứng cử viên nữ khiến cuộc đua dường như là trận chiến của các quý bà.

Theo các con số thống kê, Đệ nhất phu nhân, Thượng nghị sĩ Cristina Fernandez luôn dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ gần 40%. Bám sát bà là thủ lĩnh liên minh trung tả Elisa Carrio với số phiếu ủng hộ dự kiến khoảng 30%.

Những nàng Evita thời hiện đại

Tuy nhiên đó chỉ là những phỏng đoán. Nếu bà Cristina Fernandez thắng cuộc, Argentina sẽ tiếp tục phát triển dưới đường lối lãnh đạo của gia đình nhà Kirchner.

Trong trường hợp Elisa Carrio vượt lên, đây sẽ là lần đầu tiên liên minh cánh tả lên cầm quyền với hy vọng thổi vào Argentina một luồng sinh khí mới.

Gia đình Kirchner là những người thuộc đảng Peronist. Đương kim Tổng thống Nestor Kircher bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1987 khi được bầu làm Thị trưởng thành phố Rio Gallegos, thủ phủ của tỉnh Santa Cruz.

Nhờ vào thanh thế của chồng, dần dà, bà Cristina Fernandez cũng tham gia chính trường và trở thành Thượng nghị sĩ thuộc đảng Peronist. Thời điểm đó, đảng Peronist luôn dẫn đầu trong quá trình tư nhân hóa các công ty nhà nước, trong đó có cả tập đoàn dầu lửa YPF.

Elisa Carrio thì vốn là một luật sư quê ở Chaco, một trong những tỉnh nghèo nhất miền Bắc Argentina, gần biên giới với Paraguay. Vì cha theo đảng Radical nên khi trưởng thành, Elisa Carrio đã được bầu là đại biểu của đảng Radical tham dự những cuộc họp chính trị quan trọng.

Năm 2001, Elisa Carrio dẫn đầu một uỷ ban điều tra việc rửa tiền ở Argentina.

Yếu tố kinh tế

Xét về kinh nghiệm và năng lực chính trị, hai người phụ nữ này đều ngang sức ngang tài.

Tuy nhiên, Cristina Fernandez lại có lợi thế về ngoại hình và khả năng hùng biện. Bà được sự hậu thuẫn của nhiều chính trị gia trong nước và đã nhận được sự ủng hộ của đa phần dân nghèo tại các khu vực thành thị.

Trong khi đó, Elisa Carrio lại biết lợi dụng điểm yếu của đối phương, biến thành thế mạnh cho bản thân mình. Một mặt nêu rõ những thành tựu kinh tế của Argentina dưới thời Tổng thống Nestor Kirchner, Elisa Carrio dẫn dắt cử tri đến xu thế chung của khu vực Mỹ Latinh là sự lên ngôi của phe cánh tả và mức độ cần thiết của cái gọi là một nền kinh tế thị trường tự do.

Vấn đề này rõ ràng không được bà Cristina Fernandez tính đến.

Phải nói rằng sau cơn khủng hoảng tài chính năm 2002, đến nay, kinh tế Argentina đã phục hồi và đang dần ổn định với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 10%. Nhưng tỷ lệ đói nghèo vẫn đang ở mức cao (28%).

Có hai vấn đề được người Argentina quan tâm nhất hiện nay là tình hình tội phạm và tỷ lệ lạm phát. Rắc rối nảy sinh là trong khi các báo cáo từ chính phủ cho thấy tỷ lệ lạm phát đã dưới 10% thì các nhà nghiên cứu tư nhân lại cho rằng lạm phát đang ở mức trên 20%.

Giới phân tích thế giới nhận định rằng, cuộc bầu cử Tổng thống Argentina lần này, chắc chắn tới 90% là phần thắng thuộc về một trong hai ứng cử viên nữ. Nếu vậy, Mỹ Latinh sẽ có Tổng thống thứ hai trong khu vực (năm ngoái bà Michelle Bachelet được bầu làm Tổng thống Chile).

Một điểm đáng lưu ý là trong trường hợp bà Elisa Carrio thắng cử, Argentina sẽ tham gia vào làn sóng cánh tả ở Nam Mỹ và đẩy Mỹ vào thế cô lập trên vùng đất vốn bị coi là sân sau.

Còn nếu bà Cristina Kirchner đắc cử, Washington và Liên minh Châu Âu (EU) có nhiều cơ hội hơn trong việc đầu tư kinh tế cũng như gây ảnh hưởng chính trị

Sông Thương
.
.
.