Bất ổn ở Thái Lan: Vẫn chưa tìm thấy lối thoát

Thứ Hai, 30/12/2013, 09:04
Trong thời gian qua, Thái Lan đã chao đảo vì căng thẳng chính trị và làn sóng biểu tình đôi khi mang màu sắc bạo lực giữa phe Chính phủ và phe đối lập, châm ngòi cho nhiều cuộc đối đầu nổ ra giữa cảnh sát và người biểu tình. Các cuộc đụng độ trong tháng 12 đã cướp đi sinh mạng của 8 người và làm bị thương hơn 400 người với đỉnh điểm là ngày 26/12 khi 2 người bị thiệt mạng và 153 người bị thương. Xã hội Thái Lan đang ngày một chìm sâu vào tình trạng phân cực giữa một bên là những người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và bên kia là những người quyết “không đội trời chung” với ông.
>> Thái Lan bất ổn: Bangkok mịt mù khói lựu đạn cay

Ngày 27/12, khi được hỏi về khả năng xảy ra đảo chính, Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha đã đưa ra câu trả lời lấp lửng: "Cánh cửa hiện không đóng cũng không mở”. Vậy là, kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng, đã manh nha xuất hiện dấu hiệu của một cuộc đảo chính.

Trước đó, trong bài phát biểu của mình, ông Prayuth Chan-ocha tỏ ý lo ngại về những diễn biến đụng độ bạo lực vừa qua và kêu gọi các bên phải kiềm chế, chấm dứt bạo lực và cùng ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra phương thức giải quyết bất ổn theo đường lối hòa bình, dân chủ vào theo Hiến pháp. Ngoài ra, vị Tư lệnh tái khẳng định vị trí trung lập của quân đội.

Sóng vẫn chưa yên trên đất nước Chùa Vàng.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, quân đội thi hành nhiệm vụ vì lợi ích và sự bình yên cũng như vì sự phát triển của đất nước, tuy nhiên, việc tổ chức đảo chính vẫn phụ thuộc vào tình hình và diễn biến trên chính trường. Trong lịch sử, quân đội Thái Lan đã thực hiện thành công 11 vụ đảo chính và vụ gần đây nhất là vào năm 2006 khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, anh trai Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra, bị lật đổ.

Do đó, mọi quyết định của quân đội luôn được theo dõi sát sao. Và tuyên bố của vị Tư lệnh Lục quân cũng cho thấy, nếu các phe phái chính trị nước này không thể đạt được thỏa hiệp về một giải pháp hòa bình, để xảy ra xung đột bạo lực vượt khỏi tầm kiểm soát, thì nguy cơ đảo chính sẽ thành hiện thực.

Trong một diễn biến khác, ngày 27/12, Phó Thủ tướng tạm quyền Surapong Tovichakchaikul đã thừa nhận một số thành viên đảng Pheu Thai tỏ ra ủng hộ quân đội đảo chính hơn là một chế độ theo chương trình của lực lượng biểu tình chống chính phủ đưa ra, và phải chứng kiến tương lai của đất nước nằm trong tay "của những người tự dưng xuất hiện" – ám chỉ thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban và những người biểu tình chống chính phủ dưới sự lãnh đạo của ông này đang khăng khăng yêu cầu bà Yingluck Shinawatra phải từ chức.

Với mục tiêu bảo vệ những nguyên tắc, giá trị và thể thức của nền dân chủ, Chính phủ Thái Lan và Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đang nỗ lực xúc tiến tổ chức một cuộc bầu cử mới và khởi động lộ trình cải cách, nhưng phe đối lập lại ra sức ngăn cản. Họ khăng khăng yêu cầu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra phải từ chức, tìm mọi phương cách để ngăn cản các cử tri thực hiện quyền lợi của họ, bất hợp tác về tiến trình cải cách đất nước với phe chính phủ.

Ngày 23/12, ngày bắt đầu đăng ký danh sách ứng cử viên cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2/2014, người biểu tình đã vây kín tất cả lối vào địa điểm quy định đăng ký bầu cử là sân vận động Thái – Nhật ở Thủ đô Bangkok khiến Ủy ban Bầu cử Thái Lan (ECT) phải dời địa điểm đăng ký tới một đồn cảnh sát. Không dừng lại ở đó, những cuộc biểu tình vẫn liên tục diễn ra và ngày càng mang đậm màu sắc bạo lực hơn, cảnh sát đã buộc phải dùng tới hơi cay để ngăn chặn người biểu tình xông vào sân vận động Thái – Nhật.

Trước tình hình trên, ECT đã đề xuất thay đổi ngày bầu cử để đảm bảo an ninh cho cử tri và vì lo ngại việc này sẽ châm ngòi cho một cuộc đảo chính nhưng đề xuất này đã bị bác bỏ. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Pongthep Thepkanchana nhấn mạnh: “Sau khi giải tán quốc hội, một cuộc bầu cử phải được tổ chức trong vòng 60 ngày. Không có luật nào cho phép chính phủ trì hoãn bầu cử”.

Thêm vào đó, phía quân đội cũng nhấn mạnh: những người có trách nhiệm phải tổ chức bầu cử Hạ viện theo tiến trình pháp luật. Tiếp đó, ngày 27/12, Chính phủ Thái Lan đã kêu gọi quân đội đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử vào ngày 2/2 tới. Ông Pongthep Thepkanchana cho biết sẽ gặp gỡ và bàn bạc với Tư lệnh Quân đội Thái Lan để đề nghị quân đội hỗ trợ trong việc đảm bảo an toàn cho cuộc đăng ký ứng cử viên tranh cử theo đơn vị bầu cử tại 375 địa điểm trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày 28/12 và kéo dài đến ngày 1/1/2014

Hà Khổng
.
.
.