Thượng viện Nga phê chuẩn Hiệp ước sáp nhập Crimea:

Bắt đầu “cuộc chiến” lệnh trừng phạt

Thứ Bảy, 22/03/2014, 09:54
Ngày 21/3, Thượng viện Nga đã chính thức thông qua Hiệp ước sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga, hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp ước đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hôm 18/3. Như vậy, Crimea đã chính thức trở thành một phần “máu thịt” của nước Nga và đây cũng là thời điểm xuất hiện một “cuộc chiến” lệnh trừng phạt mới giữa Moskva, Washington và các nước châu Âu.
>> Nga thúc đẩy tiến trình sáp nhập Crimea

Bước đi của Nga

Cho đến nay, trong ván cờ Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đi trước một bước so với Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU). Điều đáng nói là trong khi giới chức Mỹ và phương Tây ra sức rêu rao, thậm chí nói xấu Nga về việc sáp nhập Crimea thì ngược lại, dư luận trong và ngoài nước đã ủng hộ Moskva và coi như đây là một hành động tất yếu để tránh những “tổn thất không đáng có”.

Và khi Mỹ, EU tiếp tục “điên cuồng” chống phá bằng một loạt lệnh trừng phạt nhằm vào giới chức Nga và cựu Tổng thống Ukraine thì Moskva lại “ghi điểm” bằng một tuyên bố khá bất ngờ của Tổng thống Vladimir Putin rằng Nga sẽ không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt trả đũa Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp Hội đồng an ninh Nga, ông Vladimir Putin nêu rõ: "Đối với cả trường hợp đầu tiên (các lệnh trừng phạt của Mỹ) và trường hợp thứ hai (tức áp dụng chế độ thị thực với Ukraine), tôi nghĩ chúng ta nên tạm hoãn có các biện pháp đáp trả”.

Chưa hết, trong một động thái nhằm “chọc giận” phía Mỹ, hãng Itar-Tass cho biết, Tổng thống Nga còn dự định mở tài khoản tại ngân hàng Bank Russia, vốn nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Hiện tại, Bộ Ngoại giao Nga mới chỉ đưa ra lệnh cấm nhập cảnh vào Nga đối với 10 quan chức của Mỹ gồm Chủ tịch Hạ viện John Boehner, Thượng Nghị sỹ John McCain và 2 cố vấn cho Tổng thống Mỹ Barack Obama là ông Daniel Pfeiffer và bà Caronline Atkinson.

Đồng thời Bộ Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh rằng, việc sử dụng các lệnh cấm vận là “con dao hai lưỡi” và có thể quay lại gây tác động xấu tới chính nước Mỹ. Về tin đồn lệnh cấm vận của Mỹ, EU đã làm tê liệt nền kinh tế Mỹ,  Thứ trưởng Tài chính Nga Alexei Moiseev đã khẳng định, các lệnh trừng phạt của Phương Tây nhằm vào lĩnh vực tài chính của Moskva sẽ không gây ra những ảnh hưởng lớn trực tiếp đối với Nga.

Cảnh báo của Chủ tịch EP

Trong khi Nga vẫn giữ một thái độ khá cương quyết nhưng ôn hòa trong vấn đề Crimea và Ukraine thì EU lại liên tục có những động thái khiêu khích. Hãng Guardian khẳng định, hôm 20/3, lãnh đạo EU đã quyết định hủy Hội nghị thượng đỉnh EU - Nga sắp tới, đồng thời hủy toàn bộ các hội nghị song phương khác. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy cũng tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt thêm 12 cá nhân có liên quan đến vấn đề Crimea, nâng tổng số các quan chức Nga, Crimea và cựu quan chức Ukraine bị trừng phạt lên 33 người. Mỹ cũng tuyên bố áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung với Nga, bao gồm đóng băng tài sản và giao dịch bằng USD đối với 20 quan chức, công dân Nga và ngân hàng Rossiya…

Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi ký Hiệp ước sáp nhập tại điện Kremlin ở thủ đô Moskva hôm 18/3.

Ngay sau đó, mạng tin N24 của Đức đã dẫn lời cảnh báo của Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz rằng, nguy cơ chiến tranh trở lại với khu vực này. Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc (LHQ) Yurii Klymenko cũng tuyên bố, nước này không khơi mào một cuộc chiến thương mại với Nga, đồng thời hy vọng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ giúp 2 bên giải quyết những tranh cãi thương mại…

Và thái độ của lực lượng quân đội

Rõ ràng những căng thẳng ở UkraineCrimea đang có xu hướng lắng xuống. Tuy nhiên, đây không phải là sự dịu lắng, bớt đi của mức độ mâu thuẫn mà ngược lại, sự đối đầu giữa Nga – Mỹ và EU trong vấn đề Ukraine và Crimea đã đi vào chiều sâu và ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, chính trị. Dẫu vậy, có một thực tế rằng, vai trò của Nga ở UkraineCrimea sau cuộc sáp nhập ngày càng được mở rộng.

 Hiện các lực lượng tự vệ của Crimea đang làm các thủ tục pháp lý cần thiết để gia nhập hàng ngũ quân đội Nga. Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Hạ viện Nga Vladimir Komoyedov cũng khẳng định, sau khi Crimea và Sevastopol sáp nhập vào Nga, lực lượng tự vệ của Crimea sẽ gia nhập các đơn vị thuộc quân khu phía Nam của quân đội Nga...

Việt Nam quan tâm theo dõi chặt chẽ tình hình tại Ukraine và Crimea

Ngày 21/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Crimea và Sevastopol sáp nhập vào Liên bang Nga, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: "Việt Nam quan tâm theo dõi chặt chẽ tình hình tại Ukraine và Crimea. Chúng tôi mong mọi vấn đề sẽ được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyện vọng chính đáng của người dân để tình hình sớm ổn định, vì hòa bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới”.

Trong khi đó, Thượng viện Nga ngày 21/3 đã thông qua hiệp ước sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga, hoàn tất việc phê chuẩn hiệp ước đã được Tổng thống Vladimir Putin ký hôm 18/3 vừa qua. Duma quốc gia Nga (Hạ viện) cũng đã phê chuẩn hiệp ước về việc sáp nhập Crimea hôm 20/3.

Phan Hiển
.
.
.