Bạo động tái bùng phát ở Mỹ vì vụ Ferguson

Thứ Tư, 26/11/2014, 15:12
Trong một thông cáo báo chí được công bố vào tối 24/11 (theo giờ Mỹ), công tố viên hạt St. Louis thuộc bang Missouri (Mỹ) Bob McCulloch cho biết, bồi thẩm đoàn tại hạt này đã ra phán quyết khẳng định viên cảnh sát Darren Wilson, một công dân Mỹ da trắng, vô tội sau khi xem xét và cân nhắc các bằng chứng trong vụ bắn chết một thanh niên da màu tên là Michael Brown tại thị trấn Ferguson, ngoại ô thành phố St. Louis hôm 9/8.

Ngay sau khi có thông báo của bồi thẩm đoàn hạt St. Louis, biểu tình kèm bạo lực đã nổ ra tại nhiều thành phố nước Mỹ.

Theo ông McCulloch, các bằng chứng được trình lên bồi thẩm đoàn cho thấy viên cảnh sát Wilson đã nổ súng như một hành động tự vệ hợp pháp trong cuộc ẩu đả. Theo đó, cảnh sát Wilson sẽ không phải đối mặt với bất cứ tội danh nào liên quan đến vụ án mạng gây tranh cãi trên. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện một cuộc điều tra về khả năng viên cảnh sát này vi phạm quyền dân sự. Gia đình nạn nhân Brown ngay lập tức đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định cuối cùng của bồi thẩm đoàn, song kêu gọi người dân không nên có hành động bạo lực “Đáp trả bạo lực bằng bạo lực không phải là sự đáp trả thích hợp”. Trong khi đó, hàng trăm người dân tụ tập bên ngoài Văn phòng cảnh sát Ferguson đã phản đối phán quyết trên. Một số người hô vang “kẻ sát nhân”, trong khi một số khác thì ném đá và chai lọ nhằm vào các cảnh sát bảo vệ bên ngoài tòa nhà. Những người biểu tình còn tràn qua rào chắn và chế giễu cảnh sát. Một số khác tổ chức biểu tình trước trụ sở tòa án nơi bồi thẩm đoàn nhóm họp, cáo buộc phán quyết trên đã thiên vị cho viên cảnh sát. Ngoài ra, đã xảy ra nhiều vụ phóng hỏa và cướp phá tại một số cơ sở kinh doanh tại thị trấn Ferguson. Lực lượng cảnh sát đã buộc phải sử dụng đạn khói và hơi cay để trấn áp một số người biểu tình quá khích. Ít nhất 29 người đã bị bắt giữ. Tại một số thành phố lớn khác của Mỹ như New York và Chicago, người dân cũng tổ chức các cuộc biểu tình hòa bình để phản đối việc cảnh sát Wilson được tuyên vô tội.

Bạo lực bùng phát ở Ferguson sau quyết định không truy tố cảnh sát. Ảnh: EPA

Trước tình hình rối ren như vậy, cùng ngày, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã áp lệnh hạn chế bay tạm thời tại thị trấn Ferguson. FAA cho biết khoảng 10 chuyến bay dự kiến đáp xuống sân bay quốc tế Lambert - St. Louis lúc 23h30 (4h30 GMT) ngày 24/11 đã được lệnh chuyển hướng tới các sân bay khác. Lý do được đưa ra là “để đảm bảo môi trường an toàn cho các hoạt động chấp pháp”. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã lên tiếng kêu gọi người dân “bình tĩnh” và “kiềm chế” trước quyết định của bồi thẩm đoàn. Mặc dù bày tỏ sự thông cảm với tâm trạng bất bình của một số người dân, song ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh công chúng cần chấp nhận phán quyết trên và tập trung xây dựng mối quan hệ giữa cảnh sát và người dân thay vì tổ chức biểu tình bạo lực, đe dọa sự an toàn của cộng đồng. Hồi cuối tuần trước, ông Obama cũng đã kêu gọi người dân Ferguson biểu tình hòa bình và không sử dụng bạo lực bởi điều này là trái pháp luật, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết những vấn đề quan hệ sắc tộc ở cấp độ quốc gia. Tổng thống Obama không chỉ nhiều lần lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế mà còn cử các nhóm thuộc Bộ An ninh nội địa và Cục Điều tra liên bang (FBI) tới điều tra về vụ này. Cái chết của thanh niên da màu Brown dưới họng súng cảnh sát cũng đã châm ngòi cho cuộc tranh luận trên toàn nước Mỹ về nạn phân biệt chủng tộc, đã khiến cả Bộ Tư pháp Mỹ cũng phải vào cuộc điều tra Sở cảnh sát Ferguson. Trước đó, hôm 17/11, Thống đốc bang Missouri Jay Nixon đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn bang, đồng thời ra lệnh triển khai lực lượng Vệ binh quốc gia của bang nhằm ứng phó với các hành động bạo lực. Giải thích cho sắc lệnh hành chính này, Thống đốc Jay Nixon một mặt cho rằng người dân có quyền biểu tình một cách hòa bình, nhưng các công dân và các doanh nghiệp cũng phải được bảo đảm an toàn trước các hành động đốt phá như từng xảy ra hồi tháng 8.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chức

Sáng 25/11 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Obama đã chính thức chấp thuận đơn từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Trước đó, theo thông báo của Lầu Năm Góc, ông Chuck Hagel đã đồng ý thôi đảm nhận cương vị này theo đề nghị ngày 21-11 của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, trong lúc chờ người thay thế, ông Hagel sẽ tiếp tục đảm nhận cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc. Các quan chức Nhà Trắng cho biết lý do Tổng thống Obama đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hagel nghỉ việc là do cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria đang đặt ra cho nước Mỹ hàng loạt thách thức an ninh mới, do vậy “cần phải có những người có những khả năng mới”. Tuy nhiên, theo giới phân tích, ông Hagel đã vấp phải nhiều sai lầm trong 2 năm qua tại Lầu Năm Góc.

Đầu tiên là việc ông Hagel đã có một số chính sách tương đối sai lầm. Tại Afghanistan, ông Hagel đã không tạo đủ sức ép đối với lực lượng Taliban để lực lượng này chấp nhận một thỏa thuận hòa bình. Tại Ai Cập, ông Hagel là một  trong những người tích cực nhất trong việc cố gắng thuyết phục Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fatah el-Sisi không đảo chính để hạ bệ Tổng thống được bầu cử dân chủ đầu tiên của Ai Cập. Ông Hagel đã thất bại và một cuộc đảo chính đã diễn ra. Về vấn đề Iraq và Syria, Bộ trưởng Hagel đã không đưa ra một chiến lược nào đủ mạnh để ngăn chặn sự bùng nổ của IS. Tại Ukraine, ông Hagel cũng không có những nỗ lực để gây sức ép đối với Nga.

Bên cạnh đó, dưới góc nhìn chính trị, công việc lớn nhất của ông Hagel là trở thành đại diện của Lầu Năm Góc tại Nhà Trắng và tại Quốc hội cũng như triển khai các chính sách của Nhà Trắng tại Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, ông Hagel đã không thực sự thành công ở cả hai điều trên.

Ứng cử viên hàng đầu thay thế vị trí của ông Hagel là bà Michele Flournoy, người từng đảm nhiệm Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách trong 3 năm đầu dưới thời Tổng thống Obama. Nếu được bổ nhiệm, bà Flournoy sẽ là người phụ nữ đầu tiên điều hành Lầu Năm Góc. Ngoài ra, những ứng viên khác có thể thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Hagel bao gồm cựu Thứ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Thượng nghị sỹ Jack Reed.

Hà Khổng (tổng hợp)
.
.
.