Bán đảo Triều Tiên căng thẳng vì những tuyên bố cứng rắn

Thứ Sáu, 29/05/2009, 09:26

Ngày 28/5, một ngày sau khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố Hiệp ước đình chiến liên Triều năm 1953 không còn hiệu lực, quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã được đặt trong tình trạng báo động.
>> Hàn Quốc báo động mức cao nhất

Thêm vào đó, những tuyên bố cứng rắn của Mỹ và việc nhóm "P5+2" gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc nhất trí về nguyên tắc trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng đã khiến cho chảo lửa Đông Bắc Á càng trở nên nóng bỏng.

Những động thái căng thẳng

Thông tin từ hãng AP cho hay, ngày 28/5, quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã nâng mức báo động từ cấp độ 3 lên cấp 2 - mức cao nhất kể từ sau khi CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 1 năm 2006. Đồng thời, Hàn Quốc cũng chính thức trở thành thành viên của Sáng kiến an ninh chống Phổ biến hạt nhân của Mỹ (PSI).

Trước đó, CHDCND Triều Tiên  tuyên bố, họ coi việc Seoul tham gia chương trình do Mỹ dẫn đầu nhằm đánh chặn các tàu tình nghi chở vũ khí hủy diệt hàng loạt là một lời tuyên chiến chống lại Bình Nhưỡng.

Phát ngôn viên của quân đội CHDCND Triều Tiên còn nhấn mạnh rằng, họ sẽ phản ứng "bằng những biện pháp quân sự lập tức và mạnh mẽ" nếu Hàn Quốc ngăn chặn và khám xét bất kể tàu nào của CHDCND Triều Tiên theo Sáng kiến An ninh PSI.

Tờ báo Rodong Simun và hãng KCNA còn dẫn lời một quan chức cấp cao của CHDCND Triều Tiên rằng quân đội nước này đã chuẩn bị sẵn sàng đáp trả bất kỳ một cuộc tấn công nào do Mỹ khởi xướng.

Còn phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Won Tae-Jae thì cho biết, Hàn Quốc sẽ tăng cường các hoạt động giám sát đối với CHDCND Triều Tiên, huy động thêm máy bay chiến đấu và binh sĩ trong quân đội.

Các hoạt động giám sát sẽ được tập trung dọc khu phi quân sự chia cắt hai miền, khu vực an ninh chung ở làng đình chiến Panmunjom và Đường Giới hạn phía Bắc - vùng hải giới tranh chấp trên biển Hoàng Hải. Ngay cả số binh sĩ Mỹ gồm 28.500 quân đồn trú ở Hàn Quốc và 50.000 binh sĩ ở Nhật Bản cũng đã được lệnh chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Binh sĩ Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ từng biến động từ phía CHDCND Triều Tiên.

Nguồn tin từ báo JongAng Ilbo của Hàn Quốc còn cho hay, chính quyền Seoul đã tính đến việc triển khai thêm hệ thống đánh chặn tên lửa và pháo binh tại các căn cứ quân sự trên các vùng đất, hải đảo gần biên giới với CHDCND Triều Tiên. Một tàu khu trục của Hàn Quốc đã nhận được lệnh tới gần Đường Giới hạn phía Bắc.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc lý giải những hành động này là vì Seoul lo ngại Bình Nhưỡng có thể tiếp tục có những động thái khác như bắn thử tên lửa tầm ngắn xuống vùng biển phía Tây nước này.

Trong khi đó, Washington khẳng định sẽ bảo vệ hai nước đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản trước đe dọa từ CHDCND Triều Tiên. Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói: "Tôi muốn nhấn mạnh các cam kết mà Mỹ đã đưa ra và sẽ luôn thực hiện đúng cam kết bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản"; cho rằng Bình Nhưỡng đang hành xử một cách khiêu khích với những nước láng giềng và sẽ phải đối mặt với hậu quả cho hành vi này. Đồng thời, bà Hillary Clinton cũng kêu gọi CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán sáu bên về giải giáp chương trình hạt nhân.

Và những mối lo mới

Trên thực tế, việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân và phóng tên lửa đã khiến dư luận thế giới lo ngại về tình hình ổn định an ninh và hòa bình ở khu vực Đông Bắc Á cũng như trên thế giới.

Điều đáng nói ở đây là người ta còn sợ những thông tin trái chiều nhau về sự kiện này có thể thổi bùng ngọn lửa giận dữ giữa các bên. Chẳng hạn như việc báo chí phương Tây nói rằng CHDCND Triều Tiên khởi động lại lò phản ứng hạt nhân. Dù chưa có lời khẳng định chính thức từ phía Bình Nhưỡng, song nguồn tin cung cấp cho các báo này là cơ quan tình báo Mỹ, đã khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ về độ chính xác của thông tin.

Cho đến chiều 28/5, các bức ảnh chụp từ các vệ tinh thương mại cho thấy không có hơi nước bốc lên từ tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Trong khi đó, đảng Đại Dân tộc cầm quyền ở Hàn Quốc ngày 27/5 đã yêu cầu Chính phủ nước này xem xét lại việc tiếp nhận quyền chỉ huy thời chiến từ Mỹ vào năm 2012 và cụ thể hóa việc Seoul được bảo đảm an ninh dưới "ô hạt nhân" của Washington. Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cũng đang thực hiện chuyến công du Châu Á để tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước trong khu vực này nhằm gây sức ép và tạo lập phe đối chọi với CHDCND Triều Tiên.

Thêm vào đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, bất kể một biến động nào về an ninh cũng khiến cho thị trường chứng khoán chao đảo và làm biến động thị trường tiền tệ. Tiếp đó là những tranh cãi không dứt trên các bàn hội nghị quốc tế về vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Dù các nguồn tin ngoại giao cho biết, nhóm "P5+2" đã nhất trí trên nguyên tắc mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên sau khi nước này tiến hành thử tên lửa, song nội bộ nhóm này vẫn còn tranh cãi nhiều về cách áp đặt hay áp dụng các biện pháp trừng phạt. Phía Nga, Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm đối thoại hòa bình còn Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc lại hối thúc tăng cường trừng phạt để ngăn chặn những nguy cơ mới từ CHDCND Triều Tiên!

Huyền Chi
.
.
.