Bài học nào cho các nhà đầu tư?

Chủ Nhật, 15/05/2011, 10:18
Mặc dù đã đưa ra phán quyết đối với ông Raj Rajaratnam, Giám đốc Quỹ đầu tư Galleon Group từ hôm 11/5 (theo giờ địa phương), nhưng phải tới ngày 29/7, Tòa án New York, Mỹ mới thông báo mức án đối với tỷ phú Mỹ gốc Sri Lanka. Ông Raj Rajaratnam phải đối mặt với mức án từ 15,5 đến 19,5 năm cùng khoản tiền phạt lên tới 100 triệu USD.

Một vốn hai mươi ba lời

Sau 8 tuần xét xử (từ 8/3 đến 11/5), Tòa án New York khẳng định, tỉ phú Raj Rajaratnam phạm 14 tội danh lừa đảo chứng khoán. Một lần nữa, vụ giao dịch nội gián lớn nhất nước Mỹ lại được dư luận và giới chuyên môn quan tâm. Tuy được coi là đã mạnh tay với nạn giao dịch nội gián nhưng cho tới nay chính phủ Mỹ vẫn chưa ngăn chặn có hiệu quả đối với tình trạng này bởi nhiều nguyên nhân khác nhau và đây là điều được giới chuyên môn quan ngại.

Được coi là vụ án giao dịch nội gián lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ nên dư luận không những quan tâm tới ông Raj Rajaratnam, mà còn đặc biệt chú ý tới những mánh khóe kinh doanh của Giám đốc (Chủ tịch) Quỹ đầu tư Galleon Group.

Giới truyền thông đưa tin, ngay từ thượng tuần tháng 1/2010, Thẩm phán (Chánh án) Richard Holwell, người phụ trách phiên tòa này từng quyết định khoản tiền bảo lãnh đối với ông Raj Rajaratnam - phải nộp 100 triệu USD, chứ không phải 20 triệu USD như luật sư bào chữa đưa ra.

Tỷ phú Raj Rajaratnam khi bị bắt và ra toà.

Theo cáo trạng, ông Raj Rajaratnam và người của mình đã bỏ tiền mua chuộc nhiều nhân viên cao cấp của một số hãng nổi tiếng như IBM, McKinsey & Co, Intel Capital, một chi nhánh của tập đoàn Intel… để biết trước những thông tin quan trọng trước khi được công bố chính thức. Cách thức do Raj Rajaratnam tiến hành đã tạo nên vụ giao dịch nội gián lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ có liên quan đến quỹ đầu cơ, và là vụ giao dịch nội gián lớn nhất tại Phố Wall kể từ thập niên 1980.

Trong số những người cung cấp tin cho ông Raj Rajaratnam đáng chú ý nhất là Anil Kumar, chuyên gia tư vấn thuộc Hãng tư vấn quản trị McKinsey & Co. Vì quen nhau từ đầu thập niên 1980 tại Trường kinh doanh Wharton thuộc Đại học Pennsylvania nên Anil Kumar đã đồng ý cung cấp thông tin mật về việc Tập đoàn bán dẫn Advanced Micro Devices Inc (AMD), khách hàng của McKinsey & Co đang muốn mua lại Hãng ATI Technologies Inc sau khi tỉ phú Raj Rajaratnam chi 500.000 USD trong năm 2003.

Số tiền Anil Kumar được nhận đã tăng lên gấp đôi (1 triệu USD) vào năm 2006 sau khi Raj Rajaratnam kiếm được 23 triệu USD nhờ đầu tư vào cổ phiếu ATI bằng thông tin "mật báo" trước khi ATI và AMD công bố thỏa thuận mua bán. Raj Rajaratnam cũng kiếm hàng chục triệu USD bằng cách thông qua các hợp đồng chứng khoán, trái phiếu của những hãng lớn như Google, IBM, Sun Microsystems, Hilton Worldwide, AMD, Polycom, Akamai…

Tuy chưa phải ngồi tù ngay sau phiên toà hôm 11/5, nhưng ông Raj Rajaratnam phải đeo thiết bị theo dõi điện tử cùng số tiền nộp tại ngoại lên tới 100 triệu USD để sống cùng gia đình trong biệt thự trị giá 10 triệu USD ở thành phố New York.

Mặc dù phải đối mặt với một loạt tội danh, nhưng tỷ phú Raj Rajaratnam vẫn khẳng định vô tội. Tỷ phú này khẳng định vô tội vì chỉ giao dịch dựa trên thông tin được công bố rộng rãi và 6 luật sư đang bảo vệ quan điểm này của Raj Rajaratnam. Các luật sư lo lắng lời buộc tội của Ủy ban Chứng khoán và giao dịch (SEC) có thể khiến Bồi thẩm đoàn có quan điểm thiên kiến đối với thân chủ của họ.

Ông John Dowd, luật sư chính của tỷ phú Raj Rajaratnam và những đồng nghiệp sẽ tiếp tục kháng án sau khi toà đưa ra phán quyết cuối cùng đối với Giám đốc Quỹ đầu tư Galleon Group. Luật sư John Dowd từng nhiều lần tuyên bố, thân chủ của mình không có tội và sẽ chứng minh điều này. Luật sư John Dowd thậm chí còn cho rằng, thân chủ của mình là nạn nhân của những lời buội tội. Được biết, trong số 26 người bị buộc tội cùng với Raj Rajaratnam mới có 21 người nhận tội.

Thủ đoạn đơn giản, hậu quả khôn lường

Tuy sinh ra (năm 1957) và lớn lên ở Colombo, Sri Lanka, nhưng Raj Rajaratnam lại học cơ khí ở Anh, quản trị kinh doanh ở Mỹ, khởi nghiệp tại ngân hàng Chase Manhattan Bank. Raj Rajaratnam từng tốt nghiệp cử nhân khoa học ở Đại học Sussex (Anh), lấy bằng MBA ở Trường kinh tế Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ).

Đầu năm 1980, Raj Rajaratnam làm việc cho Ngân hàng Needham & Co ở New York và con đường công danh của ông phát triển mạnh sau khi giữ chức Chủ tịch Needham & Co khi mới 34 tuổi (năm 1991). Ông Raj Rajaratnam thành lập Quỹ đầu tư Galleon Group cách đây 15 năm (1996-2011) với các chi nhánh ở New York, California, Trung Quốc, Đài Loan và Ấn Độ chuyên đầu tư vào cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ cao như Google, Intel, AMD...

Đến năm 2008, Quỹ đầu tư Galleon Group quản lý gần 7 tỉ USD tài sản. Tờ Nhật báo phố Wall từng đưa tin, tỷ phú Raj Rajaratnam đã cung cấp tài chính cho lực lượng "Những con hổ giải phóng Tamil" ở Sri Lanka bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.

Ngay sau khi bắt giữ Giám đốc Quỹ đầu tư Galleon Group, giới chuyên môn đã đặt cho Raj Rajaratnam biệt danh "Kẻ buôn tin". Để buộc tội Raj Rajaratnam Tòa đã phải ra lệnh triệu tập hơn 100 nhân chứng và Bồi thẩm đoàn gồm 12 người sẽ quyết định số phận của Giám đốc Quỹ đầu tư Galleon Group. Toà đã công bố 45 đoạn băng ghi âm bí mật những cuộc nói chuyện giữa ông Raj Rajaratnam với những người cung cấp tin (từ năm 2008 đến khi bị bắt).

Theo giới truyền thông, Quỹ đầu tư Galleon Group bắt đầu nổi danh trên thị trường chứng khoán công nghệ của Phố Wall với chiến lược đầu tư "thu thập thông tin độc quyền thông qua các mối quan hệ, kể cả mua chuộc lẫn gây sức ép". Nhưng những người điều phối thị trường tài chính Mỹ bắt đầu để ý tới hoạt động của Raj Rajaratnam từ cuối năm 2007.

Sau khi được tòa cho phép, FBI đã tiến hành nghe trộm các cuộc điện thoại để bàn của Quỹ đầu tư Galleon Group và phát hiện ra cách làm ăn của Raj Rajaratnam: chỉ giao tiếp với các đối tượng cung cấp tin bằng điện thoại bàn bởi sợ bị nghe lén khi sử dụng di động. Và một trong những đặc điểm quan trọng trong giao dịch của Raj Rajaratnam là chỉ trao đổi thông tin lấy thông tin, không trả tiền mặt.

Nếu không áp dụng những biện pháp nghiệp vụ tiên tiến nhất thì FBI khó phát hiện thủ đoạn làm tiền của ông Raj Rajaratnam. Khi mới khai đình ông Raj Rajaratnam phải đối mặt với mức án tù lên tới 205 năm cùng hơn 100 triệu USD tiền phạt nếu bị kết tội. Giới chuyên môn cảnh báo, sau Raj Rajaratnam sẽ có một làn sóng cáo trạng mới nhắm vào các quỹ đầu tư, công ty nghiên cứu, giám đốc các tập đoàn bị tình nghi giao dịch nội gián.

Những cuốn băng nghe trộm cho thấy, ông Raj Rajaratnam đã sử dụng thông tin mật moi được từ các mối quan hệ thân thiết để thu lợi thông qua giao dịch cổ phiếu của các công ty lớn như tập đoàn khách sạn Hilton, hãng tìm kiếm trực tuyến Google.

Cách thức của Raj Rajaratnam khá đơn giản - khai thác bất hợp pháp những thông tin tài chính nội bộ của nhiều tập đoàn lớn trên thị trường chứng khoán, chưa kể các giao dịch chứng khoán bất chính khác từ các tập đoàn Phố Wall và Thung lũng Silicon để đầu tư chứng khoán (từ năm 2003 đến tháng 3/2009).

Trong danh sách những người cung cấp tin cho tỷ phú Raj Rajaratnam có cả thành viên ban quản trị Ngân hàng Goldman Sachs Rajut Gupta, nhân viên Hãng dịch vụ tài chính Moody's, nhân viên tư vấn Hãng Google, giám đốc quản lý quỹ đầu tư New Castle Funds, chuyên viên Hãng sản xuất chip Atheros...

Ngoài việc dùng tiền để mua tin, Raj Rajaratnam còn dùng gái để moi tin và Danielle Chiesi, nguyên cố vấn của Quỹ đầu tư New Castle Funds là người thực hiện thành công kế hoạch này. Thông qua chuyên viên cao cấp Robert Moffat, người lên giường với Danielle Chiesi, Raj Rajaratnam đã biết được nhiều thông tin quan trọng của Tập đoàn IBM.

FBI từng nghi ngờ Phó Chủ tịch IBM Robert Moffet, Danielle Chiesi và Mark Kurland thuộc Quỹ đầu tư New Castle, hay Giám đốc đầu tư Intel - Rajiv Goel, Giám đốc bán hàng hãng McKinsey & Co là Anil Kumar vì cho rằng những người này đã cung cấp thông tin nội bộ cho Raj Rajaratnam. Giám đốc điều hành ngân hàng Goldman Sachs, ông Lloyd Blankfein cũng từng nằm trong ống ngắm của FBI vì bị cáo buộc cung cấp thông tin mật cho ông Raj Rajaratnam trong năm 2008.

Giới chuyên môn cho biết, chỉ có duy nhất một lần Raj Rajaratnam thất bại với thông tin nội gián. Tháng 6/2008, Danielle Chiesi biết được thông tin ADM sẽ tách thành 2 hãng: một hãng chuyên thiết kế các loại chip, còn hãng kia chuyên sản xuất các bộ vi xử lý. Ngay lập tức Danielle Chiesi và Raj Rajaratnam đã mua 8 triệu cổ phiếu của AMD và dự định bán 1,3 triệu cổ phiếu trong ngày 7/10/2008, nhưng cuối cùng để lại vì cho rằng giá sẽ tiếp tục tăng nên thất bại bởi cuối tháng 10/2008 giá cổ phiếu của AMD đã giảm từ 5 USD/cổ phiếu xuống còn 3,5 USD/cổ phiếu.

Khi phải hầu tòa hôm 8/3, ông Raj Rajaratnam bị cáo buộc lạm dụng thông tin mật để tiến hành các giao dịch nội gián bất hợp pháp từ năm 2003 đến 2009 để thu lợi từ 45 triệu USD đến 64 triệu USD. Theo phán quyết hôm 11/5 của Tòa án New York, ông Raj Rajaratnam phạm 14 tội danh.

Ông Raj Rajaratnam từng được coi là một trong những nhà đầu tư thông minh nhất Phố Wall. Raj Rajaratnam được coi là bậc thầy của các mối quan hệ nội gián, đây là đánh giá của Chánh thanh tra Ủy ban Chứng khoán và giao dịch (SEC) Robert Khuzami khi nhà tỷ phú này bị bắt hôm 16/10/2009.

Còn người đứng đầu Cơ quan tư pháp New York Preet Bharara cũng đánh giá cao Raj Rajaratnam sau khi tỷ phú này bị FBI bắt: là một trong những chuyên gia thông minh, có giáo dục, thành đạt nhất nước Mỹ, nhưng giống như nhiều người khác, ông ta đã để cho lòng tham và sự hủ bại dẫn dắt.

Trước khi bị bắt (16/10/2009), ông Raj Rajaratnam, người sáng lập Quỹ đầu tư Galleon Group được giới chuyên môn đánh giá là ngôi sao sáng trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán. Trong năm 2009, theo bảng xếp hạng của tạp chí Forbes, với tổng tài sản ước khoảng 1,3 tỷ USD, ông Raj Rajaratnam đứng thứ 236 trong số 400 người giàu nhất nước Mỹ.

Giao dịch nội gián là hành vi của nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức có được thông tin nội bộ có giá trị và sử dụng thông tin đó trước khi được công bố công khai nhằm mua - bán cho chính mình hoặc cung cấp cho bên thứ ba để hưởng lợi. Thao túng thị trường là hành vi của nhà đầu tư cá nhân hoặc nhà đầu tư tổ chức thực hiện các giao dịch khiến cho những nhà đầu tư khác hiểu sai lệch về thị trường, tạo ra cung - cầu giả tạo hoặc câu kết, lôi kéo người khác liên tục mua - bán để thao túng giá chứng khoán.

Nguyễn Thị Lân - Lê Chí Thiện (tổng hợp)
.
.
.