Bài học lớn từ Ấn Độ

Chủ Nhật, 19/12/2010, 09:38
Năm 2010, Ấn Độ đã trở thành tâm điểm thu hút hầu hết các nguyên thủ quốc gia của các cường quốc trên thế giới đến thăm khiến cho báo giới đã phải bình luận: "Hoa hậu New Delhi" đang hút hồn các "quý ông" đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và sắp tới là Nga.

Trước chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Ấn Độ đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Anh David Cameron và đang chuẩn bị trải thảm đỏ chờ Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tới thăm.

Ông Obama (phải) ủng hộ Ấn Độ có ghế thường trực trong Hội đồng bảo an.

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân cùng với 215 doanh nhân đã tạo thế và lực mới để thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước. Kết quả Washington và New Delhi đã ký các hợp đồng thương mại trị giá 10 tỷ USD, bao gồm thương vụ mua 33 máy bay Boeing-737 cho hãng hàng không Ấn SpiceJet Airlines, thương vụ mua động cơ máy bay của General Electric và mua 10 máy bay vận tải quân sự C17 của Boeing. Các hợp đồng này sẽ tạo thêm việc làm cho 54.000 người Mỹ...

Về phần mình, New Delhi hy vọng thuyết phục Washington đồng ý để hàng hóa và dịch vụ Ấn Độ tăng cường tiếp cận thị trường Mỹ, bãi bỏ lệnh cấm tiếp cận kỹ thuật công nghệ cao đối với Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ (ISRO) và Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) của Ấn Độ, điều chỉnh chính sách gây ảnh hưởng tới lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy dẫn đầu một bộ sậu hơn 60 người tới Ấn Độ để mở đường cho những "dự án thỏa hiệp" với tổng số trị giá các hợp đồng lên đến 15 tỉ euro, trong đó có 10 tỉ euro về lĩnh vực dân sự và 5 tỉ euro về lĩnh vực quốc phòng.

Thủ tướng Anh David Cameron đã đầu một đoàn quan chức được Phố Downing mô tả là phái đoàn thương mại lớn nhất Vương quốc Anh trong lịch sử tới thăm Ấn Độ trong hai ngày nhằm mục đích tăng cường quan hệ và tạo việc làm tại Anh.

Cuối cùng, vào tháng 12 năm 2010, Ấn Độ đánh dấu một mốc son ngoại giao khi ông Ôn Gia Bảo là Thủ tướng Trung Quốc đầu tiên tới thăm Ấn Độ trong bốn năm qua để mở đầu cho làn gió hữu nghị mới giữa hai nước. Ông dẫn đầu một trong những đoàn đại biểu lớn nhất từ trước đến nay tới Ấn Độ, gồm 400 giám đốc và doanh nghiệp với hy vọng chuyến thăm nay sẽ thúc đẩy tình hữu nghị hợp tác giữa Trung Quốc và Ấn Độ và làm sâu sắc thêm quan hệ hai nước.

Với quan điểm "Thế giới có đủ chỗ cho cả Trung Quốc và Ấn Độ phát triển và có đủ lĩnh vực cho chúng ta hợp tác", hai nước đã ký hàng loạt hợp đồng, hiệp định trị giá 20 tỷ USD. Hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, khối lượng thương mại hai chiều được cho là đạt đến 60 tỷ USD trong năm nay.

Đánh giá một năm hoạt động ngoại giao của Ấn Độ, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Hu Zhengyue đã thừa nhận: "Hàng loạt chuyến thăm như vậy cho thấy Ấn Độ đang là điểm đến của quốc tế". Và điều này càng trở nên chắc chắn khi Mỹ và phương Tây cam kết toàn tâm toàn ý ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Với những thành công như vậy, trong tương lai Ấn Độ là một cực mới của thế giới và nhân tố quan trọng để góp phần củng cố hòa bình cũng như gia tăng ảnh hưởng để châu Á ngày một thịnh vượng

Ngọc Hà
.
.
.