Ba cây chụm lại...

Chủ Nhật, 01/06/2008, 11:15
"Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao", trong xu thế toàn cầu hoá đang là chủ đạo trong mọi hoạt động trên trường quốc tế, những mối quan hệ hữu nghị mang tính truyền thống như giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn là một di sản quý báu cần được trân trọng trong cả tương lai.

Chuyến thăm nước CHDCND Trung Hoa của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam từ ngày 30/5 tới 2/6 theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHDCND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào đang được dư luận quốc tế quan tâm.

Thêm một lần cấp lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước khẳng định tình hữu nghị truyền thống là tài sản quý báu cần hết sức giữ gìn và không ngừng phát huy mạnh mẽ.

Thế giới hôm nay đang trong xu thế đa cực hoá và đa dạng hóa các mối quan hệ. Trong hành trình không dễ dàng tiến tới tương lai phồn vinh và ổn định hơn, hành trang quý báu luôn là những mối quan hệ hữu nghị truyền thống như đang có giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã nhất trí phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước lên tầm cao mới, trở thành đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Vẫn như trước đây, Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau, tăng cường tin cậy, đi sâu hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy cùng nhau phát triển, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Trên trường quốc tế, hai bên cũng nhất trí cùng nhau thúc đẩy xây dựng hòa bình lâu dài, cùng phồn vinh ở châu Á và trên thế giới…

Hai bên nhấn mạnh sẽ tiếp tục duy trì truyền thống tốt đẹp tiếp xúc mật thiết giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; nhất trí tăng cường toàn diện vai trò chỉ đạo và điều phối của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc; xây dựng cơ chế giao lưu và hợp tác giữa các cơ quan trung ương hữu quan của hai Đảng; đi sâu trao đổi lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và xây dựng Đảng, quản lý đất nước.

Thúc đẩy hợp tác về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ Đảng và Nhà nước; thúc đẩy cơ chế hợp tác có hiệu quả giữa các bộ, ngành ngoại giao, quốc phòng, công an, an ninh; mở rộng hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật, giáo dục; triển khai mạnh mẽ giao lưu hữu nghị giữa thanh - thiếu niên, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức nhân dân; phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống hữu nghị giữa nhân dân hai nước…

"Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao", trong xu thế toàn cầu hoá đang là chủ đạo trong mọi hoạt động trên trường quốc tế, những mối quan hệ hữu nghị mang tính truyền thống như giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn là một di sản quý báu cần được trân trọng trong cả tương lai.

Nhìn trên phương diện tổng quát hơn, cần phải thấy rằng, xu hướng đó luôn là chủ đạo trong đường lối đối ngoại của Việt Nam, không chỉ riêng với các quốc gia láng giềng "môi hở răng lạnh" mà với tất cả các nước khác trên thế giới.

Ngày 29/5 ở Yokohama (Nhật Bản), tại phiên họp với chủ đề "Mở rộng quan hệ đối tác: Hợp tác Á - Phi" trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã khẳng định rằng, Việt Nam mong muốn sẽ được tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác với các nước châu Phi trên tất cả các lĩnh vực.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai "Chương trình hành động Việt Nam - châu Phi giai đoạn 2004-2010" với những nội dung hợp tác cụ thể và các biện pháp triển khai thực hiện. Việt Nam rất sẵn lòng chia sẻ một số kinh nghiệm và ý tưởng nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế ở châu Phi, đồng thời cũng rất muốn được tham gia sáng kiến "Đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi" (NEPAD) trên các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật,...

Cũng theo lời Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Việt Nam ủng hộ phương thức hợp tác nhiều bên theo mô hình 2+1, 3+1,... được coi là mô hình rất thích hợp đối với Việt Nam và các nước châu Phi. Ngoài ra, Việt Nam cũng ủng hộ việc triển khai mô hình "Những nội dung đặc biệt vì quan hệ đối tác kinh tế" (STEP), thí điểm thực hiện mô hình hợp tác tay ba giữa Việt Nam, Nhật Bản và một nước châu Phi trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp,... nhằm học tập và chia sẻ kinh nghiệm của châu Á trong lĩnh vực phát triển kinh tế với các nước châu Phi…

Ai cũng biết rằng, thế giới hôm nay đang bị chia rẽ bởi rất nhiều mâu thuẫn lợi quyền, đặc biệt là bởi một số trung tâm quyền lực tự coi mình là nổi trội và muốn áp đặt luật chơi đơn phương "dễ mình, khó người" cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, trong điều kiện quốc tế hiện nay, không ai có thể tiếp tục hành xử theo kiểu "một mình một chợ".

Trong rất nhiều hội nghị quốc tế diễn ra trong tuần, ý tưởng chủ đạo vẫn là: cần hợp tác với nhau chặt chẽ và thật lòng hơn nữa vì quyền lợi chung của mọi dân tộc. Hội nghị các quan chức cấp cao Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra tại thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) cũng đã đưa ra kết luận: Cần thống nhất được một kế hoạch hành động cụ thể cho hai năm đầu thực hiện Tuyên bố Nuremburg về tăng cường quan hệ đối tác ASEAN - EU.

Còn tại hội nghị quốc tế ở ngoại ô thủ đô Stockholm của Thụy Điển nhằm đánh giá những nhu cầu cấp thiết nhất trong công cuộc hỗ trợ tái thiết Iraq, nhiều đại biểu cũng cho rằng, vũ khí đơn thuần sẽ không đem lại hòa bình cho Iraq trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế mà chỉ có sự hợp tác và thiện chí mời dần dà may ra góp phần làm giảm bớt bạo lực ở đó.

Trong chuyến thăm Pháp trong tuần, Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng đã kêu gọi các nước châu Âu tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại với Nga. Dù truyền thống văn hoá, tôn giáo và tư tưởng có thể khác nhau nhưng không thể không tìm những điểm tiếp cận nào đó cùng hữu lý để cùng tồn tại và phát triển

Minh Huyền
.
.
.