Argentina: Nữ Tổng thống mới đối mặt với nhiều thách thức

Thứ Ba, 30/10/2007, 08:34
Với biệt danh "Hillary Clinton của Argentina", "Bà hoàng Crisitina", thậm chí là "Imelda Marcos của Argentina", Đệ nhất phu nhân Crisitina Fernandez de Kirchner đã giành được 46% số phiếu ủng hộ và đã trở thành nữ Tổng thống dân bầu đầu tiên trong lịch sử sau cuộc bầu cử hôm 28/10 vừa qua.

Sau 33 năm, Argentina lại có một nữ Tổng thống. Theo kết quả kiểm phiếu, bà Crisitina Fernandez de Kirchner đã giành được 46% số phiếu ủng hộ, bỏ xa người về nhì là cựu nghị sĩ, cựu Hoa hậu Elisa Carrio tới 24%, "thừa tiêu chuẩn" để đắc cử.

Với biệt danh "Hillary Clinton của Argentina", "Bà hoàng Crisitina", thậm chí là "Imelda Marcos của Argentina", nhưng Đệ nhất phu nhân Crisitina Fernandez de Kirchner cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi những chính sách cánh tả mà ông Nestor Kirchner, Tổng thống sẽ hết nhiệm kỳ trong tháng 12 tới nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế Argentina.

Mọi người gọi bà Crisitina Fernandez de Kirchner là "Hillary Clinton của Argentina" bởi giữa 2 người có khá nhiều điểm tương đồng - cùng là Thượng nghị sỹ, Đệ nhất phu nhân, đi lên sau khi trở thành luật sư và đều lịch lãm, xinh đẹp, thông minh, hấp dẫn người nghe bằng khả năng diễn thuyết của mình.

Tân Tổng thống sẽ làm lễ nhậm chức vào ngày 10/12 tới.

Dư luận chung cho rằng, tuy giành được uy tín trong một bộ phận người dân, song "Hillary Clinton của Argentina" sẽ khó đắc cử nếu bà không phải là vợ của ông Nestor Kirchner bởi phần lớn sự ủng hộ của cử tri dành cho Đệ nhất phu nhân đều xuất phát từ sự yêu mến của họ đối với Tổng thống Nestor Kirchner, người có công trong việc đưa Argentina hồi phục sau sự sụp đổ của nền kinh tế năm 2001.

Giới bình luận cho rằng, ngoài những nguyên nhân kể trên, còn phải kể tới tình trạng bị phân hóa, chưa đủ mạnh và thiếu sự nhất trí của phe đối lập trong việc đề cử một nhà lãnh đạo đủ sức cạnh tranh với "Hillary Clinton của Argentina" trong cuộc bầu cử hôm 28/10.

Phần lớn cử tri nghèo ủng hộ bà Crisitina Fernandez de Kirchner bởi họ đồng tình với những chính sách chi tiêu xã hội hào phóng cũng như các biện pháp kiểm soát giá cả, năng lượng và hàng hóa tiêu dùng mà người tiền nhiệm đã thực thi và hy vọng tân Tổng thống sẽ tiếp tục thực hiện đúng những gì đã cam kết.

Tuy thừa hưởng một di sản khá đầy đủ và phong phú từ chồng, nhưng thách thức đối với nữ Tổng thống cũng không phải nhỏ. Nạn lạm pháp cao, tình trạng thiếu nhiên liệu và tỉ lệ tội phạm gia tăng là một trong những thách thức đầu tiên của bà Crisitina Fernandez de Kirchner trên cương vị Tổng thống.

Giới chuyên môn nhận định, tân Tổng thống là người ủng hộ cánh tả và chủ nghĩa dân tộc, thân thiện với các doanh nghiệp, tôn trọng các nguyên tắc kinh tế và muốn dàn xếp mối quan hệ có phần rạn nứt với Mỹ.

Giới bình luận cho rằng, với kinh nghiệm phong phú và khả năng điều hành chính phủ của mình, ông Nestor Kirchner sẽ "phò trợ" đắc lực để vợ vượt qua những thách thức kể trên. Và điều này sẽ là "bệ phóng" quan trọng cho ông Nestor Kirchner khi muốn ra tranh cử nhiệm kỳ 2011.

Nhiệm kỳ của bà Crisitina Fernandez de Kirchner sẽ diễn ra thuận lợi hơn khi Phó Tổng thống Daniel Scioli cũng vừa đắc cử chiếc ghế Thống đốc Buenos Aires, vị trí quyền lực thứ hai ở Argentina.

Người dân hy vọng, bà Crisitina Fernandez de Kirchner sẽ tiếp tục tạo ấn tượng trên cương vị nữ Tổng thống đầu tiên của Argentina - "Tôi nữ tính chứ không phải vì nữ quyền. Tôi tin tưởng vào việc bảo vệ quyền cho phụ nữ, nhưng không phải dưới cái mác nữ quyền".

Tuy nhiên, giới kinh tế cũng cảnh báo, đang xuất hiện những vết nứt trong nền kinh tế Argentina và chính phủ cần phải có các biện pháp cấp bách để ngăn chặn lạm phát tăng nhanh cũng như tình trạng đầu tư nước ngoài bị giảm sút.

Mỹ và Liên minh châu Âu sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc đầu tư kinh tế cũng như gây ảnh hưởng chính trị đối với Argentina sau khi bà Crisitina Fernandez de Kirchner đắc cử.

Về phần mình, ngày 29/10, cựu nghị sĩ, cựu Hoa hậu Elisa Carrio đã thừa nhận thất bại. Trước đó phát ngôn viên của bà vẫn tuyên bố, theo đó 7 đảng đối lập đã đệ đơn khiếu nại lên các nhà chức trách, cáo buộc phiếu bầu bị "mất tích" hoặc bị đánh cắp tại Thủ đô Buenos Aires, nơi tập trung đông dân nhất Argentina.

Những rắc rối này xuất phát từ việc người ta cho kéo dài thời gian bỏ phiếu tại Thủ đô Buenos Aires thêm 60 phút bởi có rất nhiều trong số 12.700 địa điểm bầu cử ở Argentina mở cửa muộn

Quốc Trung
.
.
.