An ninh Syria bị đe dọa trước cuộc “đổ bộ” của 2.000 tay súng nước ngoài

Thứ Sáu, 28/02/2014, 08:49
An ninh của Syria lại tiếp tục bị đe dọa khi hơn 2.000 tay súng Hồi giáo cực đoan nước ngoài, được cho là có “hộ khẩu” châu Âu, đã đổ bộ vào Syria để tham gia cuộc chiến chống lại Tổng thống Bashar al-Assad trong các nhóm khủng bố Mặt trận Nursa và Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) - một nhánh của mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
>> Kết thúc vòng 2 Hội nghị hòa bình quốc tế về Syria: Đâu vẫn hoàn đó

Theo giới truyền thông, đây được xem là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria của Mỹ và một số đồng minh là Saudi Arabia và Jordan, dưới vỏ bọc hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy. Cuộc chiến này được phát động từ Jordan.

Nhận định về tình hình trên, ông Alaeddin Boroujerdi - người đứng đầu Ủy ban An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại Iran ngày 26/2 nhấn mạnh, đây thực sự là một mối đe dọa lớn đối với an ninh của Syria. Ông cho rằng: “Mỹ và đồng minh đã đưa hàng nghìn tay súng đến Syria, hỗ trợ trang bị vũ khí và tài chính cho chúng, rõ ràng đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ”.

Chính phủ Iran cũng liên tục kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau hợp tác thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria và cùng tham gia cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia đồng minh này. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cũng bày tỏ lo ngại về việc Syria đang trở thành điểm đến của các nhóm Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới và khẳng định, nước này sẽ không cho các tay súng nước ngoài đi qua biên giới để vào Syria.

Các phiến quân bị quân đội Syria bắn hạ trong cuộc phục kích hôm 26/2 tại khu ngoại ô Damascus.

Trong bài phát biểu ngày 27/2, ông Ahmet Davutoglu chỉ trích sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài gần 3 năm qua tại Syria. Chính quyền Moskva cũng bày tỏ đồng quan điểm với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 26/2, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, cuộc xung đột tại Syria sẽ càng trầm trọng hơn nếu vũ khí do Mỹ và đồng minh cung cấp cho phe đối lập rơi vào tay các tổ chức khủng bố.

Về phần mình, giới chức an ninh và chống khủng bố phương Tây từng tỏ ra lo ngại rằng, sau khi tham chiến tại Syria trở về nước, các tay súng “thánh chiến” phương Tây sẽ mang về các kỹ năng chiến đấu, tư tưởng cực đoan, và nhất là tư tưởng bạo lực mà họ được al-Qaeda huấn luyện.

Bên cạnh những thông tin về kế hoạch cho cuộc tấn công quân sự của Mỹ và các đồng minh, cuộc xung đột ở Syria vẫn tiếp tục diễn ra. Ngày 26/2, theo thông tin từ quân đội Syria, ít nhất 175 phiến quân đã bị bắn hạ trong một cuộc phục kích của quân đội nước này tại một trong những thành trì của phe đối lập ở ngoại ô Damascus, trong nỗ lực ngăn chặn quân tiếp viện tới khu vực chiến lược Al Qalamún.

Theo số liệu của Đài Quan sát Nhân quyền Syria thì số người thiệt mạng là 152 còn các lực lượng nổi dậy thì khẳng định con số này chỉ là 45 và tất cả đều là thường dân. Phát biểu trên truyền thông Nhà nước Syria, một vị chỉ huy quân đội cấp cao cho biết, lực lượng trung thành của Tổng thống Syria đã “triệt hạ các phần tử khủng bố” trong một chiến dịch tại huyện Đông Guta, ngoại ô Damascus và “những tên khủng bố này” tới từ Saudi Arabia, Chechnya và Qatar, cùng là thành viên của Mặt trận al-Nusra có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda và Lữ đoàn Hồi giáo, đã tham gia với các tổ chức nổi dậy khác trong việc tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Vị quan chức quân sự cho biết: “Đây là kết quả cho những nỗ lực của quân đội trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của các nhóm khủng bố vào khu vực”. Ngoài ra, đây cũng là một đòn giáng thẳng vào những tổ chức khủng bố muốn gửi quân tiếp viện tới Al Qalamún.

Trong một diễn biến khác, ngày 26/2, Chính quyền Washington đã ra lời cáo buộc Syria bắt giữ những người trong gia đình của thành viên phái đoàn Liên minh Đối lập Syria (SOC) tới tham dự Hội nghị hòa bình quốc tế Geneva 2 vì cho rằng các thành viên trong phái đoàn đó là khủng bố và tịch thu tài sản của họ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki kêu gọi Chính phủ Syria phải thả “ngay lập tức và vô điều kiện” tất cả những người đã bị bắt. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn đang tiếp tục xây dựng các đường băng cho máy bay quân sự gần biên giới giữa Jordan và Syria, đồng thời cung cấp vũ khí hạng nặng bao gồm vũ khí chống tăng và vũ khí chống tên lửa cho lực lượng nổi dậy.

Tính tới nay, theo số liệu của Đài Quan sát nhân quyền Syria, cuộc nội chiến ở Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 130.000 người và những xung đột giữa quân đội Chính phủ và phe đối lập vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống trong khi các cuộc thảo luận giữa 2 bên nhằm tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng đều thất bại và thời điểm nối lại đàm phán vẫn chưa được ấn định

Hà Khổng
.
.
.