Ấn Độ lo lắng trước việc Trung Quốc xây thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo/Brahmaputra

Chủ Nhật, 03/02/2013, 11:57
Dư luận trong và ngoài khu vực đang quan tâm tới những quan ngại của quốc gia đông dân thứ hai thế giới trước việc Trung Quốc xây thủy điện trên sông Brahmaputra (khi chảy qua Trung Quốc gọi là Yarlung Tsangpo) sau khi Ấn Độ chính thức yêu cầu nước láng giềng có dân số hơn 1,34 tỷ người phải tôn trọng các lợi ích về sông ngòi của nước này. Vụ việc diễn ra sau khi Ấn Độ biết Trung Quốc chuẩn bị xây nhà máy thủy điện mới ngay trên cửa sông chảy vào nước mình.

Từ những quan ngại của Ấn Độ

Ngày 1/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin cho biết, Ấn Độ yêu cầu Trung Quốc phải đảm bảo quyền lợi của các quốc gia ở hạ nguồn dòng sông sẽ không bị thiệt hại bởi các hoạt động trên khu vực thượng nguồn và nước này đang theo dõi mọi hoạt động trên sông Brahmaputra/Yarlung Tsangpo.

Tuyên bố kể trên xuất hiện sau khi giới truyền thông cho biết, Trung Quốc đang lên kế hoạch xây 3 nhà máy thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo ở Tây Tạng (khi chảy qua Ấn Độ gọi là Brahmaputra). Hạ tuần tháng 1/2013, Trung Quốc công bố: sẽ xây nhà máy thủy điện tại một số con sông, bao gồm các nhánh thuộc sông Yarlung Tsangpo/Brahmaputra.

Theo tờ Hindustan Times, 3 đập nước mới dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2015 với công suất dự kiến lên tới 38 gigawatt (GW), lớn gấp rưỡi đập thuỷ điện Tam Hiệp (22,5 GW). Theo giới truyền thông, mặc dù đây là các dự án thủy điện “lòng sông” – không cần hồ chứa nước lớn hoặc gây cản trở gì tới dòng chảy, nhưng bất kì dự án xây dựng nào trên sông Yarlung Tsangbo/Brahmaputra đều là tín hiệu đáng báo động đối với Ấn Độ.

Có lẽ biết trước sẽ xảy ra phản ứng nên ngày 31/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã lên tiếng: Bắc Kinh luôn hành xử có trách nhiệm đối với việc xây dựng và khai thác tại các con sông ở vùng biên giới. Bởi bất kỳ dự án mới nào cũng đều phải thông qua quy hoạch và nghiên cứu nhằm đánh giá tác động đến lợi ích của những dự án này đối với cả thượng nguồn lẫn hạ nguồn.

Trước đó, Trung Quốc từng cho rằng, việc này có thể đem lại lợi ích cho toàn thế giới bởi tiết kiệm được hàng trăm tấn cácbon mỗi năm nhờ việc khai thác nguồn năng lượng sạch. Mặc dù Trung Quốc khẳng định, các nhà máy thủy điện mới sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến dòng chảy của sông Brahmaputra/Yarlung Tsangpo, nhưng Ấn Độ vẫn bất an.

Tới thực tiễn đáng quan ngại

Cách đây 3 năm (2010-2013), Trung Quốc đã xây một đập thủy điện trên sông Yarlung Tsangpo/Brahmaputra nhằm cung cấp nước cho 6 tổ máy phát điện với công suất 85 megawatt để giải quyết tình trạng thiếu điện ở Tây Tạng và lập tức con đập này trở thành đề tài gây tranh cãi giữa Ấn Độ và Trung Quốc cho tới ngày hôm nay. Được biết, hiện Tây Tạng đã xây dựng 4 mạng lưới điện tại Tạng Trung, Lâm Chi, Xương Đô và Sư Tuyền.

Sông Brahmaputra/Yarlung Tsangpo tại Tây Tạng, Trung Quốc.

Trước đó, Ấn Độ đã đặt vấn đề về hậu quả môi trường của dự án này với giới chức Trung Quốc. Ngày 20/10/2009, New Delhi cho biết, sẽ điều tra việc Trung Quốc lên kế hoạch xây đập trên sông Yarlung Tsangbo/Brahmaputra. Báo mạng Press Strust of India khi đó đưa tin, cũng trong ngày 20/10/2009, chính quyền các bang Assam và Arunachal Pradesh (thuộc Đông Bắc Ấn Độ) đã yêu cầu Thủ tướng Manmohan Singh phải lên tiếng về vấn đề này bởi nếu Trung Quốc xây đập nước hay thực hiện kế hoạch dẫn nước từ sông Yarlung Tsangbo/Brahmaputra thì vùng Đông Bắc Ấn Độ sẽ bị hạn hán nghiêm trọng.

Gần 4 năm trước (tháng 5/2009), Trung Quốc từng cam kết: sẽ không lấy nước từ sông Yarlung Tsangbo/Brahmaputra về sông Dương Tử để phục vụ dự án dẫn nước Nam - Bắc của nước này. Nhưng ngay từ khi đó, tờ The Economist Times đã đưa tin: Ấn Độ không tin vào cam kết của Trung Quốc. Giới chuyên môn cho biết, New Delhi không thể không lo ngại về nguy cơ quốc gia có dân số lớn nhất thế giới sẽ làm chuyển hướng hoặc chặn dòng chảy của các dòng sông bắt nguồn từ Tây Tạng.

Brahmaputra/Yarlung Tsangpo là một trong những con sông lớn của châu Á (chảy qua Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh), bắt nguồn từ dãy Himalaya, có chiều dài 2.906 km với đoạn chảy qua Trung Quốc dài 1.625 km, đoạn chảy qua Ấn Độ dài 918 km và Bangladesh là 363 km, sau đó đổ ra Vịnh Bengal

Phần lớn các sông ở Bangladesh và Ấn Độ đều mang tên phụ nữ, nhưng Brahmaputra/Yarlung Tsangpo là con sông hiếm hoi mang tên nam giới bởi theo tiếng Phạn thì Brahmaputra có nghĩa là "con trai của  Brahma”.

Giới truyền thông đưa tin, ý định xây một con đập khổng lồ trên sông Yarlung Tsangpo/Brahmaputra có từ thập niên 1960, nhưng phải tới cuối thập niên 1990 Trung Quốc mới bắt đầu khởi công giai đoạn đầu.

Giới khoa học cho rằng, việc thực hiện dự án dẫn nước Nam - Bắc của Trung Quốc là nhằm cứu vãn các vùng, miền đang bị khô hạn ở phía Bắc quốc gia này. Tính đến nay có rất nhiều sông của Trung Quốc đã cạn nước hoặc bị ô nhiễm không thể sử dụng. Trung Quốc dự tính, khi đi vào sử dụng, dự án đập khổng lồ này có thể vận chuyển được 40-200 tỉ m3 nước/năm tới những vùng khô hạn.

Ngày 23/1/2013, tờ điện tử Lenta.ru của Nga đăng bài với tiêu đề: “Hồ Aral thứ 2” đề cập tới cuộc tranh chấp nguồn nước trước đây giữa Trung Quốc và Kazakhstan. Theo bài viết, khu tự trị Duy Ngô Nhĩ-Tân Cương của Trung Quốc là vùng đất bán sa mạc, không thể phát triển nếu thiếu nước và người Trung Quốc đã sở hữu nguồn nước từ sông Ile và Irtis (2 con sông quyết định trực tiếp đến cuộc sống của cả miền Trung tâm và miền Đông của Kazakhstan).

Các cuộc tranh luận về pháp lý của các con sông biên giới đã được Bắc Kinh và Astana tiến hành từ năm 1998, nhưng mãi đến năm 2009, Trung Quốc mới đồng ý bắt đầu thảo luận chi tiết về các vấn đề phân chia nguồn nước và bảo vệ các con sông xuyên biên giới với Kazakhstan. Đến năm 2011, hai bên đạt được thỏa thận: sẽ phân chia xong nguồn nước của sông Ile và Irtis trước năm 2014.

Năm 2000, Trung Quốc thông qua chiến lược khai phá miền Tây và đến năm 2012, Bắc Kinh cho xây kênh đào nối sông Ile với phía Tây của khu bán sa mạc lòng chảo Tarim, và lấy nước của sông Irtis cung cấp cho trung tâm công nghiệp của Tân Cương.

Các nhà thủy văn cho rằng, chỉ cần lấy của sông Ile 10% lượng nước sẽ dẫn đến hậu quả hồ Balkhash bị chia thành hai hồ nước nhỏ đúng như tình trạng hồ Aral trước kia, và một trong số đó sẽ hoàn toàn cạn kiệt…

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.