Ấn Độ kêu gọi không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực tại Biển Đông

Thứ Tư, 20/11/2019, 08:30
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 6 diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nêu rõ: “Dĩ nhiên cộng đồng quốc tế quan tâm tới các tuyến đường biển liên lạc mở. Chúng tôi hy vọng tình hình vẫn ổn định, không (có bên nào) sử dụng, hay đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc quân sự hóa khu vực”. 


Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh ngày 18-11 cho biết New Delhi “nhấn mạnh cần bảo vệ quyền của các quốc gia không liên quan tới những cuộc đàm phán” giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Ông cũng hy vọng kết quả của các cuộc đàm phán ASEAN - Trung Quốc sẽ tuân thủ mọi luật pháp quốc tế liên quan, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 6 diễn ra tại Bangkok (Thái Lan), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nêu rõ: “Dĩ nhiên cộng đồng quốc tế quan tâm tới các tuyến đường biển liên lạc mở. Chúng tôi hy vọng tình hình vẫn ổn định, không (có bên nào) sử dụng, hay đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc quân sự hóa khu vực”.

Ông Singh bày tỏ hy vọng kết quả của các cuộc đàm phán này sẽ tuân thủ mọi luật pháp quốc tế liên quan, bao gồm UNCLOS năm 1982, và thúc đẩy hoạt động tự do đi lại, bay qua không phận và thương mại hợp pháp tại Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tại Hội nghị ADMM+ lần thứ 6. Ảnh: Socialnews

Tại hội nghị, Các bộ trưởng cũng trao đổi sâu sắc về các thách thức an ninh biển, trong đó có Biển Đông; đồng thời, khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông đối với an ninh khu vực và trên thế giới. Nhiều bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước UNCLOS năm 1982, mong muốn sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.

Về phía Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nêu rõ những căng thẳng vừa qua trên Biển Đông đã cho thấy một khi luật pháp quốc tế không được tôn trọng, thì an ninh, ổn định khu vực nói chung và trên biển nói riêng sẽ bị đe dọa.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, hòa bình trên Biển Đông không chỉ là lợi ích của các bên trực tiếp liên quan mà là vì lợi ích chung của khu vực và quốc tế. Giải quyết vấn đề Biển Đông trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng là nền tảng để biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển.

Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; các bên tôn trọng lợi ích chính đáng hợp pháp của nhau được quy định trong UNCLOS năm 1982, tránh có những hành động làm phức tạp tình hình, căng thẳng leo thang. Việt Nam tích cực cùng với ASEAN và Trung Quốc xây dựng COC thực chất và hiệu quả.

Trong thông cáo chung đưa ra sau hội nghị, các bộ trưởng tái khẳng định cam kết hướng đến hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực thông qua việc tôn trọng các nguyên tắc luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi, đẩy mạnh hợp tác, tương tác với các đối tác tiềm năng cũng như ứng phó trên tinh thần tập thể, mang tính xây dựng đối với những diễn biến toàn cầu, các vấn đề an ninh dựa trên quan hệ hữu nghị và cùng có lợi.

Thông cáo chung nêu rõ, các bộ trưởng cam kết đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua việc tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh. Điều này bao gồm việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi, bao gồm UNCLOS 1982, duy trì và tôn trọng tự do hàng hải và hàng không, cũng như thúc đẩy hợp tác để ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh khu vực một cách bền vững, đặc biệt là thông qua các Nhóm chuyên gia ADMM+ và các cơ chế an ninh do ASEAN dẫn dắt dựa trên sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

Trước đó, tại Hội thảo Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ hai về thực thi UNCLOS năm 1982 và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức, diễn ra hôm 13-11 tại Hà Nội, các đồng chủ trì Hội thảo gồm Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế (Bộ Ngoại giao) Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ Canada tại Việt Nam Deborah Paul, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti, đã khẳng định vai trò quan trọng của UNCLOS năm 1982 trong việc quản lý hoạt động của các quốc gia trên biển trong suốt 25 năm qua.

UNCLOS năm 1982 không chỉ là công cụ pháp lý quan trọng điều chỉnh các vấn đề trên biển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia, bao gồm cả các quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, quốc gia tham gia hoạt động khai thác biển, mà còn là khuôn khổ quan trọng để các quốc gia giải quyết các tranh chấp và tăng cường hợp tác biển. Trên cơ sở UNCLOS năm 1982, một số sáng kiến hợp tác đã được đề xuất và thúc đẩy giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác đối thoại nhằm ứng phó với các thách thức an ninh biển.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.