Ai đứng sau vụ ám sát cựu Bộ trưởng Tài chính Lebanon?

Thứ Hai, 30/12/2013, 10:47
Dư luận thế giới đã lập tức lên án vụ đánh bom xe sáng 27/12 (theo giờ địa phương) tại trung tâm thủ đô Beirut khiến ít nhất 5 người chết, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Mohammed Shattah (Mohamad Chattah), hơn 70 người bị thương và làm nhiều tòa nhà cùng ôtô bị bốc cháy.

Trong một thông cáo báo chí, ngày 28/12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên án vụ đánh bom và 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng lên án mạnh mẽ với bất kỳ nỗ lực nào làm mất ổn định Lebanon thông qua các vụ ám sát chính trị, đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng hành động bạo lực, hăm dọa đối với các chính trị gia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra xét xử kẻ chịu trách nhiệm về hành động khủng bố này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên án vụ đánh bom và gọi vụ giết hại ông Mohammed Shattah là một “cuộc tấn công tàn nhẫn và hèn nhát nhắm vào công lý”, đồng thời cho rằng những kẻ chịu trách nhiệm phải được đưa ra trước công lý. Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Catherine Ashton lấy làm tiếc về vụ việc này, đồng thời hối thúc Lebanon bỏ qua mọi bất đồng để cùng nỗ lực khôi phục an ninh quốc gia.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng kịch liệt lên án vụ ám sát ông Mohammed Shattah. Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), nhóm lớn nhất trong Liên minh Dân tộc đối lập tại Syria, đã cáo buộc Damascus cùng các đồng minh là Iran và phong trào Hezbollah đứng đằng sau vụ đánh bom xe hôm 27-12. Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về vấn đề Lebanon, ông Derek Plumbly ngoài việc lên án vụ đánh bom, còn kêu gọi những người chịu trách nhiệm phải được đưa ra trước công lý.

Theo giới truyền thông Lebanon, một ôtô gài bom đã phát nổ giữa trung tâm Thủ đô Beirut sáng 27/12 nhắm vào đoàn xe chở cựu Bộ trưởng Tài chính Mohammed Shattah, 62 tuổi, cố vấn của cựu Thủ tướng Saad Hariri. Trước khi chết khoảng 60 phút, ông Mohammed Shattah, nguyên Đại sứ Lebanon tại Mỹ còn viết trên trang Twitter chỉ trích phong trào Hezbollah (dòng Shiite) ủng hộ Syria. Vụ đánh bom xảy ra vào lúc ông Mohammed Shattah đang trên đường đến nhà cựu Thủ tướng Saad Hariri để dự cuộc họp của liên minh 14-3 (dòng Sunni), tổ chức phản đối chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Trong khu phố xảy ra đánh bom có dinh thự của cựu Thủ tướng Saad Hariri và nhiều khách sạn.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mohammed Shattah (Mohamad Chattah) và vụ bắt giữ nghi phạm (phải).

Hơn 1 năm trước (19/10/2012), Tổng thống Bashar al-Assad cũng từng bị cựu Thủ tướng Saad Hariri và thủ lĩnh đối lập Walid Jumblatt cáo buộc đứng sau cái chết của Tướng Wissam al-Hassan, Cục trưởng Tình báo-An ninh nội địa Lebanon. Vụ đánh bom xe xảy ra tại Thủ đô Beirut hôm 19/10/2012 đã khiến ít nhất 8 người thiệt mạng, khoảng 100 người bị thương và nhiều xe ôtô trên đường phố cùng mặt tiền của một số tòa nhà xung quanh bị hư hại nặng.

Tướng Wissam al-Hassan là người có quan hệ thân thiết với cựu Thủ tướng Saad Hariri và là một trong những người được giao điều tra, làm rõ hung thủ đứng sau cái chết của cựu Thủ tướng Rafik Hariri. Khi đó Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng cực lực lên án vụ ám sát, đồng thời kêu gọi chính quyền Lebanon mở cuộc điều tra sâu rộng để đưa hung thủ ra xét xử. Nhưng cho tới nay người ta vẫn chưa làm rõ được hung thủ đứng sau vụ tấn công khiến Cục trưởng Tình báo-An ninh nội địa Wissam al-Hassan thiệt mạng. Khi đó Tướng Wissam al-Hassan là quan chức cấp cao nhất của Lebanon bị ám sát kể từ vụ sát hại cựu Thủ tướng Rafik Hariri.

Tướng Jamil Sayyed, cựu Giám đốc cơ quan an ninh Lebanon cho biết, Syria từng ra lệnh bắt giữ các quan chức Lebanon và nước ngoài (thẩm phán, an ninh, chính trị gia, phóng viên) bởi đã đưa ra những bằng chứng giả trong cuộc điều tra về vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri. Trong những đối tượng này đáng chú ý có ông Detlev Mehlis, Ủy viên công tố người Đức, từng đứng đầu cuộc điều tra của Liên hợp quốc về vụ ám sát kể trên. Tiếp đến là ông Ashraf Rifi, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Lebanon, Phó Chỉ huy lực lượng cảnh sát Marwan Hamadeh và Trưởng công tố Saeed Mirza.

Hãng truyền thông CBC của Canada từng đưa tin, Tòa án đặc biệt về Lebanon đang nắm giữ những bằng chứng cho thấy Hezbollah đứng đằng sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri. Nhưng thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah lại nhiều lần kêu gọi tẩy chay Tòa án đặc biệt về Lebanon, khiến bầu không khí chính trị tại Lebanon vốn đã căng thẳng càng thêm u ám mỗi khi đề cập tới vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri.

Ngoài việc cảnh báo sẽ “chặt tay” bất cứ cá nhân hay tổ chức nào tìm cách bắt người của Hezbollah với cáo buộc có liên quan tới cái chết của cựu Thủ tướng, ông Hassan Nasrallah còn kêu gọi giới chức Lebanon không hợp tác với uỷ ban điều tra của Liên hợp quốc trong cuộc điều tra vụ ám sát ông Rafik Hariri. Cho tới nay, Hezbollah vẫn không nhận trách nhiệm trong vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri

Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.