Khủng bố tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ khiến 45 người chết, 140 người bị thương:

Ai đứng sau những vụ đánh bom khủng bố?

Thứ Hai, 13/05/2013, 08:41
Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ thái độ sau khi biết tin về 2 vụ nổ liên tiếp xảy ra gần tòa nhà chính quyền và các bưu điện ở thành phố Reyhanli, tỉnh Hatay miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới Syria hôm 11/5, khiến ít nhất 45 người chết và hơn 140 người bị thương. Dư luận quan ngại, vụ việc này có thể là ngòi nổ cho căng thẳng đang leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác với Syria.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố và khẳng định không lý do nào có thể biện minh cho hành động khủng bố nhằm vào dân thường, đồng thời yêu cầu nhanh chóng tìm thủ phạm và đưa chúng ra trước pháp luật. Cùng ngày 11/5, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã lên án các vụ đánh bom nhằm vào thành phố Reyhanli của Thổ Nhĩ Kỳ bởi việc này biểu hiện sự coi thường mạng sống của người dân.

Cũng trong ngày 11/5, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Ngoại trưởng Laurent Fabius đã dùng những ngôn từ mạnh mẽ nhất lên án các vụ đánh bom tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết đối với người dân và chính phủ nước này. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đổ lỗi cho các nhóm ủng hộ Syria gây ra các vụ đánh bom kể trên.

Phát biểu trên kênh truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 11/5, Phó Thủ tướng Besir Atalay cho biết, theo kết quả điều tra ban đầu về các vụ đánh bom tại Reyhanli cho thấy, những kẻ tấn công có liên quan đến cơ quan tình báo Syria.

Hiện trường vụ đánh bom tại thành phố Reyhanli, tỉnh Hatay miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Besir Atalay cũng khẳng định, các vụ đánh bom không liên quan tới người tị nạn hay phe đối lập Syria, đồng thời cho biết các đối tượng tấn công đến từ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Quan điểm này được Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Muammer Guler đồng tình - các nhóm có quan hệ gần gũi với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đứng sau các vụ đánh bom hôm 11/5 và những cá nhân cùng tổ chức đứng sau các vụ tấn công này đã được xác định.

Được biết, các cuộc tấn công hôm 11/5 đã gây hoang mang ở Reyhanli và dẫn đến căng thẳng giữa các nhóm thanh niên và người tị nạn Syria, buộc cảnh sát phải bắn chỉ thiên để giải tán đám đông. Phe đối lập ở Syria (Liên minh quốc gia Syria) cho biết, các vụ tấn công kể trên nhằm gây chia rẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phe đối lập Syria.

Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, con số thương vong có thể tiếp tục tăng và đây được coi là vụ đánh bom đẫm máu nhất ở nước này kể từ khi cuộc xung đột ở Syria bùng nổ cách đây hơn 2 năm. Được biết, căng thẳng tại khu vực này bắt đầu gia tăng trong vài tuần qua sau khi xảy ra các vụ đụng độ giữa người tị nạn Syria với thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ và nước này đang phải đối mặt với làn sóng người tị nạn ngày một gia tăng tại Syria khi cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 năm qua đang có những diễn biến trầm trọng.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã điều thêm quân đến khu vực biên giới giáp Syria sau khi xảy ra các vụ đánh bom tại Reyhanli. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cảnh báo (từ Berlin, Đức), chớ nên thử thách sức mạnh của Ancara, đồng thời nhấn mạnh, những ai vì bất kỳ lý do nào gây ra sự hỗn loạn ở đất nước này sẽ phải chịu sự trừng phạt đích đáng. Hiện chưa có tổ chức hay cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ tấn công kể trên

Tân Hồng-Tiên Du
.
.
.